Hướng tới mục tiêu 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu lâm sản

13:31' - 05/07/2019
BNEWS Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giao nhiệm vụ cho ngành lâm nghiệp phải đảm bảo xuất khẩu lâm sản đạt 11 tỷ USD trong năm nay.
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN 
Tại hội nghị Sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Tổng cục Lâm nghiệp sáng 5/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giao nhiệm vụ cho ngành lâm nghiệp phải đảm bảo xuất khẩu lâm sản đạt 11 tỷ USD trong năm nay. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giao nhiệm vụ cho ngành lâm nghiệp phải đảm bảo xuất khẩu lâm sản đạt 11 tỷ USD trong năm nay. 
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu, ngành lâm nghiệp phải hoàn thiện thể chế, đặc biệt là đối với Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Bởi, Hiệp định này được xem là một hướng hội nhập về thể chế và Việt Nam tự hào là quốc gia thứ hai của châu Á tham gia.
Với Hiệp định này, trong quản lý kim ngạch xuất khẩu có sự tham gia của đồng quản lý, đó là: người dân, xã hội, nhà nước, cộng đồng quốc tế… “Đây là giai đoạn chuyển trạng thái sang kinh tế lâm nghiệp đầy đủ trách nhiệm của hội nhập. Do đó, mỗi đơn vị, cán bộ phải chuyển đổi nhận thức, thận thức sâu sắc về Hiệp định này để mang lại hiệu quả cho ngành”, Bộ trưởng cho hay.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn chỉ đạo thêm, trong tháng 9/2019, Tổng cục phải hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam để triển khai Hiệp định VPA/ FLEGT. Đây là một nghị định cho vấn đề mới, nên phải được xây dựng có chất lượng, trách nhiệm cao nhưng không được tăng thủ tục hành chính.
Trước yêu cầu cao trong thực thi Hiệp định VPA/FLEGT cũng như những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với ngành, Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp phải có người chịu trách nhiệm cụ thể và báo cáo hàng tuần về tình hình trên lên lãnh đạo Bộ về tình hình triển khai hiệp định.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp quý II/2019, tăng 4,53%, cao hơn 0,08% so với cùng kỳ năm 2018. Trong bối cảnh các nhóm ngành hàng nông nghiệp vừa giảm về số lượng và giá trị kể cả trong nước và xuất khẩu thì lâm nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, là trụ đỡ cho nông sản Việt.
Trong 6 tháng đầu năm, giá trị xuất nhập khẩu lâm sản đạt 6,48 tỷ USD. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã phát hiện 5.691 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 1.117 vụ, tương đương giảm 16% so với 6 tháng đầu năm 2018; diện tích rừng bị phá 287 ha, giảm 34 ha (giảm 11%).
Tuy nhiên, do diễn biến bất thường của thời tiết, cháy rừng diễn ra rất phức tạp, nhất là đối với các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Cả nước đã xảy ra 156 vụ cháy rừng, tăng 61 vụ (tăng 64%) so với cùng kỳ năm 2018. Diện tích rừng bị cháy 930 ha, tăng 705 ha, hơn 4 lần cùng kỳ năm 2018.
Thời kỳ cao điểm xảy ra cháy rừng từ ngày 26/6 đến ngày 1/7 trên địa bàn các tỉnh miền Trung; trong đó, có 45 vụ cháy gây thiệt hại tới rừng tại: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Diện tích rừng bị thiệt hại ước tính sơ bộ trong thời gian này khoảng 293 ha; trong đó, có 14 vụ chưa xác định diện tích rừng bị thiệt hại.
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ngành sẽ sớm đánh giá mức độ thiệt hại về rừng, đồng thời đề xuất ngay phương án khôi phục diện tích rừng bị cháy.
Thời gian tới, Tổng cục sẽ chú trọng xây dựng dự án ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và bảo vệ rừng như: phát hiện sớm, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng và ứng cứu, chữa cháy rừng... Ngành duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hàng ngày; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền trong quản lý bảo vệ rừng, thiết lập mạng lưới cộng tác viên cung cấp thông tin tại các cơ sở.
Với vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, từ nay đến cuối năm, thời tiết nắng nóng vẫn còn, ngành phải tiếp tục chú ý đến nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với đó, ngành cần xây dựng ngay khuôn khổ chính sách, kế hoạch ứng phó cháy rừng mới. Đây sẽ là một điểm trong chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững mà không chỉ là những giải pháp trong ngắn hạn.
Trong 6 tháng qua, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt gần 5,23 tỷ USD, tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ 2018. Để đạt được mục tiêu 11 tỷ USD, ông Phạm Văn Điển cho biết, ngành sẽ tăng cường phối hợp với các bộ ngành trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu; kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp.
Ngành cũng sẽ phối hợp địa phưng xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước. Điều này sẽ giúp tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm, qua đó nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục