Hành trình giảm nghèo bền vững

18:18' - 18/07/2019
BNEWS Nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ các hộ dân tạo việc làm, nâng cao điều kiện sống và thu nhập, góp phần thoát nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng làm việc với bà con Tây Ninh. Ảnh: Việt Hải

Tỷ lệ hộ nghèo của xã Trí Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đến nay chỉ còn 2,02% với 41 hộ và hộ cận nghèo là 69 hộ, tỷ lệ 3,40%. Đó là kết quả của một hành trình gian nan trong công cuộc giảm nghèo bền vững mà Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Tây Ninh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cấp hội, đoàn thể triển khai trong những năm qua.

Chủ tịch UBND xã Trí Bình Phạm Văn Hồng cho biết: Trong những năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã giúp trên 1.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn xã được tiếp cận nguồn vốn; góp phần giúp cho 300 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động. Bên cạnh đó, nguồn vốn còn giúp cho hơn 500 học sinh sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập; nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới trên 700 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.

Tính đến nay, dư nợ tín dụng tại địa bàn xã Trí Bình đạt trên 17,7 tỷ đồng với 1.050 hộ vay còn dư nợ chiếm 51,8% số hộ dân trong xã. Dư nợ 3 chương trình vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có xu hướng giảm nhẹ so với cho vay hộ nghèo còn 1,7 tỷ đồng với 107 hộ đang còn dư nợ; cho vay hộ thoát nghèo 3,245 tỷ đồng với 133 hộ và cho vay hộ cận nghèo 1,626 tỷ đồng với 63 hộ vay. 

Nguồn vốn tín dụng chính sách đang chuyển dịch hỗ trợ các hộ dân tạo việc làm, nâng cao điều kiện sống và thu nhập góp phần thoát nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; trong đó, dư nợ cho vay nước sạch vệ sinh môi trường đạt 6,358 tỷ đồng với 659 hộ còn dư nợ; cho vay giải quyết việc làm đạt 1,5 tỷ đồng với 67 hộ vay và cho vay học sinh sinh viên đạt 3,233 tỷ đồng.

Ông Dương Văn Thắng Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Tây Ninh, cho biết, từ 3 chương trình tín dụng chính sách ban đầu với tổng dư nợ là 68,7 tỷ đồng, đến nay Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Tây Ninh đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ và một số chương trình do UBND tỉnh và huyện, thành phố ủy thác với tổng dư nợ đến nay đạt 2.345 tỷ đồng, tăng 2.276 tỷ đồng và gấp 33,13 lần so với năm 2002, với 108.584 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 21,6 triệu đồng/hộ.

Số hộ dân toàn tỉnh là 299.691 hộ dân cho thấy, mức độ bao phủ của nguồn vốn tín dụng chính sách cho phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương.

Đặc biệt từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Tây Ninh đã chủ động tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành văn bản số 754-CT/TU ngày 22/12/2014 chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy trực thuộc, UBMTTQ và các Sở, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức quán triệt nội dung của Chỉ thị.

Trong đó xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một nhiệm vụ thường xuyên, nhằm góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy nhận định, tín dụng chính sách là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương, góp phần tích cực khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, bán sản phẩm khi chưa thu hoạch ở nông thôn; góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện điều kiện sinh hoạt, đi lại, học hành cho các tầng lớp nhân dân. 

“Từ đây, người nghèo và vùng khó khăn cải thiện điều kiện kinh tế, hạn chế các tệ nạn xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh khẳng định.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng đề xuất tỉnh Tây Ninh quan tâm hơn nữa đến nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nhằm tăng cường nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. 

“Đồng thời, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể cần phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, nông, lâm, ngư nghiệp và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”, ông Dương Quyết Thắng nói.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục