Hướng thâm canh bền vững nhờ quy trình VietGap

20:41' - 19/01/2019
BNEWS Tỉnh Hưng Yên đang mở rộng vùng chuyên canh cam theo tiêu chuẩn VietGap.

Đây là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp sạch đang hấp dẫn các nhà vườn bởi hiệu quả vượt trội, mở ra tiềm năng sản xuất hàng hóa cho thu nhập cao và bền vững.

Vườn cam đường canh chín rộ ở xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Mai Ngoan - TTXVN.

Theo ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, toàn tỉnh hiện có hơn 1.600 ha trồng cam, tập trung ở các huyện Kim Động, Phù Cừ, Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ và thành phố Hưng Yên.

Trong đó, có khoảng 1.200 ha được sản xuất theo hướng VietGap, chiếm hơn 70% tổng diện tích. Các nhà vườn đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, không sử dụng hóa chất độc hại, thực hiện quy trình chăm sóc, thu hái sạch và an toàn.
Huyện Kim Động là nơi có vùng trồng cam lớn nhất tỉnh với hơn 300 ha ở các xã Đồng Thanh, Vĩnh Xá, Chính Nghĩa. Riêng xã Đồng Thanh đã quy hoạch vùng trồng cam theo quy trình VietGap, bước đầu có 13 ha đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn.

Các hộ tham gia mô hình VietGap được tập huấn về quy trình sản xuất, hỗ trợ một phần phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là phân tích mẫu đất, nước và chất lượng sản phẩm đến thời kỳ thu hoạch. Do đảm bảo về chất lượng, mẫu mã nên việc tiêu thụ thuận lợi, mỗi ha cho thu lãi trên 300 triệu đồng.
Huyện Phù Cừ có 2 vùng trồng cam VietGap tại xã Tam Đa và xã Quang Hưng với diện tích gần 40 ha, trong đó có gần 30 ha được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGap. Với việc chú trọng ứng dựng khoa học kỹ thuật trong sản xuất đã giúp các hộ trồng cam xây dựng được thương hiệu, chiếm lĩnh được thị trường.

Ông Trần Văn Bính, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngũ Phúc, xã Tam Đa cho biết: Trong quá trình chăm sóc chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học cách ly trước thu hoạch. chất lượng quả cam có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp trồng cam truyền thống trước đó, mang lại giá trị cao hơn từ 10 - 15%.
Tại thành phố Hưng Yên đã quy hoạch vùng trồng cam theo quy trình VietGap tại xã Quảng Châu với 55 hộ tham gia mô hình trên diện tích 32 ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn.

Ông Trần Quang Hải và các hộ trồng cam ở xã Quảng Châu cho biết: tham gia mô hình trồng cam Vietgap, bà con được hướng dẫn về quy trình sản xuất, hỗ trợ một phần phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, quy trình phân tích mẫu đất, nước và chất lượng sản phẩm đến thời kỳ thu hoạch. Vì vậy sản phẩm cam đạt chất lượng ngon, tiêu thụ ngay tại vườn với giá ổn định ở mức trên 20 nghìn đồng/kg.
Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 13 HTX có diện tích cam được chứng nhận tiêu chuẩn Vietgap. Trong đó, nhiều HTX xây dựng được vùng thâm canh quy mô lớn như: HTX Nông nghiệp Ngũ Phúc, HTX cam Quảng Châu, HTX cam Đồng Thanh...

Các HTX này đã sản xuất được giống cam cho năng suất, chất lượng, giá trị thương phẩm cao và mang lại nguồn thu nhập lớn cho các nhà vườn, với mức thu lãi mỗi năm từ 300 đến 500 triệu đồng/ha./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục