Hồn thơ trong doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp

11:06' - 11/02/2019
BNEWS Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng Giám đốc Tổng công ty 36 – CTCP đã đi từ thành công lớn trong lãnh đạo doanh nghiệp đến ghi dấu đậm nét qua những trang thơ mà ông chính là tác giả.
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng Giám đốc Tổng công ty 36 - CTCP

Mọi người biết đến ông là một doanh nhân tài ba, mẫu mực, một Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới mà sự nghiệp gắn liền với vai trò lãnh đạo một doanh nghiệp lớn của quân đội, với những bước thăng trầm và để rồi phát triển lớn mạnh, vững chắc của Tổng công ty 36 Anh hùng hôm nay. Nhưng sẽ ngạc nhiên hơn khi biết đến ông không chỉ là một doanh nhân thành đạt, mà còn là một người của văn thơ, một người yêu thơ và biết làm thơ.

Tôi chưa có điều kiện thống kê hết, nhưng chắc chắn doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp đã làm vài chục bài thơ, có cả những bài đậm chất trường ca. Tự sự có, triết lý có, cảm xúc cuộc sống có và cả những bài thơ mang tính “tổng kết” một chặng đường nhiều gian khó mà cũng đầy ắp vinh quang của chính mình. Nhưng dù ở góc độ nào, chủ đề nào thì thơ của Nguyễn Đăng Giáp vẫn có được hai yếu tố căn bản nhất, đó là cảm xúc thơ và ý nghĩa bài thơ.

Ý nghĩa của mỗi bài thơ ông làm thì đã rõ, đọc lên là có thể chiêm nghiệm và cảm nhận được. Còn cảm xúc thơ? Đây là điều không phải ai cũng đạt được (nhất là với những người làm thơ không chuyên).

Riêng với Nguyễn Đăng Giáp, tuy là một doanh nhân, nhưng ông đã luôn có được sự rung động đáng quý ấy của tâm hồn – hồn thơ trong một doanh nhân lớn. Thực ra, câu chuyện Doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp làm thơ không thuộc loại “chuyện bây giờ mới kể”, mà điều đó có từ khá lâu rồi.

Không phải là nhà thơ, ông làm thơ đơn giản là để ghi lại những chuyện đời, những công việc, những suy nghĩ bằng cảm xúc thực của mình, phục vụ cho chính nỗ lực vươn lên, cho việc trui rèn ý chí và đúc rút kinh nghiệm sống và làm việc. Thơ đồng thời như người bạn tâm tình để ông bày tỏ cảm xúc của mình về quê hương, đất nước, con người, về gia đình, đồng đội… để ông gửi gắm tình cảm với bạn bè, với những vùng đất, những làng quê mà ông đã đến, đã một thời gắn bó, cơ duyên...

Thơ giúp ông thanh thản hơn, gần gũi mọi người nhiều hơn. Đó là một trong những nét đẹp trân quý ở doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp - một con người của sự tài ba và của sâu nặng tình người.

Trên một vài trang báo, thật khó có thể nói đầy đủ và sâu sắc về “góc thơ” trong con người doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp. Nhưng qua một lát cắt chéo về cảm xúc thơ ấy, có thể cảm nhận được cái tinh túy và cái hồn thơ ở ông. Người ta vẫn thường nói “Văn là người”.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng Giám đốc Tổng công ty 36 - CTCP nhận giải thưởng The Bizz tại Hong Kong (Trung Quốc)

Đó là một phần của người - phần hồn, phần tinh túy của tâm hồn, dù với nhà thơ chuyên nghiệp hay người làm thơ không chuyên … Phải chăng vì thế mà Thơ được ví như là “mật” của đời sống, là sự cô đọng của cảm nghĩ, là “bùa mê”, là “trái cấm”, là kiến thức, là “tiên tri ”…

Và, trong khi Thơ có thể không có chút giá trị nào trong con mắt của người bình thường, thì Thơ lại được quý hơn cả vàng bạc trong sự hiểu biết của một người nào đó, để rồi biến thành Tri âm…

Từ triết lý có thực ấy của Thơ, có khi chỉ đọc và chiêm nghiệm một bài thơ trong số rất nhiều bài thơ của một tác giả, cũng có thể giúp ta hiểu được “con người Thơ” ấy. “Nắng ấm giữa mùa đông Hà Nội” có thể coi là một bài thơ như vậy của doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp.

Trong cái quy luật của đất trời, của tự nhiên, mùa đông đồng nghĩa với sự khắc nghiệt về thời tiết và thường hàm chứa cảm giác “buồn bã”, với bầu trời u ám, với mưa phùn và gió bấc lạnh thấu xương. Còn trong lòng người, cảm giác lạnh lẽo thường tượng trưng cho sự cô đơn, cho nỗi buồn canh cánh…

Chính trong điều kiện “mùa đông” lạnh lẽo ấy, nếu có chút nắng ấm, hay khi ta tạo ra được nắng ấm thì sẽ cảm thấy cái “ấm” ấy vô cùng đáng quý và sẽ không còn cảm thấy buồn và cô đơn nữa, sẽ vẫn lạc quan, vui vẻ như thường. Ý nghĩa sâu xa ấy đã được thể hiện trong bài thơ “Nắng ấm giữa mùa đông Hà Nội”. Một cảm giác buồn khi mùa đông đến (cả mùa đông trong lòng người cũng vậy).

Đó cũng là lẽ thường, không sai quy luật chút nào. Khổ đầu của bài thơ mang đến chút cảm giác có thực đó, khi mà “Hoa cúc sắp tàn cho bàng trút lá”, cho “sông Hồng trở gió” và… “Những con tàu xuôi ngược về đâu ? ”. Có chút…bâng khuâng khi thu hết, đông về.

Nhưng, với Nguyễn Đăng Giáp, nỗi bâng khuâng ấy thực sự không kéo dài, cũng không phải cứ ngồi đó mà chịu trận và để cho nỗi buồn gặm nhấm. Nếu không có được nắng ấm thì ông tìm cách tạo ra nắng ấm ngay giữa mùa đông. Đương nhiên, để có thể làm được như vậy, con người cần có bản lĩnh, có trí tuệ và có niềm lạc quan.

Cái gốc ở đây, như tác giả lý giải, chính là Tình yêu – yêu vùng đất mình đã gắn bó bấy lâu (Hà Nội), yêu con người, yêu sự nghiệp mình đã hết lòng dâng hiến… “Hà Nội với tôi là mối tình đầu”, và “cho những công trình nhuốm bụi thời gian”.

Đó là tình yêu, và trí tuệ, bản lĩnh là ở đó. Có như vậy mới yên lòng “dâng hết những tháng ngày còn lại”, để vẫn cảm nhận được nắng ấm giữa mùa đông; mới có được cái cảm giác “đông về” mà “con tim ta vẫn cháy” làm nên ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn.

Nắng ấm có được giữa mùa đông ở Nguyễn Đăng Giáp còn vì ông đã có những năm tháng vất vả, gian truân… nhuộm màu sương gió, để lẽ đời thêm đậm nỗi truân chuyên; những năm tháng dài tận lực cống hiến, tận tâm dâng đời những trái ngọt của sự nghiệp một doanh nhân. Dẫu là “Thời trai qua đi như trút lá vàng”, như con tằm rút ruột nhả tơ, nhưng ông không tiếc nuối, mà có thể tự hào về hành trình dài như thế.

Để giờ đây ông có được “Ân nghĩa thủy chung đong đầy năm tháng” và cho ông “hiểu thêm thế thái nhân tình”. Những cái được ấy thật sự vô giá trong đời người. Nhờ thế mà ngay giữa mùa đông lạnh giá này, ông vẫn có được “… niềm vui bất tận/ như mặt trời thắp lửa giữa ngày đông”. Luật nhân quả là vậy.

Với Nguyễn Đăng Giáp, mọi người vẫn nhìn nhận về tính cách “bạch thoại”, thẳng thắn mà chân tình của ông. Trong công việc và cả trong “đoạn trường tôi sống”, hầu như ông không cất giấu điều gì cho riêng mình. Thành công trong sự nghiệp có một phần quan trọng của sự thẳng thắn và chân tình ấy.

Thơ của ông cũng vậy, cảm xúc gắn liền với cái thực của cuộc sống ông trải qua; chỉ có điều cái thực ấy đã được gieo vào hồn thơ, để ông có được những bài thơ sâu lắng và xúc động không chỉ cho riêng mình. Đã là cảm xúc thật thì nó tự nhiên như đất trời, hoa lá, như tiếng cười cất lên khi niềm vui chợt đến.

Cảm xúc ấy đã làm ấm con tim để tim ông ngân lên “bản giao hưởng sông Hồng” rạo rực. Đó là cái kết quý giá của tinh thần lạc quan, của phong cách người lính cách mạng, của con người Nguyễn Đăng Giáp bấy lâu nay.

Không chờ “hết mưa lại nắng hửng lên thôi”, mà ngay trong “mưa” ông vẫn biết tạo ra cho mình sự “ấm nóng” của tình người, của niềm lạc quan vốn đã thành bản lĩnh.

Vì thế mà với ông, đến cái lạnh của tự nhiên cũng không thể đọng lại lâu được, để nhường chỗ nắng ấm giữa mùa đông: “ Sương giá Tây hồ sẽ qua rất vội/Mở lối ta về nắng ấm mùa Xuân”. Mùa Xuân là mùa vui, mùa của sự tươi mới, trẻ trung./.

Xem thêm:

>>Chủ tịch Quốc hội gặp đại diện doanh nhân trẻ Việt Nam

>>Doanh nhân Việt Nam có tên trong Top 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục