Hiệu quả từ chính sách phát triển kinh tế quốc gia của Indonesia

06:30' - 01/03/2019
BNEWS Diễn đàn Đông Á đăng bài viết của hai nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu SMERU phân tích về chính sách xã hội và tăng trưởng kinh tế tại Indonesia dưới thời Tổng thống Joko Widodo (Jokowi).
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tác giả bài viết, Asep Suryahadi và Ridho Al Izzati, từ năm 2014, khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Indonesia, ông Jokowi đã phải đối mặt với hai vấn đề lớn: sự trì trệ trong nỗ lực giảm nghèo và bất bình đẳng ở ngưỡng cao. 

Để giải quyết những vấn đề này, ông Jokowi chủ yếu tập trung phát triển hai sáng kiến chính sách xã hội là mở rộng phạm vi của chương trình trợ cấp xã hội và theo đuổi Quỹ làng xã (Dana Desa), vốn được thiết kế với mục đích để chính người dân trong làng được quyền tự phân bổ nguồn tài chính hỗ trợ.

Bất chấp những nỗ lực cải cách kinh tế của Tổng thống Jokowi, lợi ích tăng trưởng kinh tế dường như đang “chảy” vào túi của tầng lớp trung lưu nhiều hơn là những người dân nghèo của Indonesia.

Chương trình trợ cấp xã hội dưới thời ông Jokowi chủ yếu là sự tiếp nối từ các chính phủ tiền nhiệm. Theo chương trình này, người dân sẽ được hưởng thêm trợ cấp xã hội trên một số lĩnh vực, bao gồm Thẻ thông minh dành cho giáo dục Indonesia (KIP) – năm 2016, khoảng 19,7 triệu học sinh đã được hưởng KIP – với 450.000 rupiah (Rp) tương đương khoảng 32 USD)/năm cho bậc tiểu học, 750.000 Rp (54 USD)/năm cho bậc trung học cơ sở và 1 triệu Rp (72 USD)/năm cho bậc trung học; Thẻ chăm sóc y tế Indonesia (KIS) - hơn 90 triệu người đã được nhận thẻ KIS trong năm 2017 -  với khoản trợ cấp bổ sung 23.000 Rp (2 USD)/tháng.

Chính phủ Indonesia cũng duy trì Chương trình trợ cấp gạo cho người nghèo (Rastra). Theo đó, mỗi hộ gia đình được quyền mua từ 10 – 20 kg gạo/tháng với mức trợ giá lớn là 1.600 Rp (0,1 USD) (so sánh với giá thị trường vào khoảng 12.000 Rp (0,9 USD). Tính đến năm 2017, chương trình này đã hỗ trợ cho 15,8 triệu hộ gia đình.

Cuối năm 2014, để giảm tác động của việc tăng giá nhiên liệu, Chính phủ của Tổng thống Jokowi công bố Chương trình Chuyển đổi tiền mặt vô điều kiện (BLSM). Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ được đổi 1 triệu Rp (72 USD) trong vòng 8 tháng. 

Chính phủ Indonesia cũng duy trì Chương trình Chuyển đổi tiền mặt có điều kiện (PKH), cho phép chuyển đổi 1,9 triệu Rp (xấp xỉ 136 USD) cho mỗi hộ gia đình/năm. Sau 4 năm thực hiện, phạm vi của chương trình đã được mở rộng từ 2,8 triệu hộ gia đình vào năm 2014 lên mức 10 triệu hộ trong năm 2018.

Xét toàn diện, ông Jokowi đã rất nỗ lực mở rộng các chương trình hỗ trợ công cộng, nhưng so với các quốc gia khác có mức độ phát triển tương đương, phần vốn ngân sách của Indonesia dành cho trợ cấp xã hội vẫn thấp hơn nhiều. Chi tiêu cho trợ cấp xã hội tại quốc gia này chỉ chiếm khoảng 0,7% GDP, ít hơn so với mức trung bình của các nước thu nhập trung bình thấp (1,5% GDP).

Sáng kiến Quỹ làng xã bắt đầu có hiệu lực từ tài khóa 2015. Theo sáng kiến này, việc sử dụng các khoản vốn tài trợ sẽ được xác định bởi chính những người dân làng trong một diễn đàn, sau đó được đề xuất chính thức để xây dựng kế hoạch chi tiêu.

Hầu hết các làng đều thống nhất phân bổ 70% quỹ của làng mình cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt dành cho việc nâng cấp đường giao thông. Chỉ một phần tiền nhỏ được phân bổ cho các chương trình trao quyền cho cộng đồng như đào tạo kỹ năng sinh kế và tạo các điều kiện thuận lợi.

Trong khuôn khổ Chương trình Quỹ làng xã, Chính phủ Indonesia đã cấp khoản tài trợ trị giá 280 triệu Rp (20.000 USD) cho mỗi khu làng nông thôn trong năm 2015 và tăng lên 800 triệu Rp (57.000 USD) trong năm 2018. Nhờ đó ngân sách chung của Quỹ làng xã đã tăng từ 20.000 tỷ Rp (1,4 tỷ USD) trong năm 2015 lên đến 60.000 tỷ Rp (4,3 tỷ USD) vào năm 2018.

Các nhà kinh tế học mong chờ sáng kiến chính sách xã hội của ông Jokowi sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế vì người nghèo cũng như tìm hướng giải quyết các vấn đề gây trì trệ tiến trình giảm nghèo và giảm bất bình đẳng. 

Tuy nhiên, khi xem xét tác động của tăng trưởng kinh tế đến tăng trưởng tiêu dùng thuộc các phân khúc dân số khác nhau của Indonesia, có thể nhận thấy tầng lớp trung lưu là khu vực được hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách trên.

Trong ba năm đầu nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Jokowi (2014 – 2019) và cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono (2004 – 2014), tiêu dùng bình quân đầu người trên tất cả các phân khúc dân cư của Indonesia liên tục tăng trưởng. Nhưng xu hướng tốc độ tăng trưởng của các phân khúc là hoàn toàn khác nhau giữa hai nhiệm kỳ Tổng thống.

Dưới thời ông Yudhoyono, tăng trưởng tiêu dùng tại phân khúc người giàu luôn cao hơn so với các phân khúc dân số khác, dẫn tới gia tăng bất bình đẳng. Ngược lại, trong ba năm đầu tiên của chính quyền Jokowi, tầng lớp trung lưu có mức tăng trưởng cao nhất so với cả hai phân khúc giàu và nghèo. Điều này giải thích cho lý do vì sao bất bình đẳng tại Indonesia có chiều hướng giảm trong vài năm gần đây.

Mặc dù bất bình đẳng đã giảm, nhưng nghèo đói vẫn chưa được cải thiện trong các chỉ số so sánh tăng trưởng kinh tế dưới thời Tổng thống Jokowi. Dưới thời ông Yudhoyono, tiêu dùng của 20% dân số nghèo nhất Indonesia có tốc độ tăng trưởng tương đương tăng trưởng kinh tế. 

Nhưng trong 3 năm đầu tiên của nhiệm kỳ của Tổng thống Jokowi, tốc độ tiêu dùng của khối này tăng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế - điều này cho thấy người nghèo hiện ít được kết nối với tăng trưởng kinh tế hơn.

Ngược lại, đối với tầng lớp trung lưu (thuộc nhóm thứ hai và thứ ba trong thước đo phân phối của cải), tăng trưởng tiêu dùng của phân khúc này chỉ bằng 1/2 tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Yudhoyono. Từ năm 2004, 20% nhóm người giàu nhất Indonesia luôn có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với tăng trưởng kinh tế.

Thách thức đối với chính quyền Tổng thống Jokowi là làm thế nào để tăng trưởng kinh tế Indonesia trở nên toàn diện hơn, đặc biệt là đối với phần đông dân số nghèo nhất. Bất chấp các sáng kiến chính sách cộng đồng mà chính phủ đang áp dụng, tầng lớp trung lưu hiện đang gặt hái nhiều lợi ích nhất của tăng trưởng kinh tế. 

Nhóm tác giả đề xuất, để kết nối được nghèo đói với tăng trưởng kinh tế, chính sách trợ cấp xã hội của Chính phủ Indonesia cần phải bổ sung các chiến lược tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nghèo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục