Hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ then chốt, cấp bách và dài hạn của ngành xây dựng

14:56' - 27/12/2019
BNEWS Điểm sáng của ngành xây dựng là hoàn thiện thể chế. Đây là nhiệm vụ then chốt, cấp bách và dài hạn nhằm phục vụ sát nhu cầu của thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà: Hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ then chốt, cấp bách và dài hạn của ngành. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và triển khai kế hoạch 2020. Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 9,2% của năm 2019, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu cho năm 2020 đạt giá trị sản xuất xây dựng toàn ngành tăng từ 9 - 10% so với năm trước; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24 m2 sàn/người...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, ngành xây dựng đã vượt 7/8 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó, có nhiệm vụ quan trọng là duy trì tốc độ tăng trưởng, hoàn thành chỉ tiêu được Chính phủ giao; cơ bản hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia về nhà ở; sản xuất vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước; môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng được cải thiện... Ngành xây dựng chủ động tập trung vào những nhiệm vụ dài hạn, tháo gỡ kịp thời và giải quyết các khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

Điểm sáng của ngành xây dựng thời gian qua chính là hoàn thiện thể chế. Đây luôn được xem là nhiệm vụ then chốt, cấp bách và dài hạn. Điều này thể hiện qua khối lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo đúng thẩm quyền rất lớn, phục vụ sát nhu cầu của thực tiễn.

Việc Luật Kiến trúc được thông qua đã thể hiện nỗ lực lớn của Bộ Xây dựng trong quá trình tham gia bởi đây là luật chuyên ngành nhưng lại có mối quan hệ với rất nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, được cả người dân, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước quan tâm – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà dẫn chứng.

Cùng đó, dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014 đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phân tích, những thay đổi sẽ theo hướng "trả lại" cơ quan nhà nước những gì thuộc thẩm quyền quản lý, "trả lại" doanh nghiệp những phần việc của doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước chỉ thực hiện thẩm quyền theo đúng chức năng, không "lấn sân" sang việc thẩm định kỹ thuật liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư hay đơn vị tư vấn.

Bên cạnh đó, tích hợp khâu cấp phép và thiết kế cũng sẽ giúp giảm thiểu thủ tục, thời gian, quy trình thực hiện. Thời gian giảm trung bình khoảng từ 20- 30 ngày. Đây là tín hiệu tốt để tiến tới nghiên cứu cơ quan quản lý nhà nước chỉ cấp phép hoặc chỉ làm thẩm định nhằm minh bạch hoạt động xây dựng. Như vậy, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện thông qua việc phân cấp, phân quyền. Đây là vấn đề lớn trong hoạt động xây dựng – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định.

Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và triển khai kế hoạch 2020. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Liên quan đến vấn đề đô thị, Cục trưởng Cục phát triển đô thị Nguyễn Tường Văn chia sẻ, hiện tốc độ đô thị hoá nhanh nhưng chất lượng còn thấp, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập úng... vẫn là những bất cập còn tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết. Trong khi đó, các công cụ hữu hiệu quản lý phát triển đô thị lại mỏng và yếu. Điều này thể hiện quyết tâm của chính quyền nhưng vẫn có nơi, có lúc còn chạy theo phong trào, nặng về thành tích mà chưa thực sự thực chất, đảm bảo chất lượng.

Sau khi có Chiến lược phát triển đô thị, Cục Phát triển đô thị được giao phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện; triển khai lập quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn trong thời gian 18 tháng. Đây là phần việc khó bởi Luật quy hoạch mới ban hành và triển khai lần đầu nên sẽ có nhiều lúng túng.

Dự kiến, năm 2020, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội rà soát chất lượng đô thị của các đô thị sát nhập để có lộ trình đánh giá, đầu tư cho phù hợp - ông Nguyễn Tường Văn cho hay.

Về lĩnh vực bất động sản, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh cho biết, hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản liên quan đến nhiều hệ thống văn bản như: đất đai, đấu thầu... Vì thế, dự án phải trải qua nhiều quy trình nên nếu "tắc" 1 bước thì sẽ bị chậm ngay.

Khó khăn nhất hiện nay là vướng mắc về trình tự chấp thuận thủ tục đầu tư dự án. Điều này các doanh nghiệp và hiệp hội đã phản ảnh nhiều trong suốt thời gian qua. Hiện Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành đang xem xét sửa đổi, điều chỉnh hệ thống Luật, văn bản quy phạm pháp luật để tránh chồng chéo, trùng lặp, gỡ khó nhằm triển khai nhanh các dự án theo tiến độ.

Thời gian qua, một số vấn đề của ngành được người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý và dư luận đặc biệt quan tâm như: quy hoạch phát triển đô thị; phát triển nhà ở mà điển hình là nhà cho người thu nhập thấp, cải tạo chung cư cũ; thị trường bất động sản với tính pháp lý của loại hình mới như condotel...

Tại hội nghị, ngành xây dựng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập và tiếp thu ý kiến đóng góp từ các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội nghề nghiệp... để hoàn thành tốt hơn mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục