Hạn, mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và dân sinh

18:22' - 13/02/2020
BNEWS Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016, ở mức độ gay gắt và tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô.
Dự báo hạn mặn mùa khô ở ĐBSCL có diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa: TTXVN
Ngày 13/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mùa khô năm 2019-2020.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016, ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô, tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Hiện tại, xâm nhập mặn đang trong thời gian lên cao (từ ngày 8 - 16/2), đây là đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô đến nay với ranh mặn 4 g/l tại các cửa sông đạt cao nhất. Điển hình vùng 2 sông Vàm Cỏ phạm vi từ 100-110km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20-22 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 (năm có mức xâm nhập mặn cao nhất) từ 4-6 km, thấp hơn 15-17 km so với mức sâu nhất năm 2016.

Hay vùng ven biển Tây trên sông Cái Lớn phạm vi khoảng 61 km, sâu hơn trung bình nhiều năm khoảng 12 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 5km, thấp hơn khoảng 7 km so với mức sâu nhất năm 2016.

Dự báo, trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường. Từ cuối tháng 3 xâm nhập mặn sẽ giảm dần do các hồ chứa thượng nguồn tăng lưu lượng xả nước như tương tự một số năm gần đây. Ở vùng các sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4/2020.

Dự báo trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý vượt kế hoạch từ 6-13 tháng, đã đưa 5 dự án vào tạm thời vận hành phòng, chống xâm nhập mặn từ tháng 12/2019, tháng 1/2020. Các công trình này đã chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn đến 300.000 ha.

Trong thời gian tới, một số dự án đang được thực hiện sẽ tiếp tục bảo đảm chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tốt hơn, như: Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Lớn - Cái Bé, Tứ giác Long Xuyên...

Về sản xuất lúa, ngành đã hướng dẫn địa phương tổ chức xuống giống vụ Đông Xuân 2019-2020 sớm hơn so với thời vụ các năm trước từ 10 - 20 ngày để né thời điểm mặn lên cao, đã xuống giống lúa Đông Xuân đạt 1.510.000 ha. Tuy nhiên, sẽ có khoảng 94.000 ha của 9 tỉnh vùng ven biển có khả năng chịu ảnh hưởng hạn, mặn nếu nguồn nước cung cấp không đủ trong nửa đầu tháng 3/2020. Với diện tích lúa này, các địa phương đang tích cực trữ nước và xây dựng phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn, xâm nhập mặn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, các diện tích đã thu hoạch lúa Đông Xuân chưa được xuống giống vụ Hè Thu ngay, chỉ xuống giống khi xâm nhập mặn giảm, nguồn nước bảo đảm cung cấp.

Đến nay, cây ăn quả chưa bị thiệt hại do ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Về nước sinh hoạt, hiện có khoảng 79.700 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt và cần có các giải pháp để khắc phục kịp thời.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ theo dõi sát tình hình, cập nhật hàng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Công và ĐBSCL; tổ chức đo đạc, theo dõi độ mặn ở các vùng cửa sông, cửa lấy nước vào công trình thủy lợi, trong công trình thủy lợi để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình trạng xâm nhập mặn, thực hiện lấy nước phù hợp.

Bộ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; hướng dẫn tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào nội đồng, hệ thống kênh, khẩn trương đóng cống ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn lên cao.

Bộ sẽ rà soát diện tích vườn cây ăn trái và vườn giống cây ăn trái trong toàn vùng và tại 9 tỉnh có nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn, chi tiết đến từng loại cây trồng và từng huyện; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái.

Với nuôi trồng thủy sản, người nuôi cần tăng cường quan trắc môi trường vùng nuôi để có các giải pháp ứng phó kịp thời; có kế hoạch thả giống phù hợp, không thả giống vào thời điểm khô hạn và xâm nhập mặn, tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước để hạn chế việc thay nước thường xuyên.

Về cấp nước sinh hoạt nông thôn, các địa phương khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng, lắp thêm các vòi nước công cộng. Bộ cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng.

Địa phương chuẩn bị phương án huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt cho khoảng 40.000 hộ dân sống phân tán, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo, 7 tập trung tại các tỉnh: Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Trà Vinh…

Về dài hạn, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, xây dựng hạ tầng thủy sản; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng; xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông, kênh cụt…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa nội dung liên quan đến việc hỗ trợ kinh phí thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 để bảo đảm đủ cơ sở pháp lý hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng cho các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các địa phương tiếp tục tăng cường trong phòng, chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 1, xâm nhập mặn đã tăng cao trong thời gian từ ngày 6-13/1 với ranh mặn 4g/lít ở vùng 2 sông Vàm Cỏ (Vàm cỏ Đông, Vàm cỏ Tây) từ 82-85 km; vùng ven Biển Tây lớn nhất 48km, sâu hơn năm 2016 là 6 km./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục