Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài cuối: Refill bán hàng không xả rác thải nhựa

09:39' - 01/08/2019
BNEWS Chỉ với hành động nhỏ là mang theo túi khi đi chợ, chúng ta đã giảm được số lượng túi ni lông xả ra môi trường một cách đáng kể.

“Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và làm hết sức mình. Em mong muốn mô hình đang thực hiện có thể góp một phần nhỏ thúc đẩy lối sống xanh”. Đó là chia sẻ của Nguyễn Thế Vinh – chủ cửa hàng “Eco Refill - Tiêu dùng hạn chế rác thải nhựa" về mô hình chuyên sử dụng các sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, không sử dụng bao bì dùng một lần.

Nguyễn Thế Vinh bên cửa hàng của mình. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

*Mang theo túi đựng khi tới mua hàng

Cửa hàng nhỏ mang tên “Eco Refill - Tiêu dùng hạn chế rác thải nhựa” của Vinh đặt tại số 46, ngõ 117 Thái Hà, Hà Nội trở thành điểm đến yêu thích của những người chuộng các sản phẩm hữu cơ có xuất xứ tự nhiên và thân thiện với môi trường.

Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào cửa hàng này là rất nhiều bình chứa hàng cỡ lớn, rất ít các đồ dùng làm từ nhựa, hầu như không có túi ni lông và đặc biệt là hàng chục mặt hàng thân thiện môi trường như: ống hút tre, xơ mướp, hộp bã mía, bát gáo dừa, các loại thìa, đũa gỗ…

Nguyễn Thế Vinh - chàng trai 26 tuổi, sinh ra và lớn lên tại thành phố Vinh, Nghệ An cho biết, ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, anh đã chọn kinh doanh trên đất Hà thành các sản phẩm hữu cơ từ thiên nhiên như: nước giặt và nước rửa bát từ quả bồ hòn; dầu gội, sữa tắm từ bồ kết, hương nhu, tinh dầu quế...

“Cách sử dụng bồ hòn thay thế hoá chất tẩy rửa công nghiệp có kết quả rất tốt dù lượng bọt ít hơn bình thường. Tương tự, các sản phẩm có xuất xứ từ thảo dược, cây cỏ tự nhiên không những tốt cho sức khoẻ mà còn hạn chế chất thải hóa chất độc hại ra môi trường”, Vinh cho biết.

Không chỉ vậy, Vinh mạnh dạn thử nghiệm mô hình bán hàng Refill – Bán hàng không xả rác thải nhựa. Hàng hoá được cất trữ trong các bình dung tích lớn, khách hàng có nhu cầu sẽ mang chai lọ nhựa, hũ thuỷ tinh đến tự chiết sản phẩm dùng thử theo nhu cầu.

Khi muốn dùng tiếp, khách sẽ quay lại, mang theo đồ để đựng và “làm đầy” để không sử dụng bao bì dùng một lần, Vinh giải thích.

Chàng trai trẻ trở nên hào hứng và tâm huyết khi được hỏi về các sản phẩm của cửa hàng và lý do chúng được chọn để bày bán tại đây.

“Nếu mỗi người chỉ sử dụng một ống hút nhựa mỗi ngày thì trong vòng 10 năm sẽ có 3.650 ống hút nhựa được thải ra môi trường. Trên toàn thế giới, ống hút nhựa là một trong năm vật được tìm thấy nhiều nhất tại các sự kiện làm sạch bãi biển”, Vinh kể.

Theo Vinh, ống hút tre là sản phẩm thay thế nhựa, có thể phân hủy và có thể tái sử dụng. Thay thế ống hút nhựa bằng ống hút tre có thể là bước đầu tiên có thể làm để bảo vệ trái đất này.

Bên cạnh đó, cửa hàng của Vinh cũng là một trong những cửa hàng hiếm hoi tại Hà Nội thu gom lại chai nhựa của khách hàng để tái sử dụng thông qua chương trình đổi chai lấy cây và quà.

Chương trình đổi chai lọ, thùng các tông lấy quà liên tục diễn ra tại cửa hàng. Theo đó, khách hàng mang 10 chai lọ hoặc thùng các tông sẽ nhận được 1 món quà là những sản phẩm từ tự nhiên, 20 chai lọ/thùng các tông đổi được 1 cây xanh.

“Thực tế là nếu để tiện và suy nghĩ về lợi ích kinh tế thì bọn mình có thể mua được những chai lọ này với giá rất rẻ. Theo mình điều quan trọng nhất để hạn chế rác thải nhựa là phải thay đổi thói quen. Chính vì vậy mình mới có ý tưởng đổi chai lọ lấy cây và quà”, Vinh tâm sự.

Đặc biệt, cửa hàng của Vinh cũng là địa điểm thu gom pin đã qua sử dụng. Hiện nay, hầu hết gia đình nào cũng có khoảng chục thiết bị sử dụng pin như điện thoại, đồng hồ, điều khiển từ xa… và số lượng các thiết bị này ngày càng có xu hướng tăng nhanh.

Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng pin và ắc quy đã qua sử dụng không được phép bỏ vào thùng rác như các loại rác thông thường vì tính độc hại của chúng rất cao.

Chính vì vậy, Vinh mong muốn cửa hàng vừa là nơi mua sắm vừa là điểm thu gom pin để người dân không vứt pin bừa bãi ra môi trường.

Theo ông chủ Nguyễn Thế Vinh, để lan tỏa tới cộng đồng về lợi ích của việc hạn chế rác thải nhựa, hàng tháng Eco Refill và các nhà đồng hành cùng tổ chức hội chợ Refill, với mong muốn góp phần vào việc bảo vệ môi trường thông qua hành vi tiêu dùng hạn chế túi ni lông và chai nhựa dùng một lần.

“Với mức bình quân sử dụng túi ni lông của một người trong một lần đi chợ là 5 - 6 túi, riêng ở thành phố Hà Nội, mỗi ngày đã có hàng triệu túi ni lông bị thải ra môi trường”, Vinh lo lắng

Theo Vinh, chỉ với hành động nhỏ là mang theo túi khi đi chợ, chúng ta đã giảm được số lượng túi ni lông xả ra môi trường một cách đáng kể.

Khách hàng tìm mua những mặt hàng thân thiện môi trường tại cửa hàng. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Vậy nên, một điểm chung dễ thấy của khách hàng tới Eco Refill là không dùng túi ni lông. Họ thường mang theo túi vải, dùng chai thuỷ tinh, tỉ mẩn bên những món đồ handmade hữu cơ và luôn cởi mở, khích lệ người đối diện “sống xanh hơn”. 

“Em không phải là người biết ăn to nói lớn. Em chỉ suy nghĩ những việc mình làm được có thể còn rất nhỏ bé nhưng phải làm hết sức của mình. Hạn chế được việc sử dụng rác thải nhựa đến mức tối đa.”

“Trong vấn đề hạn chế rác thải nhựa, nếu chỉ làm một mình thì chắc chắn khó thành công. Muốn thành công, em nghĩ rất cần sự góp sức của cộng đồng.”

Với hình thức mang túi để đi mua sắm không chỉ có thể áp dụng đối với cửa hàng Eco Refill mà bất kỳ ở đâu, cửa hàng nào khách hàng cũng có thể áp dụng.

“Thực hiện chương trình này, chúng em mong muốn góp phần nhỏ trong cách sống xanh của người dân Hà Nội”, Vinh tâm sự.

Chị Nguyễn Thùy Linh, ở khu tập thể Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã mua hàng tại cửa hàng này từ những ngày đầu tiên và rất ưa thích những sản phẩm tự nhiên ở đây.

Chị Linh cho biết, chị chưa thấy nhiều mô hình bán hàng độc đáo như cửa hàng của Vinh. “Bản thân tôi cũng rất có ý thức bảo vệ môi trường nhưng thực sự bất ngờ khi Vinh chủ động ra được mô hình như thế này”, chị nói.

*Những dự định cho tương lai

Người sáng lập “Eco Refill - Tiêu dùng hạn chế rác thải nhựa”cho biết, anh từng biết có những mô hình tương tự nhưng hoạt động khó khăn và đã ngừng hoạt động.

“Những doanh nghiệp nhỏ muốn chung tay giải quyết các vấn đề môi trường còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhưng không phải không có những thuận lợi”, Vinh nói.

Khách hàng đến tham quan, dùng thử sản phẩm của Eco Refill. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

“Em hy vọng với nhận thức của cộng đồng, sự tích cực của truyền thông, những mô hình kinh doanh hạn chế rác thải nhựa sẽ được đông đảo người tiêu dùng ủng hộ.”

Nói về những dự định trong thời gian tới, Nguyễn Thế Vinh cho biết, anh sẽ cố gắng để phát triển mô hình hơn nữa.

“Eco Refill sẽ cố gắng từng bước, bởi muốn làm lớn ngay bây giờ cũng chưa có đủ nguồn lực. Các sản phẩm từ nhựa vẫn tràn lan và còn nhiều người sử dụng mà chưa nghĩ tới việc không sử dụng nữa hay hạn chế sử dụng”, Vinh trăn trở.

Theo ông chủ sinh năm 1993, Eco Refill đang tìm kiếm những bên liên kết để bán các sản phẩm hữu cơ xuất xứ tự nhiên, qua đó gắn kết với vấn đề bảo vệ môi trường, đưa sản phẩm thiên nhiên đến người tiêu dùng.

Nguyễn Thế Vinh cho biết: "Hiện tại đã có 4 – 5 đối tác đăng ký nhập hàng và đặt kệ bán hàng theo hình thức của Eco Refill. Hy vọng nhiều sản phẩm xanh sẽ tiếp cận được với khách hàng mà không có thêm chai lọ nhựa hay túi ni lông mới nào được sử dụng. Hãy làm đầy lại những thứ bạn đang có!"./.

Xem thêm:

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng": Bài 1 - Chuyển dịch sang kinh tế xanh

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài 2: Hệ thống phân phối hướng tới tiêu dùng xanh

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài 3: Rác thải nhựa – Vấn nạn toàn cầu

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" -Bài 4: Bài học từ Nhật Bản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục