Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài 3: Rác thải nhựa – Vấn nạn toàn cầu

08:43' - 01/08/2019
BNEWS Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành mối quan ngại ngày càng lớn trên thế giới, đặc biệt sau khi Trung Quốc và các nước khác ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa từ nước ngoài.
Rác thải nhựa tại bờ biển Lima, Peru năm 2018. Ảnh: AFP

Nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản đã chứng kiến lượng chất thải nhựa “chất thành đống” sau lệnh cấm này. 

Rác thải nhựa đổ ra đại dương gây ra tình trạng ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài động vật biển như cá heo, rùa biển, chim biển.

Các hạt vi nhựa có kích cỡ dưới 5 mm có thể tích tụ trong cơ thể các loài cá, gây nguy hại cho sức khỏe con người nếu ăn phải.

Với khoảng 9% lượng rác thải nhựa được tái chế, các nhà vận động môi trường cho biết giải pháp lâu dài duy nhất cho cuộc khủng hoảng rác thải nhựa là các công ty sản xuất ít đi và người tiêu dùng giảm sử dụng.
*Hiện trạng báo động
Theo Hiệp hội Thống kê Hoàng gia Anh, nếu việc sản xuất và quản lý rác thải như hiện nay, “đại dương” rác thải nhựa ước tính sẽ tăng gần gấp hai lần lên 12.000 triệu tấn vào năm 2050.

Hiện đã có 80 nước trên thế giới đưa ra các lệnh cấm tương tự đối với các vật dụng nhựa sử dụng một lần nhằm giảm lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ các đại dương trên thế giới theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP).

Theo UNEP, khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra mỗi năm, trong đó 8 triệu tấn trôi ra các đại dương, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đại dương và đất liền.
Trước tình hình trên, Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) giữa tháng Sáu vừa qua đã nhất trí thiết lập một khuôn khổ quốc tế nhằm giảm tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở các đại dương, một trong những mối đe dọa cấp bách nhất đối với môi trường thế giới hiện nay. 

Theo đó, các nền kinh tế G20 sẽ tự giác triển khai các biện pháp giảm lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương và thông báo những tiến bộ đạt được theo định kỳ.
Trong khi đó, các tổ chức bảo vệ môi trường mới đây đã kêu gọi các nước Đông Nam Á xem xét cấm nhập khẩu rác từ các nước phát triển để giúp ứng phó khủng hoảng ô nhiễm môi trường khi các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhóm họp ở Bangkok (Thái Lan).

Khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng mạnh hoạt động nhập khẩu rác thải điện tử và rác thải nhựa từ các nước phát triển sau khi nước tái chế rác hàng đầu thế giới là Trung Quốc cấm nhập khẩu rác khiến hàng triệu tấn rác được chuyển sang các nước có hoạt động giám sát và quy định "lỏng lẻo" hơn.
Theo ông Penchom Saetang, Giám đốc tổ chức bảo vệ môi trường Cảnh báo Sinh thái và Khôi phục Thái Lan (EARTH), cấm nhập khẩu rác thải chính là vì lợi ích của ASEAN khi Hiệp hội sẽ có các cuộc họp với chủ đề bền vững trong năm 2019 để cấm mua bán rác thải. 

Ông Seatang cho rằng việc nhập khẩu khẩu rác thải điện tử và rác thải nhựa dưới danh nghĩa vì sự phát triển cần phải được chấm dứt ngay lập tức.
Một số nước Đông Nam Á trong những tháng gần đây đã thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn hoạt động nhập khẩu rác thải.

Một bãi rác thải ở Bekasi, Indonesia. Nhà chức trách Indonesia ngày 2/7/2019 cho biết hàng chục container chở rác sẽ được trả về các nước phát triển. Ảnh: TTXVN/phát

Indonesia là quốc gia mới nhất từ chối nhập khẩu rác thải từ Canada sau các động thái tương tự  của Malaysia và Philippines.

Trong khi đó, Thái Lan không cấm nhập khẩu rác thải nhựa, song dự định chấm dứt hoạt động này vào năm 2020. Thái Lan đã cấm nhập khẩu một phần rác thải điện tử.
Theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan, nước này "xả" hơn 2 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Báo cáo năm 2017 của tổ chức Hòa bình Xanh cho thấy Thái Lan là nguồn gây ô nhiễm nhựa lớn thứ sáu trên thế giới, trong khi 5 trong số 10 nước đứng đầu là các quốc gia thành viên ASEAN.

 Vụ trưởng Vụ Tài nguyên biển và duyên hải thuộc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường Thái Lan Jatuporn Buruspat cho biết “Chúng tôi sản xuất và sử dụng rất nhiều nhựa trong cuộc sống hàng ngày.

Hơn nữa, Thái Lan là một quốc gia có các vùng duyên hải. Việc ở gần bờ biển làm tăng khả năng rác thải nhựa được xả vào đại dương”.
Bangladesh là một trong những nước đầu tiên ban hành lệnh cấm sử dụng túi ni lông và túi nhựa tổng hợp hồi năm 2002 nhằm bảo vệ môi trường trước tình trạng rác thải nhựa làm ô nhiễm sông suối, đại dương và trên đất liền.

Tuy nhiên, hàng triệu túi ni lông vẫn được sử dụng hàng năm tại quốc gia Nam Á này do thiếu các sản phẩm thay thế và việc thực thi lệnh cấm có giới hạn.

Theo ước tính của Chính phủ Bangladesh, mỗi tháng có khoảng 410 triệu túi nhựa tổng hợp được sử dụng ở thủ đô Dhaka. Ở một số con sông của Bangladesh, như sông Buriganga, rác thải túi ni lông tích tụ lại thành lớp sâu 3 mét trong lòng sông.
*Nỗ lực ứng phó
Ngày 20/7, Panama đã trở thành quốc gia Trung Mỹ đầu tiên tiến hành cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm tại các bãi biển của nước này cũng như chung tay giải quyết vấn đề mà Liên hợp quốc xác định là một trong những thách thức lớn nhất đối với môi trường toàn cầu.

Panama cùng với hơn 60 quốc gia khác trên thế giới triển khai việc cấm hoàn toàn hoặc một phần đối với túi nhựa sử dụng một lần, hay tiến hành đưa ra các loại thuế hạn chế việc sử dụng túi nhựa, như Chile và Colombia.

Theo quy định được thông qua năm 2018, các siêu thị, hiệu thuốc và cửa hàng bán lẻ tại quốc gia Trung Mỹ này sẽ phải dừng sử dụng ngay túi nhựa truyền thống làm từ polyetylen, trong khi các cửa hàng bán buôn sẽ phải tuân thủ lệnh cấm sử dụng túi nhựa một lần vào năm 2020.
Còn tại Thái Lan, Chính phủ nước này đã thông qua Lộ trình Quản lý rác thải nhựa giai đoạn 2018-2030.

Theo ông Jatuporn, “Thái Lan không thể cấm sử dụng nhựa ngay lập tức vì cần có thời gian để các doanh nghiệp thích nghi và tìm những vật liệu thay thế”.

Quan chức này thừa nhận rác thải nhựa nhập khẩu đã làm trầm trọng thêm vấn đề rác thải biển. Chính phủ Thái Lan đang cố gắng ngăn chặn việc buôn bán rác thải và lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa sẽ có hiệu lực trong năm 2021.
Thái Lan coi việc đưa người dân cùng tham gia vào nỗ lực chung là điều rất cần thiết. Trong một thông báo đưa ra nhân dịp Ngày Quốc tế không túi nhựa (3/7), Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đánh giá cao nỗ lực của nhiều lĩnh vực, ngành nghề giúp giảm việc sử dụng túi ni lông; đồng thời kêu gọi người dân từ chối sử dụng túi ni lông tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2022, Thái Lan sẽ chấm dứt sử dụng các loại túi ni lông mỏng hơn 36 micron, các loại hộp xốp đựng thực phẩm, các loại ống hút bằng nhựa và cốc nhựa sử dụng một lần.

Chính phủ Thái Lan cũng đặt hạn chót là đến năm 2022, tất cả các sản phẩm và bao bì làm bằng nhựa đều phải tái chế.
Trong khi đó, Nhật Bản sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tính phí cho các loại túi sử dụng một lần vào tháng 4/2020 nhằm giúp giảm chất thải nhựa. Nhiều quốc gia trên thế giới đã tính phí cho các túi nhựa sử dụng một lần hoặc cấm hoàn toàn.
Trước đó,  Nghị viện thủ đô Mexico City, Mexico đầu tháng 5/2019 đã phê chuẩn cải cách điều 25 của Luật Chất thải rắn, qua đó cấm việc thương mại hóa, phân phối và trao túi nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần cho người tiêu dùng vào năm 2021 để hướng tới một thành phố xanh, thân thiện với môi trường.

Theo văn bản pháp lý, nhiều sản phẩm nhựa tiêu dùng khác được thiết kế cho việc sử dụng một lần cũng bị cấm thương mại và phân phối như dao, thìa, dĩa, đĩa, bát, ống hút, tăm bông, khay vận chuyển thức ăn, cốc cà phê và các loại nắp nhựa. Luật cũng quy định, những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2.500-9.000 USD.
Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang nỗ lực hạn chế việc sử dụng túi ni lông dùng một lần, Bangladesh đang hy vọng đầu tư vào một sáng kiến để sản xuất túi dùng một lần trông giống như túi ni lông cả về chất liệu và hình dáng, song được làm bằng sợi đay, một loại sợi được dùng để sản xuất túi bằng vải bao bì.

Bangladesh là nước sản xuất đay lớn thứ hai thế giới, sau Ấn Độ. Giá sợi đay, còn gọi là "sợi vàng" được đặt tên theo màu sắc và giá trị từng một thời cao ngất ngưởng của nó, nay đã giảm do nhu cầu về loại sợi này giảm sút.
Tháng 3/2019, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã kêu gọi những nhà khoa học theo đuổi dự án này giúp xúc tiến việc mở rộng sử dụng loại túi này vì những lợi ích về kinh tế và môi trường mà chúng mang lại.

Tiếp đến tháng 4/2019, Chính phủ Bangladesh đã thông qua ngân quỹ 900.000 USD nhằm giúp mở đường cho hoạt động sản xuất loại túi này trên quy mô lớn.

Theo nhà quản lý BJMC, ông Mamnur Rashid, một khi dự án này phát huy hiệu quả, Bangladesh hy vọng có thể sản xuất túi này trong vòng sáu tháng phục vụ mục đích thương mại.

Theo giới chuyên gia và cựu quan chức môi trường Bangladesh, loại túi mới sẽ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do túi ni lông gây ra bởi loại túi này có thể tự phân hủy hoàn toàn.
Về phần mình, Chính phủ New Zealand ngày 15/7 thông báo đầu tư 2 triệu USD vào một nhà máy mới để sản xuất bao bì đựng thực phẩm từ nhựa tái chế 100% đầu tiên của nước này.

Đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn của New Zealand để giải quyết thách thức về ô nhiễm nhựa. New Zealand đã cấm sử dụng túi nhựa một lần từ ngày 1/7/2019.

Quy định mới đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp không thể cung cấp cho khách hàng túi mua hàng bằng nhựa dùng một lần./.
Xem thêm:

>>> Hành động để chống ô nhiễm trắng: Bài 1 - Chuyển dịch sang kinh tế xanh

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài 2: Hệ thống phân phối hướng tới tiêu dùng xanh

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" -Bài 4: Bài học từ Nhật Bản

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài cuối: Refill bán hàng không xả rác thải nhựa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục