Hải Phòng thu hút FDI có chọn lọc

09:29' - 20/03/2019
BNEWS Việc thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc là rất quan trọng với Hải Phòng khi các yêu cầu về khoa học công nghệ, năng suất lao động, hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ môi trường đặt ra ngày càng cao.
Sản xuất sản phẩm cơ khí tại Công ty TNHH Cơ khí RK (vốn Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Đình Vũ. Ảnh: TTXVN

Thành phố Hải Phòng xác định rõ quan điểm không thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng mọi giá. Quan điểm nhất quán này đã được thể hiện qua chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm cũng như trong danh mục kêu gọi các dự án đầu tư FDI vào thành phố.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, cũng như một số tỉnh, thành phố khác, hiện nay quỹ đất của thành phố ngày càng hạn chế.

Do đó, đặt trong bối cảnh khi mà các yêu cầu về khoa học công nghệ, năng suất lao động, hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ môi trường đặt ra ngày càng cao thì việc thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc là vô cùng quan trọng.
Thời gian qua, FDI đã khẳng định được vị trí của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng.

FDI góp phần gia tăng vốn đầu tư phát triển; năng lực sản xuất và tăng trưởng kinh tế những ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển; nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực trong nước, của nền kinh tế, tạo điều kiện tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung; đổi mới công nghệ, thiết bị; đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu; giải quyết việc làm cho người lao động.
Qua việc đánh giá kết quả thu hút nguồn vốn FDI cho thấy, Hải Phòng đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong 7 năm trở lại đây, Hải Phòng đã thu hút được số vốn FDI đáng kể, liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc.
Hiện nay, tổng số dự án đầu tư nước ngoài có hiệu lực trên địa bàn thành phố là 629 dự án, với tổng vốn đầu tư 17 tỷ đô la Mỹ (USD).

Trong năm 2018, Hải Phòng đã thu hút được một lượng vốn đầu tư FDI khá lớn, đạt hơn 2,62 tỷ USD, gấp 2,84 lần so với cùng kỳ năm trước, gấp 2,18 lần so với kế hoạch đề ra.
Trong đó phải kể tới hàng loạt các dự án FDI chọn lọc, lớn đã được thành phố Hải Phòng cấp phép và nhanh chóng triển khai như: LG Electronics, LG Display, LG Innotek, Bridgestone, Regina Miracle International, Nipro Pharma, Kyocera Mita…

Vốn đầu tư FDI tăng nhanh và mạnh nên tỷ trọng vốn đầu tư FDI luôn giữ mức khoảng 30% trên tổng số vốn đầu tư phát triển toàn thành phố.
Theo Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng Phạm Văn Mợi, các dự án chọn lọc trên sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, có khả năng lôi kéo, thu hút các dự án vệ tinh khác.

Các dự án FDI tại Hải Phòng hoạt động hiệu quả, do đó đã thu hút rất đông lực lượng lao động ngoại tỉnh đến làm việc.

Hiện tại, tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp lên tới 120.320 lao động; trong đó, số lao động ngoại tỉnh chiếm 40% tổng số lao động. Thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp FDI đạt gần 8,4 triệu đồng/người/tháng…
Thời gian tới, tiếp tục xác định thu hút đầu tư FDI có định hướng và có chọn lọc vào các lĩnh vực quan trọng như: công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, thành phố Hải Phòng hướng thu hút đầu tư theo đối tác, chất lượng, trong đó tăng cường thu hút các dự án có quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia từ Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…tạo tiền đề thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ.
Hải Phòng tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư vào nông nghiệp chất lượng cao, đồng thời với việc thực hiện các biện pháp tích tụ ruộng đất lớn hơn có thể áp dụng được công nghệ cao cũng như cơ giới hóa; xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nông thôn thuận tiện cho việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Hải Phòng ưu tiên thu hút các dự án FDI sản xuất công nghiệp vào đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp tập trung, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm đảm bảo yêu cầu về kiểm soát tác động tiêu cực đến môi trường. Không tiếp nhận hoặc hạn chế tối đa những dự án FDI sử dụng công nghệ thấp, có khả năng tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, sinh thái.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực FDI.

Đổi mới xúc tiến đầu tư, tập trung xúc tiến đầu tư tại chỗ và minh bạch trong đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, có hiệu quả và năng suất lao động cao, từng bước tận dụng lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại..., cũng là giải pháp đột phá trong việc thu hút FDI của thành phố Hải Phòng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục