Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới và tăng trưởng kinh tế

12:55' - 01/08/2019
BNEWS Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, kinh tế số tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng là thách thức cho Việt Nam.
Đổi mới và tăng trưởng kinh tế: kinh nghiệm của Hàn Quốc và bào học cho Việt Nam. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN 

Nhằm khai thác sức mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngày 1/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Nghiên cứu và phát triển, đổi mới và tăng trưởng kinh tế: kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, kinh tế số tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta phải tận dụng cơ hội mới; chủ động áp dụng công nghệ 4.0 và xây dựng môi trường kinh doanh đón đầu thì mới vượt qua thách thức.

“Nội dung hội thảo phù hợp với khuôn khổ tư duy đặt ra trong cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó, có chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đặc biệt là chuyển đổi doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy sự chuyển đổi kinh tế.”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Chia sẻ một số nội dung của nền kinh tế sáng tạo và chính sách công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Hàn Quốc, ông Park Seung Chang, Chủ tịch Hiệp hội các nhà khoa học công nghệ thông tin đạo đức của Hàn Quốc (KITELA) cho biết, theo kết quả điều tra của Hàn Quốc, Hàn Quốc tiếp tục giữ vững danh hiệu là quốc gia đứng đầu trong chỉ số sáng tạo Bloomberg 2019, tiếp theo là Đức với những nỗ lực cải cách trong nghiên cứu và giáo dục.

Mặc dù, khoảng cách dẫn đầu đã bị thu hẹp một phần, song Hàn Quốc vẫn giữ vững vị trí số 1 trong xếp hạng chỉ số sáng tạo Bloomberg trong nhiều năm liền. Chỉ số này đánh giá, xếp hạng các nền kinh tế thế giới sử dụng các số liệu như: chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D), sự tập trung của các công ty công nghệ cao…

“Tại Hàn Quốc, các tập đoàn lớn như Samsung và Hyundai đã có những điểm xếp hạng cao trong một số lĩnh vực hoạt động sáng chế, giáo dục đại học, sản xuất giá trị gia tăng và một số lĩnh vực khác để duy trì vị thế của mình. Bên cạnh đó, các nước bắc Âu; trong đó, Thụy Điển vươn lên vị trí số 2 và Phần Lan tăng đột biến các công ty công nghệ cao và lọt vào top 5”, ông Park Seung Chang chia sẻ.

Về chính sách ICT của Hàn Quốc, năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2019-2023) với 3 nội dung nhằm bảo đảm nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo, tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và đầu tư cơ sở hạ tầng để hỗ trợ sự phát triển của các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ. Theo đó, để nắm bắt những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam cần từng bước tập trung xây dựng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ trí tuệ…

TS Chang-whan Ma, Phó Chủ tịch điều hành Hiệp hội công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (KOITA) cho rằng, với sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu như hiện nay, Việt Nam cần tiếp cận và nâng cao năng lực để nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển các ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao…

Tại hội thảo, các nội dung đã được các chuyên gia tập trung thảo luận như: nghiên cứu, phát triển và hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nền kinh tế sáng tạo và chính sách công nghệ thông tin và truyền thông của Hàn Quốc; “Chính phủ 3.0” của Hàn Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục