Hướng nông dân đến sản xuất lớn

09:45' - 04/06/2019
BNEWS Chọn đúng hướng đi, có kinh nghiệm, có kỹ thuật và hơn hết là có sự đồng hành của ngân hàng, thì sao có thể nói nông nghiệp là bấp bênh!
Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang
“Tôi sống nhờ ngân hàng”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Toàn, nông dân xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Giữa khu chuồng trại ngăn nắp, quy củ, chỉ tay về phía đàn bò hơn trăm con đang thủng thẳng nhai cỏ giữa tiếng nhạc du dương phát ra từ hệ thống loa thùng gắn quanh trại, lão nông 60 tuổi, dáng người nhỏ bé nhưng rắn rỏi, giọng nói oang oang, chắc nịch: “Nuôi cái “anh” này chắc lắm. Nuôi lợn, gà giàu nhanh nhưng rủi ro cao, dễ dịch bệnh, chứ riêng nuôi “anh” này chẳng lo dịch bệnh bao giờ. Chỉ có điều, vốn bỏ ra lớn lắm, không có ngân hàng thì không làm được đâu!”.

Ông Toàn cho biết, khác với bò đỏ (giống bò cỏ địa phương) chỉ khoảng 8 tháng là có thể khai thác thịt, giống bò thịt Kobe mà ông đang nuôi phải mất 14 tháng mới có thể khai thác thịt. “Để nuôi được 100 con bò thịt giống Kobe, trong vòng 14 tháng tôi phải đầu tư 5 tỷ đồng, từ chi phí con giống đến thuốc men, ăn uống, vệ sinh phòng dịch... Nếu không có ngân hàng, nhà nông như chúng tôi lấy đâu ra khoản đầu tư này”.

Hơn 20 năm trước, từ món vay 5 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Việt Yên, ông Toàn bắt tay vào chăn nuôi quy mô hàng hóa. Từ  một vài con bò thịt, gia đình ông cứ thế quay vòng, có vốn lại mua bò giống, chăn nuôi có lãi lại dồn góp mua đất, lập trại. Có đất, có vườn, có sổ đỏ, lại mang đến ngân hàng vay thêm vốn. Cứ thế, như một vòng tròn mở rộng dần, đến nay ông Toàn đã là chủ một trang trại chăn nuôi với quy mô hàng trăm con bò thịt.

Trong chăn nuôi, lo ngại nhất là dịch bệnh, nhưng với ông Toàn, kinh nghiệm của một lão nông đưa ông đến lựa chọn, chỉ nuôi bò và làm thật tốt khâu kiểm soát dịch bệnh. Ông chọn mua giống từ nguồn giống tốt, tin cậy dù giá giống có cao hơn.

Ông mua đất lập trại chăn nuôi riêng ngoài cánh đồng, tách xa khu dân cư tránh ô nhiễm môi trường, quy hoạch trồng cỏ đảm bảo chủ động nguồn thức ăn thô. Ông đầu tư mua máy móc phối trộn thức ăn tinh, vừa phục vụ cho trang trại của gia đình, vừa cung cấp cho các hộ chăn nuôi quanh vùng. Ông thuê riêng một cán bộ thú y với chi phí 5 triệu đồng/tháng chuyên trách theo dõi và chăm sóc sức khỏe đàn bò...

 “Tôi đang vay Agribank 3,5 tỷ đồng. Với hơn 100 con bò thịt nuôi quay vòng, mỗi năm hạch toán trừ hết mọi khoản chi phí và trả lãi vay ngân hàng tôi còn được 800 triệu đồng. Hơn thì chẳng có đâu chứ 800 triệu thì chắc chắn!”, vẫn giọng chắc nịch, ông Toàn cười sảng khoái chẳng giấu diếm.

 Hướng nông dân đến sản xuất lớn

 Với địa thế nằm giữa thành phố Bắc Ninh và thành phố Bắc Giang, những năm gần đây, Việt Yên trở thành huyện trọng điểm về phát triển thương mại dịch vụ của tỉnh Bắc Giang với chủ trương mở rộng các khu, cụm công nghiệp. Việc phát triển mạnh các khu công nghiệp là điều kiện để nông nghiệp tích tụ ruộng đất, chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

 “Chính vì vậy, nhu cầu vốn sản xuất là rất lớn. Năm 2018 dư nợ của Agribank Việt Yên đã tăng gấp đôi so với năm 2016. Tính đến 30/4/2019, tổng dư nợ của toàn chi nhánh là 1.540 tỷ đồng, trong đó có tới 90% dư nợ cho vay khách hàng cá nhân với mục tiêu phát triển kinh tế gia đình như trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Toàn ở xã Bích Sơn là một trong những điển hình về sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, phát triển bền vững”, ông Tạ Quang Phượng, Giám đốc Agribank Việt Yên cho biết.

Để đạt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nâng cao thu nhập cho người dân, khẳng định chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, nguồn vốn tín dụng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, hướng người dân Việt Yên nói riêng và nông dân Bắc Giang nói chung tới mục tiêu sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng tầm người nông dân trong thời đại mới.

Trong những năm qua, vốn đầu tư của Agribank Bắc Giang đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn với các đối tượng vay vốn chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp phục vụ chương trình cơ giới hoá nông nghiệp nông thôn...

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Agribank Bắc Giang, với phương châm ra đời vì nông dân và phục vụ nông dân, Agribank Bắc Giang luôn hướng tới mục tiêu đồng hành cùng nông dân trên những bước đường chuyển dịch và phát triển kinh tế. Dư nợ trên 9.100 tỷ đồng, trong đó có tới 86% là cho vay nông nghiệp - nông thôn; chỉ có 24% cho vay doanh nghiệp, song cũng chủ yếu là doanh nghiệp phục vụ nông nghiệp - nông thôn là những con số cho thấy sự gắn bó của Agribank với sự nghiệp của nhà nông Bắc Giang.

Ông Nguyễn Văn Toàn (đứng giữa) giới thiệu trang trại chăn nuôi khép kín tại xã Bích Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang).

Với hệ thống mạng lưới  2 chi nhánh loại I; 12 chi nhánh loại II; 32 phòng giao dịch cùng 1 xe giao dịch lưu động và đặc biệt là hệ thống gần 2.000 tổ vay vốn trải khắp từng thôn xóm, Agribank Bắc Giang có điều kiện tiếp cận khách hàng nhanh nhất, ở những vùng sâu xa nhất.

“Có những phòng giao dịch hoạt động với mục tiêu bám trụ là chính, phục vụ bà con là chính chứ không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng chúng tôi vẫn hiện diện như một sự khẳng định luôn đồng hành với nông dân ở bất cứ hoàn cảnh nào, địa bàn nào”, ông Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ.

Không chỉ giúp nông dân làm giàu, Agribank Bắc Giang còn tích cực phát triển các dịch vụ khác, đặc biệt là mở rộng cho vay tiêu dùng; phát hành thẻ với hạn mức thấu chi giúp giải quyết nhanh các nhu cầu của khách hàng, hạn chế việc tìm đến các dịch vụ cho vay “nóng”, tín dụng “đen”, đặc biệt là ở các khu, cụm công nghiệp.

Có thể khẳng định, nhờ sự gắn bó một lòng với tôn chỉ vì sự nghiệp Tam nông của Agribank mà Bắc Giang đang trở thành điểm sáng trong cả nước với những mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao với nhiều loại nông sản nức tiếng như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, na dai Lục Nam... Đến nay, Bắc Giang đã và đang thành công trong việc phát triển mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước, chinh phục cả những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU…

“Tôi muốn làm nhiều lắm, muốn mở rộng trang trại hơn nữa, muốn vay ngân hàng 5-7 tỷ đồng, muốn xây dựng một thương hiệu bò thịt của riêng mình. Chưa lúc nào thấy công việc thuận lợi như lúc này. Vốn thì có ngân hàng, thị trường thì như con bò thịt tôi đang nuôi, chẳng bao giờ đủ cung cấp cho thị trường...”. Những chia sẻ nhiệt huyết của lão nông Nguyễn Văn Toàn giữa trang trại bò bát ngát xanh và du dương tiếng nhạc khiến những nghi ngại về con đường làm ăn bấp bênh của người nông dân lùi xa. Chọn đúng hướng đi, có kinh nghiệm, có kỹ thuật và hơn hết là có sự đồng hành của ngân hàng, thì sao có thể nói nông nghiệp là bấp bênh!

>> Đổi đời nhờ đồng vốn tín dụng nông nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục