Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EAEU có hiệu lực: Bước vào "cuộc chơi"

10:57' - 05/10/2016
BNEWS Sau hơn một năm trở thành đối tác ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á- Âu, hôm nay 5/10, Hiệp định này chính thức có hiệu lực.

Sau hơn một năm trở thành đối tác ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á- Âu (EAEU), gồm các nước: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, hôm nay 5/10, Hiệp định này chính thức có hiệu lực và mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, hơn 90% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang những nước này được miễn hoặc giảm thuế đồng thời tiếp cận thị trường có hơn 183 triệu dân. Trước cánh cửa này, các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng tâm thế để bước vào sân chơi lớn toàn cầu.

Mở ra cơ hội

Theo tính toán của Ủy ban kinh tế Á-Âu, việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa EAEU với Việt Nam có thể làm tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ USD hiện tại lên từ 8-10 tỷ USD trong tương lai.

Hiệp định chính thức có hiệu lực và mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trong năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, các nhà xuất khẩu trong khu vực sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế.
Đặc biệt hơn, cơ hội mà các doanh nghiệp được hưởng lợi từ Hiệp định này là rất lớn, bởi ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, các ngành thủy sản, dệt may, da giày-túi xách… sẽ được cắt giảm thuế tới gần 90%; trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn.

Cùng với đó, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ EAEU, bao gồm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, đây là Hiệp định thương mại tự do mang tính lịch sử, không chỉ vì Việt Nam là đối tác đầu tiên ký kết hiệp định này với EAEU mà còn đem đến cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Không những vậy, Hiệp định này khá toàn diện, bao quát rất nhiều lĩnh vực, từ chất lượng hoá thương mại, phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ…; trong đó, hạng mục “Mua sắm Chính phủ” cũng mở để sau này có thể bổ sung phát triển thêm.

Cùng với đó, các mặt hàng như dệt may, nông thủy sản, da giày… của Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi xuất khẩu vào 5 nước thuộc liên minh nhờ được miễn, giảm thuế quan.

Tuy nhiên, để tranh thủ được những lợi ích đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ hiệp định đối với từng dòng thuế, từng sản phẩm của doanh nghiệp mình xuất khẩu để tận dụng được tối đa ưu đãi.
Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đứng thứ 11 trong số các nước xuất khẩu sang khu vực này và đứng thứ 24 trong số các nước nhập khẩu từ Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Khi hiệp định này có hiệu lực, việc xoá bỏ thuế quan được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhiều loại hàng hoá.

Đối với EAEU, đó là nông sản, sản phẩm thịt (thịt gia cầm, giò), sản phẩm sữa (pho mát, bơ), lúa mì, bột mì, phân bón, thép ống, thép cán, lốp xe, ô tô (xe tải, xe khách).

Ngược lại, đối với Việt Nam, các mặt hàng của Việt Nam được kỳ vọng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao vào thị trường Liên minh kinh tế Á – Âu là nông sản, cá, gạo, trái cây, rau quả, sản phẩm dệt may, da giày, đồ gia dụng….

Theo ông Ivan Gumnikov, đại diện Thương vụ Liên bang Nga tại Việt Nam, sau khi hiệp định này có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam vào Liên minh kinh tế Á – Âu sẽ tăng 50%. Ngoài ra, FTA này cũng xem xét vấn đề đầu tiên là giảm rào cản thuế quan cho hàng dệt may của Việt Nam, nên nhóm hàng này sẽ đến được người tiêu dùng cuối cùng tại thị trường Nga nhờ lợi thế lớn về ưu đãi thuế quan so với các nước không tham gia FTA này khi xuất khẩu sang Nga.

Ông Ivan Gumnikov cho biết thêm, sản phẩm thế mạnh của Nga là xe ô tô (xe tải, xe khách) cũng sẽ có triển vọng lớn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hiện thị trường xe ô tô Việt Nam tương đối bão hoà.

Do đó, trước mắt xe ô tô từ Nga xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu theo hạn ngạch (thuế suất 0%) mà Việt Nam cấp. Hiện các hãng xe của Nga là KAMAZ và UAZ đang đàm phán tích cực để thành lập các liên doanh và đang tiến triển khả quan.

Ngoài ra, Nga và Việt Nam cũng đang xúc tiến việc thanh toán bằng đồng nội tệ (đồng rúp của Nga và tiền đồng Việt Nam) và việc này vẫn đang được thảo luận ở cấp độ chuyên gia. Việc thanh toán bằng nội tệ được kỳ vọng giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư tốt hơn giữa hai nước.

Theo thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay có khoảng 938 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang Liên minh Kinh tế Á- Âu; trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng: thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại…; số doanh nghiệp còn lại tham gia xuất khẩu nhưng kim ngạch không đáng kể.

Rõ ràng, việc "bắt tay" với EAEU sẽ mở ra cơ hội "vàng" với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.

Song, kèm theo đó là không ít thách thức với các doanh nghiệp, bởi sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng nhập khẩu từ chính EAEU để đứng vững trên "sân nhà".

Đón đầu thách thức

Để đón đầu những thành quả do Hiệp định mang lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực chuẩn bị cho cơ hội xuất khẩu tiềm năng này, từ việc đàm phán các hợp đồng tới tăng cường tiếp cận thị trường.

Các mặt hàng như dệt may, nông thủy sản, da giày… của Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi xuất khẩu vào 5 nước thuộc liên minh. Ảnh: TTXVN

Đại diện cho giới doanh nghiệp, ông Đinh Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ladoza cho biết, ngoài thị trường Ấn Độ mà Công ty đang nhập các nguyên liệu da và các máy móc thiết bị với thuế suất hiện tại là 0%, Ladoza đang tìm kiếm các đối tác và tiến hành xuất khẩu sang thị trường EAEU với các sản phẩm ba lô, túi xách.

Cùng với đó, công ty cũng đang thiết kế khoảng 20 sản phẩm mới để đưa sang các thị trường khu vực liên minh trong năm 2017.

Ông Vũ Huy Thủ, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đại Dương Xanh, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy sản chia sẻ, trong số những mặt hàng tiềm năng và chủ lực của Việt Nam thì thủy sản là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này.

Trước đó, mức thuế của mặt hàng thủy sản vào khoảng 35%, nay giảm về 0%.

Lợi thế này tạo thuận lợi cho ngành thủy sản Việt Nam vươn lên phát triển mạnh và có đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác.

Đây là một cơ hội lớn và hy vọng tạo bước đột phá mạnh mẽ cho các doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là ngành thủy sản chế biến.

Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, với lợi thế là quốc gia đầu tiên tham gia ký kết FTA với các nước trong EAEU, doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều mảng thị trường để khai thác.

Cơ hội này sẽ đến với cả những ngành hàng có lợi thế xuất khẩu lâu nay cũng như những ngành hàng đang đầu tư phát triển. Vấn đề chính là sự chủ động nắm bắt và biến cơ hội thành thành công của doanh nghiệp.

Để có thể tận dụng hiệu quả cơ hội này, trước hết, các doanh nghiệp phải xác định rõ về lợi thế của mình và định vị được ngành hàng, sau đó tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh để có bước đi vững chắc vào thị trường EAEU.

Song trên thực tế, bên cạnh cơ hội là không ít thách thức với các doanh nghiệp trong nước bởi năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế, quy mô của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhỏ.

Do đó, để biến thách thức thành cơ hội, mỗi doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt đầy đủ về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình và chủ động xây dựng chiến lược phù hợp trong ngắn hạn, dài hạn gắn với các lộ trình giảm thuế. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn khi tham gia giao thương với thị trường EAEU.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), thị trường EAEU được dự báo là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Việc FTA giữa Việt Nam - EAEU có hiệu lực đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với các nước lớn trên thế giới.

Để tận dụng hiệu quả lợi ích mà hiệp định mang lại, không còn cách nào khác là mỗi doanh nghiệp cần nỗ lực vươn lên, định hình cho mình những chiến lược, giải pháp mới trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài và trụ vững trên thị trường trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục