Hồ sơ bệnh án điện tử: Thông tin khám, chữa bệnh được mã hóa

16:38' - 06/06/2019
BNEWS Đó là khẳng định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế về tính bảo mật, độ an toàn thông tin của Hồ sơ bệnh án điện tử mà Bộ Y tế đang triển khai.
Quản lý hồ sơ bệnh án điện tử góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Đó là khẳng định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế về tính bảo mật, độ an toàn thông tin của Hồ sơ bệnh án điện tử mà Bộ Y tế đang triển khai.

Hiện tại, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố tham gia vào Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018 – 2020 gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Dự kiến, đến cuối năm 2019, hồ sơ bệnh án điện tử sẽ được triển khai trong toàn quốc.

Theo quy định, mỗi người bệnh chỉ có một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hồ sơ này phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử.

“Hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định tại Mục 2, Chương II Luật An toàn thông tin mạng. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép sử dụng, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy khi đáp ứng các quy định hiện hành. Thông tin khám, chữa bệnh của người bệnh phải được mã hóa theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế”, ông Trần Quý Tường khẳng định.

Trước đó, Thông tư số 46/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành đã nêu rõ các các quy định cơ bản để bảo vệ tính riêng tư thông tin trong hồ sơ bệnh án điện tử.

Theo đó, hồ sơ bệnh án điện tử phải được lưu trữ dự phòng tại một cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu (data center) đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng lưu trữ dự phòng hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Việc sử dụng và khai thác hồ sơ bệnh án điện tử được thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cho phép khai thác hồ sơ bệnh án điện tử trong các trường hợp như: Sinh viên thực tập, nghiên cứu viên, người hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được xem hồ sơ bệnh án điện tử tại chỗ hoặc sao chép điện tử để phục vụ cho việc nghiên cứu hoặc công tác chuyên môn kỹ thuật.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra chuyên ngành Y tế, cơ quan bảo hiểm, tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, luật sư được xem hồ sơ bệnh án điện tử tại chỗ hoặc sao chép điện tử hoặc sao chép giấy có xác nhận của Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phục vụ nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền;

Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án điện tử hoặc bản tóm tắt hồ sơ bệnh án giấy khi có yêu cầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án điện tử có các trường thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Các đối tượng nêu trên khi sử dụng thông tin trong hồ sơ bệnh án điện tử phải giữ bí mật, chỉ được sử dụng đúng mục đích như đã yêu cầu và được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho phép./.

>>> Triển khai Bệnh án điện tử tại các bệnh viện vấp phải khó khăn gì?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục