Hy Lạp liệu đã hồi sinh? (Phần 1)

05:30' - 13/07/2018
BNEWS Tuần báo Le Point mới đây bàn về khả năng “hồi sinh” của Hy Lạp trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp dường như đã chấm dứt.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos (trái) trong cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính Eurozone ở Luxembourg ngày 21/6. Ảnh: EPA/TTXVN

Nhà nghiên cứu chính trị Georges Sefertzis cho biết sau 8 năm khủng hoảng, khả năng tiêu dùng của người dân Hy Lạp đã giảm 40%, với 30% dân số sống trong cảnh nghèo đói và 45% thanh niên thất nghiệp. Những người có công ăn việc làm cũng chỉ được trả lương rất thấp. 
Phần lớn người dân Hy Lạp không còn sức để tiếp tục “chiến đấu”. Còn theo quan sát của bác sĩ tâm lý Marina Oikonomou, thuộc Viện nghiên cứu sức khỏe tâm thần Athens, sự suy sụp tinh thần đã len lỏi vào từng gia đình khi mà hộ dân nào cũng có một vài người thất nghiệp. Tỷ lệ tự sát và tỷ lệ dùng thuốc an thần để giảm stress (căng thẳng thần kinh) đã tăng 30%.
Cách đây 3 năm, Hy Lạp đang trên bờ phá sản, nhưng hiện nay quốc gia này đang gượng mình đứng dậy, nhiều người bắt đầu hình dung nền kinh tế Hy Lạp sắp thoát khỏi “đường hầm tối tăm”.
Theo tờ báo trên, nhiều công ty khởi nghiệp ra đời, không chỉ nhắm tới thị trường trong nước mà còn hướng ra thị trường quốc tế. Dù theo Stavros Messinis, người sáng lập ra hiệp hội các công ty khởi nghiệp (startup) Hy Lạp, các công ty mới này không giải quyết được nạn thất nghiệp trên diện rộng nhưng các startup lại cho ra đời một thế hệ chủ doanh nghiệp mới.
Từ một năm nay, các chỉ số kinh tế của Hy Lạp đã chuyển biến theo hướng tích cực. Một chuyên gia theo dõi sát sao các cuộc thương lượng giữa Athens và Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Thủ tướng Alexis Tsipras đã làm tốt công việc của mình.
Rất đông du khách quốc tế quay trở lại Hy Lạp và góp phần vực dậy kinh tế nước này. Nếu trong năm 2016, Hy Lạp chỉ đón 27 triệu lượt du khách quốc tế thì theo dự báo, con số này trong năm 2018 sẽ là 37 triệu lượt du khách. Không chỉ du lịch, mà các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, xây dựng hạ tầng cơ sở và năng lượng cũng có cơ hội tăng trưởng tốt. 
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp vẫn ở mức cao 20,8% vào tháng 12/2017, thời điểm gần nhất có số liệu thống kê của nước này. Trong giai đoạn khủng hoảng, hàng nghìn doanh nghiệp tại Hy Lạp đã đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 27,9%, trong đó cứ 10 thanh niên đang tìm việc làm thì có 6 người không thành công.
Bên cạnh đó, số liệu của Ngân hàng trung ương Hy Lạp cũng cho thấy có khoảng 223.000 người Hy Lạp ở độ tuổi 25-39 đã di cư sang các nước giàu hơn trong thời gian từ năm 2008 đến 2013. Theo nhận định của nhà nghiên cứu chính trị Georges Sefertzis, sau 8 năm không nghiên cứu, không đầu tư, và lượng lớn thanh niên rời bỏ tổ quốc ra nước ngoài kiếm kế sinh nhai, Hy Lạp sẽ phải mất thêm hai năm mới có thể khôi phục chất lượng sản xuất.
Một điểm yếu là công tác tổ chức nhà nước và các cơ quan hành chính công của Hy Lạp. Tại Liên minh châu Âu (EU), Hy Lạp là nước mà người dân phải đóng thuế nhiều nhất nhưng chỉ được hưởng ít dịch vụ nhất.
Cải cách nhà nước là một thử thách lớn, vì theo nhà nghiên cứu chính trị Ilias Nikolopoulos, chỉ có 15% công chức Hy Lạp làm việc thực sự, số còn lại chỉ “ăn không, ngồi rồi”, “ngồi chơi, xơi nước”. Một cơn ác mộng khác đối với người dân Hy Lạp và các nhà đầu tư nước ngoài là các đạo luật chồng chéo nhau, đôi khi mâu thuẫn nhau.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục