Hạn chế tối đa chậm, huỷ chuyến dịp cao điểm Tết

19:35' - 28/12/2017
BNEWS Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị bằng mọi giải pháp phải hạn chế tối đa chậm, huỷ chuyến, nhất là trong dịp lễ Tết, trước và sau Tết cổ truyền.
Hạn chế tối đa chậm, huỷ chuyến dịp cao điểm Tết. Ảnh minh họa: Huy Hùng - TTXVN

Theo ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải (Cục Hàng không Việt Nam), năm 2017, thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng cao, ở mức 19-20%.

Tổng thị trường đạt khoảng 62 triệu khách, tăng 19% so với năm 2016. Trong bối cảnh lượng khách tăng, điều kiện khai thác của các cảng hàng không tổ chức khai thác của các doanh nghiệp dịch vụ còn những bất cập nhưng tỷ lệ chuyến bay đúng giờ là 87,7%.

Ông Đăng cho hay, đây là một con số khả quan, rất cao so với thế giới. Thống kê cho thấy, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ năm 2017 trung bình của các hãng hàng không trên thế giới là 75 - 79%.

Thực tế chuyến bay bị chậm, hủy theo thống kê thường hay rơi vào dịp mưa bão, sương mù (tháng 3, tháng 4, tháng 7, hoặc tháng 8) hay các dịp lễ Tết. Trong giai đoạn đó, số lượng chuyến bay bị chậm, hủy tăng cao hơn.

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay, hãng hàng không quốc gia Việt Nam đang có tỷ lệ chuyến bay đúng giờ nằm trong top cao nhất thế giới.

Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ đúng giờ của Vietnam Airlines là 85,4%, năm 2016 là 84% và 2017 tăng lên 89,7%. Với tỷ lệ này, Vietnam Airlines đã nằm trong top 10 hãng có tỷ lệ đúng giờ cao nhất thế giới.

Thực tế, theo thống kê của Công ty Flightstat là một công ty chuyên về thống kê chuyến bay, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không trên thế giới trong quý II/2017 dao động trong khoảng từ 62 - 82%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ chậm chuyến vào khoảng 18 - 38%.

“Chúng tôi luôn duy trì bền vững tỷ lệ này từ quý IV/2016 và trong suốt cả năm 2017. Một điều thú vị tôi muốn chia sẻ là trong giai đoạn cao điểm, chỉ số đúng giờ (OTP) của chúng tôi lại cao hơn bình thường. Cụ thể, là Tết Dương lịch, Âm lịch, cao điểm hè, 30/4, 2/9, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ còn cao hơn cả những ngày bình thường”, ông Thành chia sẻ.

Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành cho rằng, không một hãng nào muốn xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay. Với Vietnam Airlines, thứ tự ưu tiên của hãng là đảm bảo an toàn tuyệt đối, kế đó là chất lượng dịch vụ phải tốt, trong đó quan trọng nhất là máy bay phải đúng giờ và cuối cùng mới là giá vé. Các hãng hàng không phải cân đối, điều hành dung hòa 3 vấn đề có tính chất đối nghịch này.

“Năm 2018, Vietnam Airlines tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ chuyến bay đúng giờ ở mức trên 90%. Để chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm Tết, Tổng công ty thực thi một chương trình tổng thể để bảo dưỡng tàu bay trước 3 tháng; nhờ đó, đến cao điểm, 99% tàu bay có khả năng sẵn sàng khai thác”, ông Thành thông tin.

Còn ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Jetstar Pacific cho biết, thời gian qua hãng để xảy ra chậm chuyến do phải chấp hành quy định về an toàn bay, đội tàu bay xuất hiện lỗi kỹ thuật, hãng không thể đánh đổi an toàn bay để bay đúng giờ.

“Trong dịp Tết sắp tới, chúng tôi sẽ áp dụng mọi biện pháp để bay an toàn, đúng giờ. Năm 2018, chúng tôi sẽ đưa các tàu bay mới vào sử dụng, tỷ lệ đúng giờ chắc chắn sẽ tăng lên”, ông Tuấn Anh bày tỏ.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Giao thông Vận tải với lĩnh vực hàng không là phải tuyệt đối đảm bảo an toàn an ninh và phục vụ với chất lượng dịch vụ tốt nhất.

“Với hàng không, an toàn, an ninh luôn phải là số một. Thứ hai, là nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt nhất cho hành khách. Kế đó mới là lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng lưu ý, so với các năm trước, chất lượng dịch vụ hàng không năm 2017 có sự cải thiện đáng kể. Tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, không được chủ quan, hài lòng với kết quả đó, bởi rõ ràng vẫn còn một tỷ lệ nhất định các chuyến bay chậm, hủy vì nguyên nhân chủ quan.

Theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA), giờ khởi hành của một chuyến bay đi hoặc giờ cập bến đỗ của một chuyến bay đến nếu không vượt quá 15 phút thì được coi là đúng giờ. Nếu vượt quá 15 phút bị coi là chậm chuyến (delay). Khi xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến, các hãng hàng không phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm đối với hành khách theo quy định của pháp luật, như là bồi thường ứng trước không hoàn lại chi phí đi lại, ăn nghỉ của hành khách.

Để khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, rút kinh nghiệm các Tết trước, Bộ Giao thông Vận tải đã có rất nhiều giải pháp, liên quan đến vai trò, trách nhiệm của các đơn vị như: Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam… Do đó, cần có sự chung tay, nỗ lực của từng đơn vị, từng doanh nghiệp, từng khâu, từng bộ phận trong dây chuyền vận tải hàng không.

“Bên cạnh đó, phải tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu và chia sẻ. Đây là việc làm rất quan trọng, tất cả các hãng, Cục Hàng không Việt Nam và đơn vị liên quan phải quán triệt và tổ chức triển khai để phục vụ tốt nhất hành khách trong dịp Tết sắp tới”, Thứ trưởng nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục