Hàn Quốc - miền đất hứa của thị trường xa xỉ phẩm

06:39' - 18/11/2019
BNEWS Nói đến sức mua đối với các dịch vụ thượng hạng và xa xỉ phẩm, Hàn Quốc gần như không thua kém bất kỳ quốc gia lớn nào.
Nói đến sức mua đối với các dịch vụ thượng hạng và xa xỉ phẩm, Hàn Quốc gần như không thua kém bất kỳ quốc gia lớn nào. Sự yêu thích của người Hàn Quốc đối với xa xỉ phẩm rất đáng kinh ngạc, và đó là lý do tại sao các thương hiệu cao cấp gần đây đã có các bước đi mới và sáng tạo tại Hàn Quốc, như mở các cửa hàng pop-up (giống như các cửa hàng thông thường nhưng sẽ chỉ mở trong một thời gian ngắn) và đưa vào các chương trình thời trang độc quyền thế giới.
* Sức mua “đáng gờm”
Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, thị trường xa xỉ phẩm tại Hàn Quốc được định giá 14.200 tỷ won (12,1 tỷ USD) trong năm 2018, tăng so với mức 11.460 tỷ won trong năm 2014. Hàn Quốc cũng là thị trường xa xỉ phẩm tăng trưởng nhanh thứ tư thế giới, sau Ấn Độ, Malaysia, và Indonesia.
Nhiều dữ liệu trong ngành cũng đã chỉ ra rằng doanh thu của các thương hiệu xa xỉ lớn đã tăng từ 20-30% tại Hàn Quốc trong năm 2018, so với mức tăng trưởng trung bình 2% của các cửa hàng trong nước.
Đáng chú ý, thị trường túi xách xa xỉ của Hàn Quốc được định giá 3.200 tỷ won trong năm 2017, đứng thứ tư thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, đồng thời vượt xa Pháp, quê hương của các “ông lớn” như Louis Vuitton và Chanel. Các thương hiệu trang sức và thời trang cao cấp cũng đã tổ chức một loạt các sự kiện ra mắt và trình diễn thời trang độc quyền trên thế giới tại Seoul.
Hồi tháng Tư, thương hiệu xa xỉ Fendi của Italy, thuộc Tập đoàn hàng xa xỉ của Pháp LVMH, đã ra mắt bộ sưu tập thời trang đường phố sôi động "Roma Amor" tại một cửa hàng của Lotte Department Store. Đây là lần đầu tiên Fendi ra mắt bộ sưu tập mới tại Seoul.
Thế hệ thiên niên kỷ, hay còn được gọi là thế hệ Y (thế hệ những tiêu dùng trẻ sinh ra trong giai đoạn 1980-1994) được coi là một phân khúc người mua sắm quan trọng trong ngành bán lẻ. Thế hệ này có cách tiếp cận mua sắm khác với người lớn tuổi, mà ưu tiên hàng đầu trong tiêu dùng là sự hài lòng.
* Sự đổ bộ của các “ông lớn”
Louis Vuitton, được Tạp chí Forbes bình chọn là thương hiệu xa xỉ quyền lực nhất, cuối tháng trước đã mở một cửa hàng “chiến lược” mới ở Seoul.  Cửa hàng độc đáo này, do các kiến trúc sư nổi tiếng Frank Gehry và Peter Marino thiết kế, tọa lạc tại phố Cheongdam ở quận Gangnam sầm uất. Ông Bernard Arnault, Chủ tịch LVMH, công ty mẹ của Louis Vuiton, đã tham dự lễ khai trương cửa hàng mới này trong chuyến thăm thứ ba tới Hàn Quốc trong ba năm qua.
Louis Vuiton cũng đã mở một loạt cửa hàng pop-up tại các trung tâm thương mại ở Seoul và xung quanh tỉnh Gyeonggi, mang đến cho người tiêu dùng Hàn Quốc cơ hội độc quyền để mua một số mặt hàng trong bộ sưu tập năm tới.
Kim Min-kyung, 36 tuổi, khách hàng VIP của một trung tâm thương mại trong nước cho hay trước đây cô thường mua túi xách khi ghé thăm nước Pháp bởi các sản phẩm trong bộ sưu tập mới nhất của Louis Vuiton được lên kệ tại đây đầu tiên, nhưng nay cô có thể mua những sản phẩm này ngay tại trong nước.
Trong một động thái rõ ràng nhắm tới sức mua của người tiêu dùng trẻ tuổi, thương hiệu cao cấp Chanel của Pháp đã tung ra Bộ sưu tập Urban Capsule độc quyền của mình hợp tác với ngôi sao nhạc pop của Mỹ Pharrell Williams hồi đầu năm nay. Bộ sưu tập mang đầy sự trẻ trung, sôi động và khác xa với các sản phẩm truyền thống trước đây đã nhận được sự yêu thích của thế hệ trẻ.
Một số thương hiệu khác gần đây cũng đã thay đổi phương thức hoạt động, chọn cách mở chi nhánh tại Hàn Quốc thay vì thông qua các nhà nhập khẩu hoặc nhà phân phối trong nước như trước đây.
Nhà sản xuất túi xách xa xỉ Mulberry có trụ sở ở Anh mới đây đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc bằng cách mua Mulberry Korea từ đối tác trong nước SHK. Là một phần trong chiến lược phát triển châu Á rộng lớn hơn, Mulberry đã đầu tư thêm 1,3 triệu bảng (1,67 triệu USD).
Hãng thời trang và nước hoa xa xỉ quốc tế, Givenchy, gần đây cũng đã chấm dứt hợp đồng phân phối với Shinsegae International thuộc Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc Shinseage Inc. để điều hành chi nhánh của mình tại đây. Các nguồn tin trong ngành cho biết, Givenchy Korea, dưới sự điều hành của Ramon Ros Parellada, gần đây đã tuyển gần 100 nhân viên để khởi động hoạt động kinh doanh của mình. Givenchy Korea mới đây đã mở cửa hàng đầu tiên tại Seoul, Hàn Quốc, trong đó chỉ bày bán các bộ sưu tập dành riêng trẻ em.
Delvaux, một nhà sản xuất hàng xa xỉ của Bỉ, cũng đã khai trương một chi nhánh ở Hàn Quốc, và là cửa hàng thứ sáu ở nước ngoài. Thương hiệu này, được biết đến với những chiếc túi xách tinh tế nhưng cũng rất đắt tiền, gần đây cũng mở thêm các cửa hàng tại Hàn Quốc nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động tại đây.
Các nhà theo dõi thị trường cho rằng những “gã khổng lồ” ngành thời trang toàn cầu sẽ tiếp tục đổ xô vào Hàn Quốc, trong bối cảnh nước này đóng vai trò là môi trường thử nghiệm cho thị trường châu Á. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng là điểm cung cấp dịch vụ mua sắm thuận tiện và hấp dẫn cho khách hàng Trung Quốc, vốn chiếm gần 1/3 chi tiêu toàn cầu trong thị trường xa xỉ phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục