Hơn 90% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn

14:03' - 02/10/2019
BNEWS Sáng 2/10, tại Thanh Hóa, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2020).
Đưa điện lưới về thôn 10, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng. Ảnh: K GỬIH - TTXVN
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ Công Thương được phân công triển khai 2 tiêu chí. Theo đó, với tiêu chí số 4 về điện nông thôn, sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4293/QĐ-BCT về phương pháp đánh giá thực hiện tiêu chí số 4 trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, hầu hết UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết một số nội dung thực hiện trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020.
Tính đến hết tháng 8 năm 2019, cả nước có 8.072/8.902 xã đạt Tiêu chí số 4 chiếm 90,7% tổng số xã của cả nước, tăng 45,94% so với năm 2010 và tăng 8,32% so với thời điểm năm 2015; trong đó, các tỉnh, thành đạt tỷ lệ 100% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí điện nông thôn như Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình...
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có Quyết định số 4800/QĐ-BCT hướng dẫn thực hiện và xét công nhận tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Quyết định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đánh giá xã đạt tiêu chí này cụ thể và rõ ràng hơn. Hệ thống chợ được đầu tư đúng quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa.
Đến nay, cả nước có 7.867/8.902 xã đạt tiêu chí số 7, chiếm 88,4% tổng số xã của cả nước, vượt 18,4% so với mục tiêu của Chính phủ giao và vượt 38,4% so với mục tiêu của Bộ Công Thương đề ra; trong đó, các tỉnh, thành đạt 100% tổng số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn như: Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Cần Thơ...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện 2 tiêu chí trên cũng còn những tồn tại vướng mắc như tiêu chí số 4: Lưới điện nông thôn chưa đồng đều, tổn thất điện năng ở một số nơi còn cao, điện áp cuối nguồn ở một số trạm biến áp vào giờ cao điểm chưa bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Tình trạng vi phạm hành lang lưới điện cao áp vẫn diễn biến phức tạp, nhiều điểm vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện hạ áp theo quy định.
Đối với tiêu chí số 7, nhu cầu vốn để xây dựng chợ rất lớn, trong khi khả năng ngân sách địa phương có hạn, hầu hết các chợ nông thôn thường họp theo phiên, theo buổi, số hộ kinh doanh cố định tại chợ ít nên khó thu hút đầu tư xây dựng chợ, công tác xã hội hóa đầu tư gặp nhiều khó khăn. Việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại các chợ còn hạn chế do nhân lực ít, cán bộ tuyến xã, phường kiêm nhiệm nhiều chương trình nên chưa thực sự gắn kết để phối hợp thực hiện.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số hoạt động khác của Bộ Công Thương như chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, khoa học và công nghệ… được triển khai cũng đã có những tác động hỗ trợ tích cực trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao những kết quả mà các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã thực hiện nhằm triển khai các tiêu chí số 4 và số 7 trong giai đoạn qua.
Để hoàn thành mục tiêu của Bộ Công Thương trong giai đoạn sau năm 2020 góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu chung của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Ngành công thương chung sức xây dựng nông thôn mới”; đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng nông thôn mới.
Cục Công Thương địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát trong thực hiện các tiêu chí số 4 và số 7 để nắm bắt thông tin, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của địa phương trong quá trình thực hiện để kịp thời hướng dẫn, hoặc nghiên cứu điều chỉnh bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương.
Các đơn vị như Cục Công Thương địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu… tổ chức thực hiện tốt các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa… nhằm hỗ trợ thiết thực, hiệu quả giúp doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa thông suất, ổn định phục vụ sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân khu vực nông thôn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục