Hợp tác công – tư đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp 4.0

20:23' - 22/08/2018
BNEWS Dự án hợp tác đối tác công tư về lồng ghép các yêu cầu của công nghiệp 4.0 vào giáo dục nghề nghiệp sẽ góp phần nâng cao trình độ và hỗ trợ người lao động tạo lợi thế cạnh tranh.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác công - tư về việc “lồng ghép các yêu cầu của công nghiệp 4.0 vào giáo dục nghề nghiệp” ngày 22/8 tại Đồng Nai. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN
Ngày 22/8, tại Đồng Nai, Công ty Bosch Việt Nam, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ) và Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác công - tư về việc lồng ghép các yêu cầu của công nghiệp 4.0 vào giáo dục nghề nghiệp.
Ông Guru Mallikarjuna, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam cho biết, nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật cao tại Việt Nam ngày càng cao, do đó dự án hợp tác về lồng ghép các yêu cầu của công nghiệp 4.0 vào giáo dục nghề nghiệp sẽ là một bước tiến quan trọng góp phần nâng cao trình độ và hỗ trợ người lao động tạo lợi thế cạnh tranh.
Tiến sĩ Jürgen Hartwig – Giám đốc GIZ, cho biết GIZ sẽ hỗ trợ các đối tác về việc điều chỉnh đề xuất đào tạo nghề theo yêu cầu công nghiệp 4.0. Trong đó Bosch là đối tác giúp phát triển chương trình đào tạo theo hướng cập nhật nhất nhằm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hóa.
Theo đó, bốn đơn vị hợp tác sẽ triển khai thông qua chương trình hội nghị chuyên sâu về kết quả của công nghiệp 4.0 trong việc đào tạo và phát triển nghề; phân tích nhu cầu, chuẩn bị điều chỉnh cho các chương trình đào tạo tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2; phát triển, thử nghiệm các mô hình công nghiệp 4.0, trong đó bao gồm việc đào tạo, nhân rộng hạt giống đào tạo là đội ngũ giảng viên cũng như doanh nghiệp, các tổ chức liên quan.
Theo bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác của các bên, mục tiêu của chương trình là hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao nhằm nghiên cứu, thực nghiệm những điều chỉnh trong các chương trình đào tạo kỹ thuật, theo sát nhu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0 và cuộc cách mạng số.
Chương trình hợp tác kéo dài trong 3 năm với tổng đầu tư hơn 400.000 Euro. Dự án sẽ được triển khai tại Trường Lilama 2, sau đó sẽ nhân rộng tại các cơ sở đào tạo nghề dưới sự hỗ trợ của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp.
Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết: “Dự án thử nghiệm rất quan trọng vì mô hình này có thể nhân rộng sang các các trung tâm đào đạo nghề khác trên cả nước. Ngoài ra, chúng tôi có thể sử dụng các đề xuất cho việc tích hợp những chủ đề liên quan đến Công nghiệp 4.0 vào khung pháp lý ở cấp hệ thống”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục