Hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

14:58' - 23/10/2018
BNEWS Đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam hiện chiếm tỉ lệ thấp; nghịch lý là đơn đăng ký sáng chế của cá nhân chiếm tỉ lệ cao nhất; còn viện, trường thì lại chiếm tỉ lệ rất thấp.

Đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam hiện chiếm tỉ lệ thấp; nghịch lý là đơn đăng ký sáng chế của cá nhân chiếm tỉ lệ cao nhất; còn viện, trường - nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ của Việt Nam thì lại chiếm tỉ lệ rất thấp. Điều này cho thấy hoạt động sáng chế chưa được quan tâm, chưa khai thác đúng giá trị.

Đây là nhận định của Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ tại hội thảo tập huấn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho hoạt động lao động sáng tạo. Hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức ngày 23/10, tại Bình Định.

Kỹ sư già Lê Duy Hoan (70 tuổi) ở xã Nghĩa Liên (Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã sáng tạo “Máy nâng hạ có bộ phận tự hãm bằng trọng lượng” để đưa hàng hoá lên xuống ở các nhà cao tầng, dùng trong xây dựng thang máy, trong các xưởng sửa chữa xe ô tô. Sáng chế này được Cục sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền vào tháng 9/2015. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Hội thảo tập trung vào các nội dung: Sở hữu trí tuệ với hoạt động lao động sáng tạo; bảo vệ lao động sáng tạo bằng quyền sở hữu trí tuệ; Thực trạng bảo hộ lao động sáng tạo ở Việt Nam; cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp, khai thác thông tin sáng chế.

Các đại biểu cũng thảo luận về thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế, khung pháp lý liên quan đến sáng chế, các điều kiện để được bảo hộ sáng chế, quy trình xử lý đơn đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ; các lưu ý đối với chủ đơn trước, trong và sau khi nộp đơn yêu cầu bảo hộ.
Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm, những năm gần đây, ý thức đăng ký bảo hộ quyền của các tổ chức, cá nhân trong nước đã tăng lên một cách đáng kể.

Cụ thể, trong năm 2017 tổng đơn nộp đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích là 5.816. Tuy nhiên, chủ đơn là người Việt Nam chỉ chiếm 14,9% với 865 đơn; tổng lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là 2.741 đơn (chủ đơn Việt Nam là 1.583 đơn, chiếm 58%); tổng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia là 43.970 đơn (chủ đơn Việt Nam là 35.520 đơn, chiếm 99,76%)".
Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định cho biết, hoạt động sở hữu trí tuệ của Bình Định có những bước phát triển đáng kể. Trong 2 năm 2017 và 2018 có 208 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; trong đó có 3 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và 11 đơn kiểu dáng công nghiệp. Các sáng chế của tỉnh Bình Định đã đạt nhiều giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Tuy nhiên, một số trường đại học, cao đẳng, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa quan tâm nhiều đến khai thác, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nguyên nhân do quá trình tiếp nhận đơn, xử lý đơn, quá trình xây dựng hồ sơ khó khăn, đồng thời do nhận thức chưa đúng mức của các chủ thể xác lập, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thành quả lao động sáng tạo do mình tạo ra.

Do đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp về thủ tục pháp lý, hồ sơ để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ./.

Xem thêm:

>>Đăng ký sở hữu trí tuệ: Việc cần làm ngay của doanh nghiệp Việt

>>Còn nhiều mối lo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục