HICT tiếp nhận hơn 187.000 TEU hàng hóa trong năm đầu khai thác

19:34' - 28/06/2019
BNEWS Hiện nay mỗi tuần, cảng HICT đón 8 chuyến tàu trong đó có 2 chuyến xuyên Thái Bình Dương tới Canada và Mỹ.
Một tàu vận tải đang thực hiện bốc dỡ hàng tại Cảng container Quốc tế Hải Phòng HICT. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Tính đến hết tháng 6/2019, tức hơn 1 năm kể từ ngày chính thức được đưa vào hoạt động, Cảng container Quốc tế Hải Phòng đón 252 chuyến tàu, tiếp nhận hơn 187.000 TEU (1 TEU tương đương với một container tiêu chuẩn 20 feets) hàng hóa với năng suất xếp dỡ đạt khoảng 48 container/giờ. Năm 2019, cảng đề ra kế hoạch tiếp nhận từ 350.000 đến 400.000 TEU hàng hóa.
Thông tin này được ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Cảng container Quốc tế Hải Phòng (HICT) chia sẻ với phóng viên TTXVN ngày 28/6.
Hiện nay mỗi tuần, cảng HICT đón 8 chuyến tàu trong đó có 2 chuyến xuyên Thái Bình Dương tới Canada và Mỹ.

Các hãng tàu lớn nhất trên thế giới như Sealand, MAERSK, WANHAI, ZIM, EVERGREEN, KMCT... đều là khách hàng của cảng.
"Ngoài mục tiêu nhận hàng xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc, Cảng container Quốc tế Hải Phòng đang hướng tới mục tiêu nhận hàng trung chuyển quốc tế (như hàng đến Hong Kong (Trung Quốc), Singapore...)", ông Bùi Quang Huy chia sẻ.
Cảng HICT nằm ở thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Đây là cảng nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc chính thức được đưa vào khai thác từ ngày 13/5/2018.
Cảng xây dựng trên diện tích 44,9 ha bãi, độ sâu luồng tàu trước bến sâu 16m; vũng quay tàu rộng 660m, sâu 14m, với 2 bến cảng container có tổng chiều dài 750m. Bến tàu, bến sà lan dài 150m tiếp nhận nhận tàu, sà lan chở container đến 160 TEU. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng theo thiết kế là 1,1 triệu TEU/năm.
HICT có khả năng tiếp nhận tàu container sức chở 14.000 TEU, tàu tổng hợp có trọng tải đến 16 vạn DWT (đơn vị đo năng lực vận tải an toàn của tàu tính bằng tấn) đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ trên các tàu mẹ thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây.

Điều này góp phần làm giảm chi phí vận tải biển, qua đó giảm thiểu chi phí logistics cho các doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Không chỉ có vậy, HICT nằm ở vị trí thuận lợi, là đầu mối của các tuyến đường thuỷ nội địa, đường ven biển đi đến khu vực Quảng Ninh và toàn bộ các tỉnh Đồng bằng trung du Bắc Bộ; kết nối với cảng feeder Tân Cảng 128, Tân Cảng 189 và ICD Tân Cảng - Hải Phòng, ICD Tân Cảng Hà Nam của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn; kết nối thông thương với cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ và vùng Tây Nam Trung Quốc bằng đường bộ qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ra cao tốc Hải Phòng - Hà Nội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục