Hấp dẫn làng hoa giấy Thanh Tiên

07:37' - 16/06/2016
BNEWS Làng hoa giấy Thanh Tiên vừa được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải thưởng "Điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam năm 2015".
Nghệ nhân hoa sen giấy Thân Văn Huy hướng dẫn kỹ thuật làm hoa sen giấy cho thế hệ trẻ. Ảnh: Minh Đức-TTXVN

Đây là giải thưởng lần đầu tiên do Hiệp hội Du lịch Việt Nam khởi xướng và tổ chức nhằm tôn vinh các điểm đến nổi bật, được khách du lịch và các công ty du lịch yêu thích nhất trong năm 2015.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Trên cơ sở kết quả bình chọn của các nhà báo, công chúng và hội đồng chuyên môn về du lịch, giải thưởng được trao cho những đơn vị có nhiều đóng góp tích cực vào thành công chung của ngành du lịch trong năm 2015, bao gồm các loại hình được đề cử như các resort hấp dẫn nhất, khu vui chơi giải trí hấp dẫn nhất, làng nghề được yêu thích nhất, bảo tàng được yêu thích nhất, bãi biển được yêu thích nhất.

Trong số 3 đề cử của tỉnh Thừa Thiên - Huế được chọn vào vòng chung kết, làng hoa giấy Thanh Tiên vượt lên các đề cử khác là bãi biển Lăng Cô, làng nghề đúc đồng Phường Đúc để trở thành Làng nghề được yêu thích nhất Việt Nam năm 2015.

Với giải thưởng này, làng hoa giấy Thanh Tiên càng được biết đến nhiều hơn, là cơ hội để tuyên truyền quảng bá du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm hàng lưu niệm.

Từ đó, khơi dậy niềm đam mê làm nghề của những người dân nơi đây, góp phần bảo tồn và lưu giữ, tôn vinh giá trị văn hóa làng nghề truyền thống đối với vùng đất Cố đô Huế.
Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nằm dọc bờ nam hạ lưu sông Hương, gần ngã ba Sình, nổi tiếng với nghề truyền thống làm hoa giấy trong cả nước.

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi nghề hoa giấy Thanh Tiên trong danh mục thống kê của các nghề thủ công từ thế kỷ XVI-XIX, tồn tại đến nay hơn 300 năm.

Đây còn là một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, với sản phẩm hoa giấy của làng Thanh Tiên đủ chủng loại như hoa lan, hoa cúc, hoa hồng, hoa huệ, hoa sen...

Nguyên liệu làm hoa giấy dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu với tre, bột lọc làm hồ dán và giấy thủ công là có thể tạo nên sắc hoa.

Sản phẩm hoa giấy gắn với đời sống thường ngày của người dân, được trang trí ở những nơi thờ tự trong nhà, các miếu, trang bà, am, bàn thờ ông địa, táo quân, thần bếp... Ưu điểm của hoa giấy Thanh Tiên là phong phú về màu sắc, hình thức đẹp, để được lâu, lại thể hiện sự trang nghiêm, một năm chỉ thay một lần vào dịp Tết nên nó dễ được chấp nhận và tồn tại dài lâu.

Cũng chính những đặc điểm đó mà thời gian sản xuất chính thức của nghề thủ công này chỉ diễn ra vào khoảng cuối năm, chủ yếu vào tháng Chạp, phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán, đón năm mới.

Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, dễ bắt gặp những chông hoa giấy rực rỡ sắc màu được bày bán ở chợ làng quê và các chợ nơi phố thị trong vùng. Hoa giấy góp phần khoe sắc, tô điểm thêm cho mùa xuân xứ Huế, vì trên bàn thờ ngày Tết nhà nhà đều có một cây hoa giấy với nhiều màu sắc.

Nghệ nhân Thân Văn Huy trong không gian hoa giấy. Ảnh: Minh Đức-TTXVN

Lúc đông nhất, làng hoa giấy Thanh Tiên có tới 30 hộ làm hoa, với trí tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo léo, tài hoa, người dân ở đây đã mô phỏng các loài hoa tự nhiên như: Hoa bìm bìm (hoa loa kèn), hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa mắm nêm, hoa tường vi, hoa quỳ và sau đó là hoa sen.

Đặc biệt, năm 2008 họa sĩ Thân Văn Huy đã phục chế nghề hoa sen giấy Thanh Tiên từ nguyên liệu hoa giấy Thanh Tiên. Sản phẩm hoa sen giấy Thanh Tiên đã được quảng bá không chỉ trong nước, mà còn được giới thiệu ra các nước châu Âu, châu Mỹ… tạo nên thương hiệu sản phẩm hoa sen giấy Thanh Tiên trong và ngoài nước. Khi hoa sen ra đời, nghệ thuật làm hoa giấy từ chỗ chỉ buôn bán cung cấp cho thị trường tại chỗ, đã vươn ra khỏi lũy tre làng.

Không riêng gì người dân xứ Huế, du khách đến đây đều ngưỡng mộ trước sự tài hoa, khéo léo và nghệ thuật làm hoa sen giấy của làng hoa Thanh Tiên. Một bó hoa sen gồm hoa, lá, nụ đứng ở tầm xa khoảng vài mét cứ ngỡ là bó hoa sen thật.

Hiện hoa sen giấy Thanh Tiên đã trở thành biểu tượng đặc trưng trong các lễ hội lớn như Festival Huế, lễ hội áo dài Minh Hạnh, các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật và được trưng bày ở Đại Nội - Huế, ở Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nổ, nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu (Thanh Tiên, Phú Mậu, Phú Vang).

Nghệ nhân Phạm Loan, 60 tuổi, nhưng có kinh nghiệm hơn 50 năm làm nghề hoa giấy cho biết: Nghề làm hoa giấy rất đơn giản, một mảnh gỗ, một chiếc dùi và một cái đục bằng sắt (đã được chế lại để làm hoa giấy) cùng những xấp giấy đủ màu. Làm hoa giấy không khó, ai cũng có thể học được nhưng cần có sự tỉ mỉ và khéo tay một chút là được.

Để làm ra một cành hoa giấy hoàn thiện bán ra thị trường, phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau như đục giấy thành hình những cánh hoa, sau đó xếp hình hoa, dán hoa lên cành… tất cả thành một quy trình hoàn thiện.

Hoa sen giấy Thanh Tiên ra đời đã trở thành nét đặc trưng của văn hoá Huế, văn hóa Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục