Hỗ trợ nông dân tiết kiệm điện trong chong đèn hoa cúc tại Lâm Đồng

10:26' - 28/12/2018
BNEWS Biện pháp chiếu sáng bổ sung (chong đèn) cho cây hoa cúc giúp nâng cao rõ rệt năng suất và chất lượng sản phẩm cành hoa.
Diện tích trồng hoa ở Đà Lạt và các vùng phụ cận dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong những năm qua, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; trong đó, có chương trình tuyên truyền cho các hộ nông dân sản xuất hoa cúc cắt cành sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo thống kê của ngành chức năng Lâm Đồng, diện tích trồng hoa ở TP. Đà Lạt và các vùng phụ cận năm 2018 là khoảng trên 2.200 ha và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Diện tích tập trung chủ yếu tại Đà Lạt với khoảng 2.150 ha và tổng số hộ dân đang trồng hoa cúc khoảng 1.500 hộ. Phần còn lại tập trung tại huyện Lạc Dương. Tổng sản lượng điện ước sử dụng để trồng hoa cúc tại hai địa phương kể trên đạt khoảng 60 triệu kWh/năm. Số tiền tương đương 8,5 tỷ đồng/tháng, 102 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây Rau & Hoa Đà Lạt (thuộc Viện KHNN miền Nam) cho biết, biện pháp chiếu sáng bổ sung (chong đèn) cho cây hoa cúc giúp nâng cao rõ rệt năng suất và chất lượng sản phẩm cành hoa. Biện pháp này đã được nông dân Đà Lạt áp dụng từ khoảng bảy, tám năm trước ở khu vực Thái Phiên (phường 12, TP. Đà Lạt) và Trại Mát (phường 11, TP.Đà Lạt).

Cho đến nay hầu hết các vườn trồng hoa cúc ở Lâm Đồng đều áp dụng biện pháp này và chủ yếu sử dụng bóng Compact 20W-25W. Mật độ treo bóng từ 1000-1200 bóng/ha, thời gian chiếu sáng bổ sung hàng đêm cho sản xuất giống từ 8-10h/đêm và cho sản xuất hoa thương phẩm từ 7-8h/đêm.

Tuy nhiên, đèn Compact chưa đem lại hiệu quả tối ưu, đặc biệt ở khía cạnh tiết kiệm điện. Vì vậy, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây Rau & Hoa Đà Lạt đã tiến hành thử nghiệm sử dụng đèn Led cho canh tác hoa cúc. Kết quả cho thấy, mô hình sử dụng đèn LED tiêu thụ điện chỉ bằng khoảng 1/3 so với sử dụng đèn Compact. Cụ thể, với số lượng bóng đèn như hiện nay, nếu bà con nông dân Lâm Đồng thay thế toàn bộ bóng đèn Compact bằng bóng đèn LED thì sản lượng điện tiết kiệm hằng năm lên tới con số khoảng 40 triệu kWh/năm (2/3 sản lượng 60 triệu kWh/năm).   

Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc EVN SPC cho rằng, do giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng của Việt Nam đang được dần theo cơ chế thị trường, điều đó sẽ đẩy chi phí sử dụng năng lượng nói chung và chi phí sử dụng điện trong canh tác hoa cúc tăng cao. Trong bối cảnh như vậy, cùng với sự ra đời của đèn LED mang nhiều ưu điểm so với các loại đèn thế hệ cũ (như đèn Compact), đặc biệt ở khía cạnh tiết kiệm điện, do vậy việc nông dân Lâm Đồng chuyển đổi sang sử dụng đèn LED thay thế đèn Compact để chiếu sáng bổ sung cho hoa cúc là rất cần thiết và mang lại hiệu quả kinh tế tế cao.

Ông Đức phân tích, khi sử dụng đèn LED trong canh tác hoa cúc chỉ tiêu thụ lượng điện bằng khoảng 1/3 so với sử dụng đèn Compact (bóng đèn LED = 6W, bóng đèn Compact = 20W). Ước tính theo sản lượng điện tiêu thụ hiện nay trên địa bàn, nông dân Lâm Đồng thay thế toàn bộ bóng đèn Compact bằng bóng đèn LED, sản lượng điện tiết kiệm hằng năm khoảng 40 triệu kWh/năm (2/3 sản lượng 60 triệu kWh/năm). Chưa hết, ngoài việc tiết kiệm, việc sử dụng đèn LED còn mang lại hiệu quả kinh tế lớn do tuổi thọ của bóng đèn LED cao, khoảng 50.000 giờ trong khi bóng đèn Compact khoảng 5.000-6.000 giờ.

Do việc sử dụng đèn LED giảm lượng điện sử dụng; qua đó gián tiếp giúp giảm ô nhiễm môi trường  do hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất điện gây ra.

Theo Trung tâm năng lượng Canada (RETScreen: là phần mềm do Trung tâm Năng lượng Canada nghiên cứu), mỗi MWh điện năng tiết kiệm ở Việt nam sẽ giảm thiểu phát thải tổng lượng khí CO2 là 0.362 tấn/MWh, trong khi đó bình quân 1 ha rừng hấp thụ khoảng 500kg CO2/năm.

Như vậy, việc tiết kiệm khoảng 40 triệu kwh/năm tại Lâm Đồng do việc thay đổi công nghệ bóng đèn trong canh tác hoa cúc sẽ tương đương đã thực hiện việc trồng hàng ngàn ha rừng.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận, những người trồng hoa cúc chong đèn LED tại TP. Đà Lạt cho biết, khi sử dụng đèn LED cho năng suất và chất lượng cành hoa cúc còn cao hơn sử dụng đèn Compact, tuy nhiên, hiện tại ở Lâm Đồng vẫn còn rất nhiều nhà vườn canh tác hoa cúc cắt cành vẫn còn sử dụng đèn Compact.

“Có lẽ do tập quán cũ đã ăn sâu, ngại sự thay đổi, đèn Compact chỉ được thay thế khi bị hư hỏng. Hơn nữa, giá thành của đèn LED cao hơn nhiều so với đèn Compact nên đầu tư ban đầu cao cũng là một cản trở lớn. Tuy nhiên tập quản canh tác này cần phải được thay đổi để mang lại hiệu qủa kinh tế cao cho người nông dân".

Chính vì vậy, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây Rau & Hoa Đà Lạt đề xuất giải pháp hỗ nông dân tiết kiệm điện trong chong đèn hoa cúc, cụ thể như sau là thực hiện chương trình “Hỗ trợ nông dân sử dụng đèn LED chong hoa cúc tại Lâm Đồng theo mô hình ESCO”.

Chương trình này sẽ giải quyết được các vấn đề nêu trên, thúc đẩy nhanh việc sử dụng đèn LED thay thế đèn Compact trên diện rộng, mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết, trong thời gian tới sẽ triển khai một số nội dung sau liên quan việc giúp nông dân sử dụng đèn LED thay cho đèn Compact trong sản xuất hoa cúc tại Lâm Đồng.

Ngay trong buổi hội thảo, Công ty Điện lực Lâm Đồng ký kết 10 hợp đồng với các đơn vị tham gia thực hiện chương trình ESCO. Phối hợp với các đơn vị ESCO tổ chức hội thảo đầu bờ, hỗ trợ nông dân sử dụng điện an toàn trong thắp sáng sản xuất cây hoa cúc, tổ chức nông dân tham quan các mô hình đã thực hiện ESCO, thực hiện công tác truyền thông chương trình; Phối hợp với Hội nông dân tỉnh Lâm Đồng và hội nông dân tại các địa phương có nông dân trồng hoa cúc xây dựng chương trình phối hợp trong công tác tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong sử dụng điện sản xuất hoa cúc.

Sau khi chương trình triển khai được 6 tháng (tháng 6/2019), Công ty Điện lực Lâm Đồng sẽ tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện chương trình và báo cáo Tổng công ty Điện lực miền Nam, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương biết và đề xuất triển khai các chương trình tiếp theo phù hợp với tình hình thực tế./.

>>> Nhiều diện tích thanh long ở Bình Thuận bị ốc sên gây hại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục