Hiện đại hóa việc thu thập dữ liệu đo đếm

16:34' - 11/06/2019
BNEWS Hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm vừa được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu của ngành phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam.

Vượt qua 134 hồ sơ tham gia xét duyệt, hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm (EVNHES) do Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin - EVNICT (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) xây dựng vừa được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu của ngành phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam và được công nhận Danh hiệu Sao Khuê 2019 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) bình chọn.

Hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm được thiết kế và xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Đây là phần mềm tạo ra công cụ quản lý áp dụng thống nhất đọc và giám sát dữ liệu công tơ điện tử trong toàn EVN. Hệ thống này giúp nâng cao tính minh bạch, tăng năng suất lao động cho các đơn vị sử dụng, thống nhất việc xử lý dữ liệu từ các hệ thống đo đếm do các nhà sản xuất khác nhau.

Đây là hệ thống duy nhất tại Việt Nam có thể kết nối được với tất cả các chủng loại thiết bị đo đếm trên lưới của EVN. Điều này giúp dễ dàng theo dõi, xử lý và nâng cao hiệu quả điều hành thông qua việc ứng dụng CNTT.

Từ năm 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho EVNICT nghiên cứu và xây dựng hệ thống hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm dùng chung cho toàn Tập đoàn. Đáp ứng được việc thu thập tất cả các chủng loại công tơ trên lưới của EVN nhằm đưa tất cả các hệ thống đang triển khai của EVN về dùng chung một phần mềm.

Để đảm bảo quá trình triển khai và đưa ứng dụng vào thực tế, EVNICT lựa chọn phương án triển khai theo thí điểm ở toàn bộ các Tổng công ty, sau đó sẽ tổng hợp được toàn bộ các yêu cầu của các Tổng công ty, lựa chọn một Tổng công ty có đầy đủ các thiết bị và mô hình tổng quan nhất thực hiện triển khai toàn bộ, rồi sẽ nhân rộng.

Tổng quan các chức năng của phần mềm EVNHES. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Do vậy, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) được chọn để triển khai thí điểm từ giữa năm 2017. Với việc xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu duy nhất thực hiện chia sẻ dữ liệu với các hệ thống liên quan phục vụ công tác tính hóa đơn, nghiên cứu phụ tải, hệ thống quản lý mất điện OMS, hệ thống quản lý dữ liệu và nghiên cứu dữ liệu đo đếm MDMS cho toàn bộ các chủng loại công tơ và mô hình thu thập trên lưới của EVNHANOI thay thế 6 hệ thống thu thập dữ liệu trước đây.

Sau đó năm 2018 hệ thống EVNHES mới được EVNICT triển khai chính thức ra các Tổng công ty còn lại. Tính đến thời điểm cuối tháng 5/2019, phần mềm đang được áp dụng tại 5 Tổng công ty Điện lực là EVNHANOI, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC); Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và 4 Công ty truyền tải điện (1, 2, 3, 4) với số lượng hơn 1,1 triệu điểm đo.

Hiện EVNICT cũng đang chuẩn bị triển khai hệ thống EVNHES ở các công tơ đầu nguồn của các nhà máy điện như Sơn La, Mông Dương, Vĩnh Tân, Phú Mỹ và Buôn Kuốp.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phụ trách triển khai hệ thống EVNHES cho biết, hệ thống phần mềm đáp ứng Tiêu chuẩn kỹ thuật công tơ điện tử và thiết bị truyền dữ liệu công tơ trong EVN (Quyết định 103/QĐ-EVN). Ngoài việc hiện đại hóa việc thu thập dữ liệu đo đếm, hệ thống còn thu thập dữ liệu cảnh báo và theo dõi chỉ số, công suất và sản lượng điện theo thời gian của các điểm đo.

Cụ thể,  hệ thống thu thập được sản lượng điện tiêu thụ đối với các khách hàng lớn theo chu kỳ 30 phút/lần cung cấp dữ liệu để nghiên cứu phụ tải. Hay hệ thống thu thập dữ liệu chốt tháng lúc 0 h hàng tháng và công suất cực đại trong tháng của khách hàng để có cơ sở tính hóa đơn và hỗ trợ khách hàng điều phối mức tiêu thụ điện.

Việc thu thập dữ liệu công tơ trực tiếp qua Module và gián tiếp qua bộ tập trung dữ liệu sử dụng công nghệ 3G/GPRS, công nghệ sóng không dây (RF), công nghệ PLC  qua đường dây điện. 

Hệ thống Thu thập số liệu đo đếm được phát triển trên nền tảng công nghệ Microsoft .NET Framework, Java, kết hợp với hệ quản trị cơ sở dữ liệu tiên tiến của thế giới Oracle; thiết kế theo mô hình hướng đối tượng và kiến trúc n-tier, đảm bảo được các yêu cầu phát triển ứng dụng trên nhiều nền database và nhiều giao diện tương tác với người sử dụng (Web-Application). Hệ thống chạy trong môi trường trình duyệt Web, dễ cài đặt, triển khai và vận hành trong môi trường LAN, WAN và Internet.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, đây là một hệ thống duy nhất tại Việt Nam có thể kết nối được với tất cả các chủng loại thiết bị trên lưới của EVN.

Trước đây các Tổng công ty phải sử dụng 5 đến 6 hệ thống HES khác nhau (tính toàn EVN là gần 20 hệ thống) với hàng chục chủng loại công tơ để quản lý các thiết bị theo các công nghệ khác nhau.

Sơ đồ Quy trình phát triển phần mềm: Lặp và tăng dần Ảnh: BNEWS/TTXVN

Hệ thống EVNHES đã phải tìm hiểu tất cả các giao thức của tất cả các công tơ hiện hữu trên lưới đồng thời đưa được một giao thức chung phù hợp nhất để ban hành trong Quy định về tiêu chuẩn công tơ của tập đoàn, như vậy, khi sử dụng hệ thống EVNHES chỉ cần áp dụng một hệ thống cho toàn bộ các công nghệ và chủng loại công tơ hiện hữu trên lưới của tất cả các nhà sản xuất cũng như các công tơ sẽ được phát triển trong tương lai.

Hệ thống phần mềm tạo ra công cụ quản lý áp dụng thống nhất trong toàn Tập đoàn nhằm hiện đại hóa công tác quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành thông qua việc ứng dụng CNTT.

Sản phẩm được thiết kế tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện có của các đơn vị tham gia khai thác như mạng, máy tính, máy in, máy chủ..., quản lý dữ liệu tập trung tại 9 Tổng công ty và EVN.

Đảm bảo dữ liệu luôn luôn đầy đủ, an toàn, bảo mật, thuận lợi khi khai thác đáp ứng được yêu cầu quản lý trong vận hành thị trường điện.

 Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng kết nối, trao đổi thông tin với các hệ thống phần mềm khác như hệ thống MDMS của Landis&gyr, Kho dữ liệu đo đếm EVN, CMIS, PMIS để tích hợp các dữ liệu đo đếm sử dụng trong quá trình tính toán hóa đơn, xây dựng thông tin lưới điện, nghiên cứu phụ tải.…

Trong quá trình triển khai, EVNICT còn thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo theo từng Tổng công ty, nhằm tiếp nhận các yêu cầu bổ sung trong quá trình áp dụng phần mềm, các tiện ích theo nhu cầu người dùng. Công tác này đảm bảo phần mềm luôn được nâng cấp, đáp ứng kịp thời các nghiệp vụ phát sinh, đồng thời nâng cao tính thân thiện đối với người dùng.

Ông Minh cho biết, hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm của EVN ngay từ trong quá trình bắt đầu xây dựng đã đáp ứng khả năng thu thập được toàn bộ các chủng loại công tơ trên lưới, thống nhất các mô hình chuẩn về thu thập dữ liệu, giải quyết vấn đề then chốt nhất của đơn vị quản lý là làm sao thu thập được đầy đủ thông tin và có khả năng vận hành hệ thống theo dõi tình trạng thu thập của thiết bị.

 Đồng thời lưu trữ tổng hợp toàn bộ dữ liệu của Tổng công ty trên một hệ thống lưu trữ dữ liệu duy nhất.

Từ việc phải sử dụng rất nhiều phần mềm hệ thống khác nhau về một hệ thống thống nhất trong Tổng công ty, các Đơn vị sẽ có điều kiện ban hành các quy định chuẩn về công tác vận hành hệ thống và thiết bị trong toàn Tổng công ty.

Trong thời gian tới, hệ thống sẽ tiếp tục được nâng cấp về công nghệ, cải tiến về tiện ích và hoàn thiện, bổ sung các chức năng phân tích dữ liệu mới và các chủng loại công tơ mới phát sinh tại các Tổng công ty.

Đánh gía về hiệu quả kinh tế của hệ thống phần mềm đem lại, ông Minh cho rằng khi khai thác sử dụng, các đơn vị chỉ cần đầu tư một hệ thống tập trung để sử dụng cho mọi mô hình đọc dữ liệu, từ đó sẽ giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu thay vì việc phải đầu tư nhiều hệ thống để thu thập được các chủng loại công tơ theo các mô hình khác nhau.

Bên cạnh đó, trước đây khi không có một phần mềm duy nhất, mỗi nhà sản xuất lại cung cấp thiết bị cũng như hệ thống kèm theo để vận hành, thu thập và quản lý thiết bị đặc thù của riêng hãng sản xuất đó. Các thiết bị trên lưới không lắp chung được với nhau dẫn tới tình trạng đã sử dụng thiết bị của hãng nào là phải thay thế đúng thiết bị của hãng đó trên lưới.

Việc sử dụng chung nhất một phần mềm sau đó quy định thống nhất về các chuẩn giao tiếp của các thiết bị với hệ thống EVNHES dẫn tới việc hạn chế tối đa nguồn lực để phải thực hiện lại việc kết nối với thiết bị mới và giao thức mới.

Ông Minh đơn cử như Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang phải chi trả các khoản tiền theo từng điểm đo với các hệ thống đi thuê thì trong tổng số 80.000 công tơ 3 pha thu thập qua Modem 3G thì hiện mới có 50% số công tơ chuyển sang áp dụng hệ thống EVNHES, chi phí vận hành giảm xuống chỉ còn 1/3 so với hệ thống đi thuê. Số công tơ còn lại vẫn sử dụng các hệ thống đi thuê.

Do vậy, trong thời gian tới, Tổng công ty này đang có hướng mở rộng triển khai hệ thống tới 200.000 công tơ điện tử 3 pha Modem 3G sẽ được lắp đặt trên toàn địa bàn 21 tỉnh thành miền Nam.

Ông Minh cũng cho rằng, EVNHES phụ thuộc vào 4 yếu tố, các yếu tố này phải cùng vận hành hiệu quả để hệ thống thành công. Thứ nhất là đơn vị quản lý hệ thống công tơ khách hàng trực tiếp các công ty điện lực; thứ hai là đường truyền dữ liệu, đang sử dụng công nghệ 3G, nhiều đơn vị đã xây dựng được đường truyền nội bộ riêng, nên sẽ hoạt động ổn định hơn; thứ ba, phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất thiết bị và thứ tư là phần mềm thu thập.

Về mặt xã hội, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, trong chủ trương của Chính phủ về việc tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống thu thập dữ liệu công tơ điện tử là một trong những nền tảng về thu thập dữ liệu IoT điển hình để có kiến thức và công nghệ trong việc tiếp tục phát triển các công nghệ thu thập dữ liệu tương tự trong tương lai.

Phần mềm mang lại hiệu quả kinh tế cao khi giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu, tiết kiệm chi phí, thời gian khi sử dụng. Việc tự động hóa thu thập dữ liệu sẽ giải phóng được nguồn lao động thủ công, nâng cao chất lượng dịch vụ cho ngành điện, hỗ trợ ngành điện trong việc chăm sóc khách hàng và có chiến lược dài hạn trong việc sử dụng nguồn nhân lực.

Đây là sản phẩm thứ 8 của EVNICT giành được danh hiệu Sao Khuê trong 16 năm qua. Trước đó, là các sản phẩm Hệ phần mềm quản lý khách hàng dùng điện (CMIS); Phần mềm viễn thông công cộng (T3S); Phần mềm thị trường điện; Phần mềm hệ thống quản lý hóa đơn điện tử và Hệ thống thông tin quản lý kỹ thuật lưới điện; Hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật nhà máy điện (PMIS); Phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS) đã đạt danh hiệu Sao Khuê./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục