Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài 2: Hệ thống phân phối hướng tới tiêu dùng xanh

08:03' - 01/08/2019
BNEWS Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về những giải pháp của hệ thống phân phối hướng tới tiêu dùng xanh.
Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất; trong đó, 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra trôi nổi trên các đại dương và tác động tiêu cực đến môi trường sống, sức khỏe con người cũng như sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào sản xuất sạch hơn và phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị không dùng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có những chia sẻ về những giải pháp của hệ thống phân phối hướng tới tiêu dùng xanh.
Phóng viên: Thời gian qua, một số siêu thị đã chủ động sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nilon nhằm bảo vệ môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương. Bộ Công Thương nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Duy Đông: Bộ Công Thương đánh giá hành động sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường thay cho những chiếc túi nilon và giấy gói khác là một ý tưởng sáng tạo. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường sống đang bị ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng tăng cao. Đây là hoạt động đáng hoan nghênh,  là sáng kiến góp phần bảo vệ môi trường sống và hoàn toàn đúng với đường lối của Đảng và Nhà nước.
Không phải đến năm nay mà ngay từ năm 2007, Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) tại Việt Nam đã tiên phong đi đầu trong việc sử dụng túi nilon có khả năng phân hủy.
Đến năm 2011, nhiều hệ thống chuỗi siêu thị theo phong trào này như: Saigon Co.op, Vinmart, các hệ thống doanh nghiệp đầu tư nước  ngoài như Big C, Lotte cũng tích cực sử dụng túi nilon tự phân hủy.
Ngoài ra, trong hệ thống này đã sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng, dệt may thân thiện với môi trường, các sản phẩm điện trong hệ thống phân phối điện máy tiết kiệm năng lượng.
Hoạt động này đã góp phần tuyên truyền, vận động người dân hướng tới sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Hơn nữa, đây cũng là một phần trong những chương trình hành động của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương.
Đặc biệt, qua việc tuyên truyền và thay đổi phương thức sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, nhận thức của người tiêu dùng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Do vậy, việc sản xuất và sử dụng bao bì thân thiện môi trường được dự báo sẽ trở thành một xu hướng sản xuất và tiêu dùng trong tương lai do loại bao bì này không chỉ mang lại giải pháp an toàn đối với sức khỏe, trí lực của con người, thay thế cho các bao bì gây độc hại, mà còn hỗ trợ làm giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường.

Siêu thị Co.opmart sử dụng lá chuối gói rau quả. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Trước việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phòng trào sản xuất sạch hơn; trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị không dùng đồ nhựa dùng một lần và đến 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, xin ông chia sẻ về vai trò của Bộ Công Thương trong vấn đề này?
Ông Trần Duy Đông: Thống kê cho thấy, trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có gần 19.000 tấn rác thải nhựa được thải ra; trong đó, trung bình mỗi gia đình sử dụng từ 5-7 túi nilon để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Vì thế, nếu đem tiêu hủy, nhựa từ nilon có khả năng gây ô nhiễm không khí dẫn đến nhiều bệnh về đường hô hấp.
Ngược lại, nếu thải ra môi trường, một chiếc túi nilon phải mất 500-1.000 năm mới phân hủy hoàn toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả môi trường sống lẫn sức khỏe của người dân.
Trước mối lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường với lượng rác thải nhựa tăng cao nên việc người tiêu dùng Việt Nam hưởng ứng phong trào sử dụng bao bì xanh tại các siêu thị như thời gian vừa qua là tín hiệu đáng mừng.

Điều này phản ánh ý thức của người dân về bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường được cải thiện đáng kể.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ tại Việt Nam cần nắm bắt tốt sự thay đổi này để có phương thức thu mua, phân phối sản phẩm thân thiện môi trường; đồng thời, đóng gói sản phẩm bằng những vật liệu thân thiện môi trường phù hợp với xu hướng sống xanh đang ngày một gia tăng trong khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng xác định đây là hoạt động lâu dài, cần có nhiều thời gian và để đạt được kết quả cao cần có sự chung tay, hỗ trợ từ nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể cũng như hưởng ứng từ cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Do vậy, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, các hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm thân thiện môi trường vào các hệ thống bán lẻ để chỉ ra những tác hại của túi nilon khó phân hủy cũng như lợi ích của các sản phẩm thay thế.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ); trong đó, có triển khai nhiệm vụ “Xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường”.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công Thương đã phê duyệt thực hiện hai nhiệm vụ gồm việc nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển các kênh phân phối sản phẩm thân thiện môi trường (tập trung nghiên cứu kênh phân phối sản phẩm điện gia dụng, sản phẩm sử dụng năng lượng).
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng xây dựng hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá và cấp chứng nhận hệ thống phân phối bán lẻ xanh tại Quyết định số 2308/QĐ-BCT ngày 8 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt kinh phí nhiệm vụ năm 2017 thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Bộ Công Thương còn thực hiện “Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý môi trường trong các cơ sở phân phối hàng hóa” nhằm tổng quan các vấn đề môi trường trong hoạt động của hệ thống phân phối và tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; quản lý và bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng đối với hệ thống phân phối; quản lý và bảo vệ môi trường trong giai đoạn triển khai xây dựng đối với hệ thống phân phối; quản lý và bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành đối với hệ thống phân phối...
Phóng viên: Vậy, để hướng tới việc đẩy mạnh tiêu dùng xanh, Bộ Công Thương sẽ có giải pháp gì để chương trình đạt hiệu quả như mong muốn?
Ông Trần Duy Đông: Việt Nam đang ngày càng nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sản xuất và tiêu dùng bền vững nói chung; trong đó, có phát triển sản xuất và tiêu thụ các bao bì sản phẩm thân thiện môi trường nói riêng.
Vì vậy, để thúc đẩy xanh hóa tiêu dùng từng bước đi vào đời sống xã hội, cần thiết phải có một chế tài đủ mạnh thể hiện qua các công cụ pháp lý tác động trực tiếp, quy định rõ hơn.
Mặt khác, phải chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ mới vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh nói chung và xu hướng tiêu dùng xanh nói riêng.
Hiện tại, Bộ Công Thương đã xây dựng Chương trình hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 – 2030; trong đó bao gồm Chương trình hành động về phát triển hệ thống phân phối xanh (hệ thống phân phối bền vững) tại Việt Nam giai đoạn 2020-2030.
Tại chương trình này, các nghiên cứu đánh giá về thực trạng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường tại Việt Nam sẽ được thực hiện, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về việc xây dựng và nhân rộng các mô hình phân phối sản phẩm thân thiện môi trường.
Đặc biệt, các chương trình xúc tiến thương mại và các hội nghị kết nối cung cầu hoặc hỗ trợ các nhà phân phối để tìm các nguồn hàng Bộ Công Thương luôn khuyến khích sử dụng bao gói không ảnh hưởng đến môi trường và sử dụng những chất liệu an toàn, bền vững bảo vệ môi trường.
Mới đây, Cục Công nghiệp địa phương đã trình lãnh đạo Bộ một vài đề án, chương trình; trong đó, có một vài đề xuất nhất định cho các nhà sản xuất sạch để hướng tới sản xuất.

Hơn nữa, các chương trình hay đề án đều được khuyến khích doanh nghiệp đi từ  ưu tiên khuyến khích sản xuất sản phẩm thân thiện chứ không bắt buộc.
Đáng lưu ý, tại các chương trình kết nối cung cầu hoặc lồng ghép vào các hoạt động của Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước luôn khuyến khích và ưu tiên giới thiệu những nhà sản xuất sử dụng bao gói thân thiện với môi trường hướng tới phát triển bền vững.
Mặt khác, kiến nghị đề xuất với Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia hệ thống phân phối xanh; thúc đẩy sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng hóa thân thiện môi trường.
Ngoài ra, Bộ cũng tiến hành đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích nhiều thành phần, nhóm đối tượng trong xã hội tham gia hệ thống phân phối xanh, lan tỏa lối sống xanh cho cộng đồng, vì một môi trường xanh cho bản thân mỗi gia đình Việt Nam nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm:

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài 1: Chuyển dịch sang kinh tế xanh

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài 3: Rác thải nhựa – Vấn nạn toàn cầu

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" -Bài 4: Bài học từ Nhật Bản

>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài cuối: Refill bán hàng không xả rác thải nhựa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục