Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng mạng lưới tiêu thụ

14:35' - 12/07/2019
BNEWS Ngày 12/7, tại Tp. Vũng Tàu, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VI năm 2019.
Thu hoạch thanh long tại Bình Thuận. Ảnh: TTXVN

Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đánh giá, trong 6 tháng qua, cả 3 lĩnh vực thương mại nội địa, xuất khẩu, công nghiệp đều có bước tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Điển hình ở lĩnh vực công nghiệp có Trà Vinh, Long An, Tây Ninh; thương mại nội địa nổi bật là Tp. Hồ Chí Minh, Bình Thuận.

Ông Trung đề nghị các địa phương chia sẻ những kinh nghiệm hay, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thời gian tới, nhất là sau khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước Nguyễn Anh Hoàng chia sẻ, thời gian qua, các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh phát triển rất nhanh và hiện có tới 40 dự án (tổng công suất là 3.500 MW); trong đó, có 6 dự án đã được phê duyệt. Nhưng tỉnh Bình Phước đang lo ngại vấn đề phụ tải vì nếu dự án phát tới 1.000 MW là lưới điện truyền tải sẽ quá tải. Vì vậy, Bộ Công Thương cần sớm xem xét để các dự án này sau khi hoàn thành có thể hòa ngay được vào lưới điện, cung cấp tới hộ sử dụng.

Ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho rằng, việc hỗ trợ của địa phương và Trung ương rất quan trọng. Mặt hàng thanh long được lấy làm dẫn chứng với việc tỉnh đã hỗ trợ ngành công thương mỗi năm 1 tỷ đồng phục vụ cho việc tìm kiếm, mở rộng thị trường và đã đem lại kết quả tích cực.

Bình Thuận mong muốn, Bộ Công Thương hỗ trợ, dự báo kịp thời về thị trường, thông tin sớm về rào cản thương mại của các nước để doanh nghiệp chủ động và có phương án dự phòng trong sản xuất, tránh bị thiệt hại như xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc thời gian qua.

Hội nghị đánh giá, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt hiệp định thương mại quan trọng đã ký kết. Thuận lợi thì nhiều nhưng thách thức cũng xuất hiện…

Vì vậy, ở lĩnh vực thương mại, ngành công thương các tỉnh, thành phía Nam tập trung triển khai tốt chương trình xúc tiến thương mại trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng mạng lưới tiêu thụ nhằm ổn định thị trường trong nước.

Song song với đó, ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng thông tin, dự báo thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Trong lĩnh vực công nghiệp, các tỉnh, thành khu vực phía Nam đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất toàn bộ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, các công trình dự án điện; khuyến khích các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, ưu tiên công nghệ sạch...

Khu vực phía Nam có tiềm năng lớn nhất cả nước về phát triển năng lượng tái tạo. Vì vậy, các tỉnh, thành cần chủ động hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu, thực hiện các dự án về năng lượng tái tạo; nghiên cứu, tăng cường đầu tư hệ thống truyền tải điện để phục vụ cho dự án điện gió, điện mặt trời.

Năm 2019, ngành công thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp luôn cao hơn mức bình quân chung cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực đạt hơn 2.840 nghìn tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm 2018 (dự kiến cả nước tăng 11,5-12%); tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn khu vực khoảng 120 tỷ USD, tăng 9,35% so với năm 2018 (Quốc hội phê duyệt cả nước dự kiến tăng 7-8%)./.

>>> Bến Tre: Hình thành mối liên kết tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục