Hướng mới cho nghề nuôi ong lấy mật từ hoa ngũ gia bì

09:45' - 10/11/2018
BNEWS Hợp tác xã nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy mở ra một hướng đi mới với nhiều kỹ thuật chăm sóc hiệu quả giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó hơn với nghề nuôi ong lấy mật.

Tại xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, bà con nhân dân trên địa bàn có truyền thống nuôi ong từ lâu đời do điều kiện địa lý và khí hậu thuận lợi. Tuy nhiên, người dân nơi đây nuôi ong chủ yếu theo tập quán và kinh nghiệm truyền thống nên năng suất và sản lượng mật đạt thấp.
Từ tháng 8/2017, Hợp tác xã nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy được thành lập đã mở ra một hướng đi mới với nhiều kỹ thuật chăm sóc hiệu quả, góp phần giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương nơi đây gắn bó hơn với nghề nuôi ong lấy mật.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Phương, Giám đốc Hợp tác xã nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy chia sẻ: “Trước kia, ở xã Vân Thủy cũng có nhiều gia đình tự nuôi ong nhưng manh mún và sản phẩm làm ra cũng chỉ để phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ. Giờ đây có Hợp tác xã nuôi ong lấy mật, người dân đăng ký tham gia đã tận dụng tốt hơn lợi thế đất rừng, cùng nhau đưa nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi để cải thiện đời sống cho người dân địa phương”.
Để tạo ra một sản phẩm có thương hiệu đặc trưng vùng miền, Hợp tác xã nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy đã đẩy mạnh phát triển nuôi ong tự nhiên bằng hoa của cây ngũ gia bì (người dân địa phương còn gọi là cây Mạy tảng); đồng thời kết hợp nuôi với các loại hoa tự nhiên khác để cho sản phẩm mật theo mùa.
Anh Hoàng Văn Toàn - thành viên Hợp tác xã nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy chia sẻ: Theo dân gian thì cây ngũ gia bì có một số tác dụng như một loại thuốc giúp làm giảm các cơn ho, phòng ngừa bệnh ung thư, giúp giảm huyết áp… Ở Vân Thủy, ngũ gia bì mọc tự nhiên rất nhiều. Cây thường ra hoa vào thời điểm từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, khi đó thời tiết lạnh và khô hanh nên chỉ có loại cây này mới ra hoa. Dựa vào tính chất tự nhiên đó, Hợp tác xã đã tiến hành nuôi ong lấy mật, cho ra sản phẩm mật ong hoa ngũ gia bì với vị ngọt thanh pha chút đắng nhẹ đặc trưng; sản phẩm đã được nhiều người biết đến và đặt mua làm quà.
Để hoạt động hiệu quả, các thành viên trong hợp tác xã đã tích cực học hỏi, trau dồi kinh nghiệm nuôi ong ở các địa phương khác có khí hậu tương đồng; chủ động học cách chăm sóc ong mật, làm thùng nhốt, bố trí khoảng cách đặt thùng cho hợp lý… trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng.

Những cách làm hay và phù hợp đều được các thành viên chia sẻ thẳng thắn với nhau với các hộ nông dân nuôi ong tiêu biểu như gia đình anh Hoàng Văn Cao, Hoàng Văn Phương, Bế Văn Hiểm, Nông văn Hiệp…
Hiện tại, Hợp tác xã nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy đang có 23 hội viên, chủ yếu ở các thôn Nà Phước và Nà Pất với tổng số 500 tổ ong. Trong năm 2017, có nhiều hộ thành viên thu được khoảng 100 lít mật, đạt 20 - 40 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập đó, các thành viên trong Hợp tác xã đều rất vui mừng và phấn khởi hơn khi sản phẩm mật ong hoa ngũ gia bì làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Nhiệm vụ hiện nay của Hợp tác xã là mở rộng thêm thành viên và các thành viên tích cực phát triển đàn ong của mình về số lượng và chất lượng. “Thời gian tới, mong muốn các cấp Hội nông dân tiếp tục quan tâm, phối hợp với các đơn vị khác để tạo điều kiện cho các thành viên trong Hợp tác xã vay vốn ưu đãi, đặc biệt là từ Quỹ hỗ trợ nông dân, vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, qua đó để họ tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình”, ông Hoàng Văn Cao, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Văn Phương bày tỏ.
Vân Thủy là xã vùng II của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, toàn xã có trên 550 hộ, gần 2.400 nhân khẩu với 2 dân tộc Tày và Nùng cùng sinh sống. Xã có diện tích đồi rừng tương đối lớn và thực tế cho thấy, nhiều người dân cũng đã dựa vào rừng để phát triển kinh tế.
Ông Hoàng Văn Phách, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng với sự quan tâm của tỉnh, huyện, chính quyền xã đã cùng với Hội nông dân địa phương phối hợp với các ngành chuyên môn về nông nghiệp, mở các lớp học nghề như: nuôi ong, trồng cây ăn quả, chăn nuôi… được người dân quan tâm và hưởng ứng tham gia.
Đặc biệt, việc thành lập Hợp tác xã nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy, tuy mới nhưng đã từng bước khẳng định được thương hiệu “Mật ong hoa ngũ gia bì” của xã và sản phẩm đã được giới thiệu tại các cuộc triển lãm nông sản của huyện, tỉnh; qua đó các hộ tham gia Hợp tác xã cũng có nguồn thu nhập ổn định, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

>>> 90% sản lượng mật ong được xuất khẩu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục