Hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm tại Bình Thuận

16:39' - 20/12/2017
BNEWS Khoảng 2 tháng gần đây, bệnh chết nhanh, chết chậm diễn ra thường xuyên ở nhiều diện tích cây hồ tiêu tại huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận khiến người nông dân điêu đứng.

Vườn tiêu rộng hơn 6 ha của anh Nguyễn Văn Vũ ở khu vực cầu Vỹ, xã Đức Hạnh, tỉnh Bình Thuận, đang ở giai đoạn 5 năm đến 6 năm tuổi. Cây đang xanh tốt và cho thu hoạch ổn định.

Tuy nhiên, từ đầu mùa mưa năm nay (khoảng tháng 8 âm lịch), vườn tiêu bỗng xuất hiện những dấu hiệu vàng lá, lá xanh chết rũ trên cành, thối rễ rồi chết dần.

Chỉ trong vòng gần 2 tháng, vườn tiêu của anh Vũ trở nên xơ xác, 1/3 diện tích tiêu bị chết trụi.

Anh Nguyễn Văn Vũ cho biết, với diện tích trên, mỗi năm gia đình thu hoạch từ 15 tấn đến 20 tấn tiêu hạt, nhưng năm nay, dịch bệnh phát sinh, sản lượng thiệt hại khoảng 7 tấn, gia đình bị thất thu gần 100 triệu đồng.

Theo anh Vũ, khi phát hiện vườn tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm, anh đã thực hiện các biện pháp vệ sinh vườn, đào mương thoát nước chống ngập úng, rải phân và phun thuốc nhưng cây không có khả năng phục hồi và chết dần.

Mặc dù, gia đình đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức để cứu chữa vườn tiêu nhưng đành bất lực nhìn cây chết từng ngày.

Gia đình anh Võ Hoàng Tuấn ở xã Đức Hạnh cũng đang ra sức tưới phân, phun thuốc cứu cây tiêu vì không đành để cây chết dần chết mòn. Theo anh Tuấn, nhà anh có khoảng 2.000 trụ tiêu nhưng nay bệnh chết gần một nửa.

Thêm vào đó, hiện tại giá tiêu lại giảm mạnh, khoảng 75.000 đến 80.000 đồng/kg khiến gia đình anh thiệt hại rất lớn.

Ông Đỗ Quang, Cán bộ nông nghiệp xã Đức Hạnh cho biết, do năm nay lượng mưa nhiều và mưa liên tục, nắng ít, độ ẩm trong đất cao nên thuận lợi cho các loại tuyến trùng và các loại nấm gây bệnh sống trong đất gây nên.

Tuyến trùng xâm nhập làm cho bộ rễ bị thối hoàn toàn, cây tiêu chết nhanh. Nhiều trường hợp, cây sinh trưởng chậm, lá hơi nhỏ lại, vàng giống như thiếu phân, lâu ngày toàn bộ thâm đen thối mục khiến tiêu chết dần dần.

Không chỉ trên địa bàn xã Đức Hạnh mà người trồng tiêu ở các xã Đông Hà, Trà Tân, Đức Tín… cũng đang lao đao do tiêu chết hàng loạt. Mặc dù người dân đã tìm nhiều loại thuốc phòng ngừa, nhưng tình trạng tiêu chết hàng loạt vẫn không được kiểm soát.

Nông dân cho biết, cây tiêu phát triển bình thường, đang trong giai đoạn làm chuỗi thì nhiễm bệnh.

Đối với bệnh chết nhanh, ban đầu các mép lá hơi co lại rồi chuyển màu vàng trước khi rụng. Cây tiêu héo rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng héo lá bắt đầu đến khi cây chết chỉ sau 1 - 2 tuần.

Còn bệnh chết chậm thì thường gây vàng lá, cây còi cọc, lá và đốt dây rụng dần, sau 2 tháng đến 3 tháng thì cây chết.

Huyện Đức Linh hiện có 2.000 ha cây hồ tiêu, tập trung chủ yếu tại các xã: Tân Hà, Đông Hà, Trà Tân, Đức Hạnh…

Thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, toàn huyện có gần 300ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh nhiều nhất là tại xã Đức Hạnh.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc phòng và trị bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân phải làm mương thoát nước trong vườn tiêu và tỉa bớt những cành làm trụ đỡ không cần thiết để vườn cây thông thoáng.

Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc trừ bệnh hiệu quả, người dân phải nhanh chóng thu gom cây tiêu đã chết về một nơi quy định, vệ sinh tàn dư thực vật, dùng vôi bột khử trùng vùng bệnh hạn chế lây lan…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục