Hiệp định CPTPP: Hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam

14:57' - 19/02/2020
BNEWS Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều xung lực mới cho phát triển thương mại và đầu tư...
Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ngày 19/2 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam ( Aus4refrom).

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều xung lực mới cho phát triển thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích tiềm năng từ Hiệp định CPTPP còn phụ thuộc vào năng lực thế chế, năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong nước. Từ đó, xác định được những thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp và mức độ sẵn sàng, sự chuẩn bị của Việt Nam cho thực thi Hiệp định CPTPP cả ở cấp vĩ mô và vi mô, từ đó đưa ra những kiến nghị chính sách cần thiết.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM) trình bày kết quả nghiên cứu về thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP và yêu cầu hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam. Báo cáo tập trung vào nghiên cứu các vấn đề tổng quan điều kiện kinh tế xã hội nhằm thực hiện CPTPP; mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp với CPTPP và yêu cầu điều chỉnh thể chế và kiến nghị chính sách.

Theo ông Dương, Bộ Công Thương mới đây vừa có báo cáo về 1 năm thực hiện CPTPP. Tại báo cáo cho thấy xuất khẩu của Việt Nam vào các nước trong các khối CPTPP tăng trưởng khá, Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD. Nhưng, về thu hút đầu tư từ các nước trong khối CPTPP vào Việt Nam còn hạn chế.

“Các cam kết về môi trường của Hiệp định CPTPP phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn đặt ra những thách thức trong thực thi chính sách về môi trường và phát triển bền vững. Hiện, tư duy không còn “ đối phó” nữa nhưng đã thực hiện bài bản hơn trong nhận thức, công nghiệp môi trường, kinh tế tuần hoàn… cũng là cả vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá,” ông Dương cho hay.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng, Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh kỳ vọng, Hiệp định CPTPP sẽ đem lại phát triển kinh tế hiệu quả, từ đầu tư, sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, CPTPP cũng thúc đẩy cải cách thể chế.  "Thực thi “CPTPP không phải thực hiện theo cam kết, quan trọng hơn là vượt lên các cam kết vì sự hiệu quả. Nên trong thời gian tới cần có bài học về tư duy đọc và hiểu về CPTPP” ông Thành nói.

Ông Nguyễn Anh Dương cũng cho hay, cơ hội của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP trước hết là việc thay đổi tư duy và nâng cao chất lượng hoạch định chính sách, mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu. Cùng đó, thúc đẩy cải cách thể chế trong nước theo định hướng thị trường; tiếp cận công nghệ, kỹ năng quản lý tiên tiến đều là những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp hội nhập thành công.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Hiệp định CPTPP đề cập tới thương mại, đầu tư và những vấn đề về môi trường, lao động và đặt ra những tiêu chuẩn bắt buộc để cải cách. CPTPP có sức ép để thực hiện, tạo ra những điều kiện thực hiện các cải cách, thể chế.

“Các thể chế yêu cầu của Hiệp định CPTPP rất gần với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Cơ hội về kinh tế trong CPTPP có thể là thấp nhưng nếu cộng hưởng với EVFTA thì sẽ rất là lớn, để Việt Nam thực hiện cải cách để hiện thực hoá cải cách kinh tế. Đồng thời, tận dụng ưu đãi thuế quan để xuất khẩu, thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển và tự chủ được nguồn nguyên vật liệu để xuất khẩu, tận dụng được thuế quan.", bà Trang nhấn mạnh.

Với những ý kiến của các chuyên gia, CIEM ghi nhận và sẽ có những đánh giá, tổng hợp các ý kiến để có được những đánh giá, khuyến cáo đối với doanh nghiệp trong hội nhập. Theo CIEM, yêu cầu cải cách thể chế chính sách thương mại cần có thông tin và tham vấn cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập, thực hiện hiệu quả cam kết quốc tế; cải thiện mức độ tận dụng ưu đãi từ các FTA; hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế; tận dụng cơ hội tham gia xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ đó cũng đặt ra các yêu cầu về cải cách thể chế như tận dụng không gian, chính sách nhằm khuyến khích sự tham gia, sáng tạo của doanh nghiệp; thể chế về phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện thương mại, đầu tư, thể chế về đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô; chính sách ngành, chính sách công nghiệp; thể chế liên quan tới các biện pháp phi thuế quan, sở hữu trí tuệ…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục