Hài hòa lợi ích các bên khi cung ứng hàng hóa vào hệ thống phân phối

14:47' - 05/07/2019
BNEWS Bộ Công Thương đã trình Chiến lược Phát triển thị trường trong nước, tập trung phát triển hạ tầng thương mại và hỗ trợ về chính sách để hình thành doanh nghiệp Việt lớn có thể làm chủ tại sân nhà.

Những ngày gần đây, Tập đoàn Central Group (chủ đầu tư chuỗi bán lẻ Big C) bất ngờ thông báo dừng hợp đồng với 200 nhà cung cấp là doanh nghiệp lĩnh vực may mặc đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đại diện Tập đoàn cho biết, trong 2 tuần nữa khoảng 150 nhà cung cấp sẽ được mở lại đơn hàng và Tập đoàn sẽ tiếp tục làm việc với những nhà cung cấp còn lại để đáp ứng các quy định, cam kết theo hợp đồng đã ký. Xung quanh sự việc này, sáng 5/7, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về những giải pháp bảo vệ doanh nghiệp ngành phân phối bán lẻ và tạo sự đồng thuận giúp nhà cung cấp và phân phối cùng phát triển.

Ông Trần Duy Đông-Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc cung ứng hàng hóa tại siêu thị của các Tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay?

Ông Trần Duy Đông: Hầu hết các Tập đoàn lớn tại Việt Nam đều phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhằm giúp nhà sản xuất, nhà cung ứng của Việt Nam đưa hàng hóa vào hệ thống các nhà bán lẻ đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là đặc sản vùng miền của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ đó, những doanh nghiệp lớn đã chủ động phối hợp và làm việc với các nhà bán lẻ nước ngoài, còn các doanh nghiệp nhỏ với sản phẩm tốt cũng vẫn kết nối được với các nhà đầu tư FDI.

Do vậy, Bộ Công Thương là cầu nối giúp cho việc cung ứng hàng hóa vào các siêu thị của các nhà đầu tư nước ngoài như: AEON, Big C, Lotte… Qua đó, nâng cao tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống phân phối, góp phần quan trọng thực hiện Cuộc Vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Để hỗ trợ sản xuất của các nhà cung ứng Việt Nam, Bộ Công Thương đứng ra kết nối cung - cầu nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm về chất lượng hàng hóa khi được đưa vào hệ thống. Hơn nữa, hàng hóa của nhiều địa phương được đưa vào các trung tâm thương mại có cơ hội tiếp cận được kênh bán hàng này.

Về cơ bản, hàng hóa Việt Nam đáp ứng được chất lượng, mẫu mã theo quy định của các nhà bán lẻ nước ngoài và Bộ Công Thương còn đề nghị Big C, AEON hỗ trợ    nhiều cơ sở sản xuất về quy trình sản xuất để tiến tới đưa vào hệ thống phân phối và xuất khẩu với thương hiệu do nhà phân phối đưa ra.

Phóng viên: Nhiều ý kiến lo ngại sẽ tiếp diễn tình trạng như Big C và quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Duy Đông: Việc diễn ra tại BigC mới đây là sự việc không mong muốn và không phải chủ trương lớn của Big C về không muốn đưa hàng may mặc của Việt Nam vào hệ thống phân phối.

Sau buổi làm việc sáng 4/7 giữa Bộ Công Thương với lãnh đạo Central Group Việt Nam, đơn vị này đã giải thích rõ rằng họ đã thông báo trước đối với các nhà cung ứng hàng Việt Nam. Việc này nằm trong chiến lược thay đổi kinh doanh của Big C là tái cấu trúc lại tài chính và kinh doanh hướng tới hàng hóa chất lượng cao.

Nếu như trước đây, khi vào hệ thống BigC có thể thấy một số sản phẩm hàng hóa phục vụ giới tiêu dùng bình dân thì nay Big C dự kiến thay đổi nguồn hàng hướng tới người tiêu dùng trung và cao cấp nên chiến lược kinh doanh mới của Big C là mẫu mã đa dạng và chất lượng cao hơn.

Trước đây, Tập đoàn Central Group mua lại Big C là mua của người Pháp, sử dụng thương hiệu Big C và trả theo phí li xăng. Li xăng là việc tổ chức, cá nhân nắm độc quyền sử dụng một đối tượng sở hữu công nghiệp (Bên chuyển quyền sử dụng - thường được gọi là bên giao) cho phép tổ chức, cá nhân khác (Bên nhận quyền sử dụng -  thường được gọi là bên nhận) sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó. Trong chiến lược kinh doanh của họ tại Việt Nam, sắp tới Tập đoàn này sẽ thu hẹp một số trung tâm thương mại mang thương hiệu Big C và cách đây ít ngày đã chính thức khai trương cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu Go!Market.

Chiến lược kinh doanh mới này sẽ tập trung vào các mặt hàng cao cấp hơn, tái cấu trúc lại tài chính, tái cấu trúc việc cung ứng hàng cũng như layout tại các cửa hàng mới mang thương hiệu Go!Market. Vì vậy, BigC đang tiến hành rà soát lại các nhà cung cấp các mặt hàng; trong đó, có mặt hàng may mặc.

Tuy nhiên, khi làm việc với Bộ Công Thương, Bộ đã yêu cầu đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp cung ứng hàng Việt Nam và lợi ích của người tiêu dùng. Big C, Lotte…đều cam kết song hành cùng những chương trình lớn của Chính phủ để đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối của họ. Đồng thời, Bộ Công Thương luôn yêu cầu các đơn vị này làm tốt trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng như đưa hàng về vùng bão lũ, vùng sâu, vùng xa.

Phóng viên: Việc Tập đoàn Central Group bất ngờ dừng mua hàng dệt may có phù hợp với thông lệ chung không, thưa ông?

Ông Trần Duy Đông: Tập đoàn Central Group đã có thông báo trước cho các nhà cung cấp may mặc và cũng làm theo thông báo, hợp đồng đã ký với các nhà cung cấp. Dù vậy, Bộ Công Thương vẫn yêu cầu rà soát lại các hợp đồng đã ký kết và tuyệt đối không được phá vỡ những hợp đồng pháp lý đã cam kết với các nhà cung ứng trên cơ sở pháp lý và đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Cụ thể là lợi ích của các nhà cung ứng mặt hàng may mặc vào Big C, lợi ích của Big C và cuối cùng là lợi ích của người tiêu dùng. 

Phóng viên: Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do và có thể dẫn đến tình trạng các nhà bán lẻ nước ngoài dần rút hàng Việt ra khỏi hệ thống siêu thị. Xin ông cho biết, Bộ Công Thương có giải pháp gì để bảo vệ hàng Việt tại hệ thống phân phối nước ngoài?

Ông Trần Duy Đông: Cùng với quá trình hội nhập của Việt Nam, bất kỳ nền kinh tế nào đều đàm phán theo hướng bảo hộ nền kinh tế trong nước để các ngành công nghiệp non trẻ có thời gian thích nghi; trong đó, có ngành phân phối bán lẻ.

Theo đó, khi mới gia nhập các Hiệp định Thương mại tự do, Việt Nam được bảo lưu về quyền phân phối bán lẻ nhiều mặt hàng, dần dần việc bảo hộ với các mặt hàng giảm đi theo lộ trình.

Chẳng hạn như để cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Công Thương sử dụng ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế). Theo đó, xem xét kỹ khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do tác động của quá trình hội nhập nên trong những năm tới, ENT cũng sẽ xóa bỏ theo cam kết hội nhập.

Riêng với các nhà bán lẻ nước ngoài, Bộ Công Thương luôn yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài phải có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các chương trình của các Bộ, ngành.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, trước đây nước này cũng sử dụng ENT nhưng có những biện pháp bảo hộ thị trường bán lẻ và dần dần cũng phải xóa bỏ. Do vậy, các doanh nghiệp nước ngoài nếu không có chiến lược kinh doanh tốt thì cũng không thể tồn tại lâu dài tại thị trường Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng đã trình Chiến lược Phát triển thị trường trong nước; trong đó, tập trung phát triển hạ tầng thương mại và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt về chính sách để hình thành doanh nghiệp lớn làm chủ tại sân nhà.

Ngoài ra, Bộ cũng đang nghiên cứu về sự ràng buộc như: tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống phân phối là bao nhiêu, bày bán tại quầy, kệ như thế nào… nhằm phục vụ hàng hóa sản xuất trong nước và hỗ trợ các nhà cung ứng Việt Nam, nhưng các giải pháp phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, việc xây dựng các quy định này tại Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ để không vi phạm luật pháp của WTO, lấy ý kiến rộng rãi để có sự đồng thuận của người dân và xã hội; đồng thời giúp các nhà sản xuất trong nước và các nhà phân phối nước ngoài phát triển tại thị trường Việt Nam.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục