Hợp lực kiểm soát thị trường, 5 tỉnh thu nộp ngân sách gần 96 tỷ đồng

13:34' - 02/11/2019
BNEWS Trong Quý II và Quý III, 5 tỉnh giáp ranh là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Long An đã xử lý 5.236 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 96 tỷ đồng.

Thực hiện Quy chế phối hợp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa 5 Cục Quản lý thị trường giáp ranh là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Long An được ký kết ngày 12/6 vừa qua, các tỉnh đã phối hợp cung cấp thông tin, trao đổi nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính ở khu vực giáp ranh.

Quang cảnh Hội nghị

Cụ thể, theo định kỳ, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đều gửi báo cáo cho nhau, qua đó thông tin về tình hình thị trường, phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm; công tác tổ chức xây dựng lực lượng.… để tham khảo.

Ngoài ra, các Phòng chuyên môn của Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cũng phối hợp trao đổi thông tin về nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính qua điện thoại.

Cùng với đó, các tỉnh phối hợp trực tiếp thẩm tra xác minh, thu thập chứng cứ và tài liệu, hồ sơ vụ việc phục vụ công tác xử lý vi phạm.

Các Cục Quản lý thị trường thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tích cực chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường hỗ trợ xác minh, thu thập chứng cứ khi có đề nghị phối hợp.

Đặc biệt, lãnh đạo Các Cục Quản lý thị trường thường xuyên chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường có địa bàn giáp ranh với các tỉnh, thành phố thường xuyên phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Bên cạnh việc hỗ trợ tích cực công tác xác minh làm rõ, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố còn thực hiện tốt việc hỗ trợ đôn đốc thực hiện các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các Đội hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thống kê cho thấy, trong Quý II và Quý III vừa qua, lực lượng quản lý thị trường 5 tỉnh giáp ranh đã tổng kiểm tra trên 9.000 vụ, xử lý vi phạm 5.236 vụ và thu nộp ngân sách nhà nước gần 96 tỷ đồng.

Các vụ vi phạm bị xử lý chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng cấm, hàng nhập lậu; buôn bán hàng giả; không niêm yết giá; vi phạm về đăng ký kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh; vi phạm về an toàn thực phẩm; vi phạm các quy định về nhãn hàng hoá, công bố tiêu chuẩn, quản lý hoá đơn, website bán hàng, biển hiệu…

Trong đó, riêng Cục Quản lý thị trường TP.HCM xử lý 2.700 vụ vi phạm chủ yếu liên quan đến buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 82 tỷ đồng.

Báo cáo tổng kết cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức phối hợp kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính ở khu vực địa bàn giáp ranh giữa các Cục còn nhiều hạn chế, chưa thật sự chủ động và có sự đột phá.

Nội dung phối hợp chưa thể hiện sự phong phú, đa dạng và nhất là chưa phối hợp theo chiều sâu trên một số lĩnh vực như phối hợp kiểm tra sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng qua cung cấp thông tin về đường dây sản xuất hàng giả ở địa bàn này và tiêu thụ ở địa bàn khác.

Hội nghị giao ban quy chế phối hợp giữa 5 tỉnh giáp ranh

Bên cạnh đó, tình hình vận chuyển hàng lậu ở các địa bàn giáp ranh diễn biến phức tạp, biên chế nhân sự của một số Đội Quản lý thị trường giáp ranh ít, thiếu phương tiện thực hiện chống lậu, trong khi phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu ngày càng tinh vi và sử dụng phương tiện hiện đại, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát; kinh phí phục vụ mua tin, tổ chức kiểm tra, bắt giữ thuốc lá nhập lậu hiện vẫn còn khó khăn nên dẫn đến kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Việc chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của cấp trên chưa kịp thời. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý, văn bản hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, gây phức tạp trong trong công tác phối hợp kiểm tra, xử lý.

Nhận thức được những bất cập còn tồn tại trong công tác phối hợp giữa 5 Cục Quản lý thị trường giáp ranh, trong thời gian tới, các Cục tiếp tục bám sát các nội dung của Quy chế phối hợp. Đặc biệt, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường triển khai thu thập thông tin, nắm tình hình kịp thời phối hợp tốt đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại không để xảy ra điểm nóng địa bàn giáp ranh.

Các Đội Quản lý thị trường có địa bàn giáp ranh tăng cường hơn trong việc phối kết hợp, đặc biệt là phối hợp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn giáp ranh.

Thực hiện việc phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác nghiệp vụ xử lý và tạo mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các Cục Quản lý thị trường và Đội Quản lý thị trường có địa bàn giáp ranh để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, người dân không buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Cùng đó, phối hợp các cơ quan ban ngành của chính quyền địa phương, Công an huyện, Công an các xã, thị trấn trong quản lý địa bàn.

Tại cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã trao Giấy khen cho tập thể và cá nhân thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Dương đạt thành tích xuất sắc trong đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh mặt hàng đường cuối năm 2019

Tổng Cục trưởng trao Giấy khen cho tập thể và cá nhân thuộc Cục QLTT Bình Dương đạt thành tích xuất sắc trong đợt cao điểm kiểm tra về kinh doanh mặt hàng đường 

Nhân dịp tổng kết công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa 5 Cục Quản lý thị trường giáp ranh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã tặng thưởng Giấy khen cho Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương và cá nhân bà Lê Thị Nữ, Kiểm soát viên thị trường, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Dương vì đã có thành tích xuất sắc trong đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh mặt hàng đường cuối năm 2019.

Đây là sự khích lệ kịp thời của Tổng cục Quản lý thị trường nói chung và cá nhân Tổng Cục trưởng nói riêng đối với các gương điển hình trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ thương hiệu và người tiêu dùng Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục