Hà Nội: Xử lý nghiêm xe hợp đồng trá hình xe khách

08:29' - 17/04/2018
BNEWS Công an thành phố Hà Nội đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm xử lý nghiêm tình trạng xe hợp đồng cố tình trá hình xe khách chạy tuyến cố định.
Hà Nội: Xử lý nghiêm xe hợp đồng trá hình xe khách. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt (PC 67), Công an thành phố Hà Nội, đơn vị này đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm xử lý nghiêm tình trạng xe hợp đồng cố tình trá hình xe khách chạy tuyến cố định, vi phạm hành vi "không thực hiện đúng hình thức kinh doanh trong giấy phép kinh doanh vận tải".
Bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội đã đề nghị Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tổ chức điều tra cơ bản thống kê các điểm "xe dù", "bến cóc", đặc biệt là các văn phòng đại diện của các doanh nghiệp vận tải có trụ sở trên địa bàn quản lý để tổ chức ký cam kết, yêu cầu các văn phòng đại diện chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Đồng thời, đơn vị phối hợp với Thanh tra Giao thông Vận tải kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là xử lý các hành vi vi phạm về "không thực hiện đúng hình thức kinh doanh trong giấy phép kinh doanh vận tải".

Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an Hà Nội đề nghị Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc quản lý chặt chẽ việc cấp phù hiệu hợp đồng và Giấy phép kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp, không để các phương tiện, doanh nghiệp hợp thức hoá hợp đồng để "trá hình" chở khách như chạy tuyến cố định. Đồng thời, tước giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu hợp đồng khi các phương tiện và doanh nghiệp vi phạm.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng PC67 Công an thành phố Hà Nội cho hay, đơn vị đã tham mưu, đề xuất UBND Thành phố Hà Nội nhiều nội dung nhằm quản lý chặt xe hợp đồng như chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải làm nghiêm công tác quản lý thông tin xe hợp đồng vận chuyển theo đúng khoản 3 - điều 8 Nghị định 86/2014/NĐ - CP.

Bên cạnh đó, đơn vị kiến nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ để tạo căn cứ pháp lý cho lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp xe khách, đặc biệt là xe khách "trá hình" xe hợp đồng để chạy tuyến cố định, PC67 đề xuất thông qua hệ thống camera giám sắt hành trình, chủ động phát hiện các trường hợp xe khách "trá hình" xe hợp đồng để chạy tuyến cố định thường xuyên dừng đón trả khách tại các văn phòng đại diện, địa điểm tập kết...

Từ đó, PC67 xác minh, xử lý doanh nghiệp vi phạm; đồng thời, đề xuất lắp đặt camera giám sát giao thông tại các khu vực văn phòng đại diện của các doanh nghiệp vận tải để phục vụ công tác quản lý và kiềm tra, xử lý các hành vi vi phạm... 

Cũng theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, địa bàn Hà Nội hiện có 21 văn phòng đại diện của các doanh nghiệp vận tải hành khách có liên quan đến hoạt động của các xe hợp đồng, xe Limousine.

Loại xe hợp đồng "trá hình" xe khách này có hai loại hình, gồm: loại xe từ 45 - 54 chỗ và loại xe 16 chỗ được hoán cải thành xe 10 chỗ do Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố cấp phù hiệu hợp đồng và Giấy phép kinh doanh vận tải.

Hiện việc xử lý các trường hợp xe hợp đồng "trá hình" xe khách gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp vận tải hành khách "lách luật" bằng cách thay vì bán vé cho hành khách, đã cấp cho hành khách phiếu thu hoặc phiếu theo dạng Voucher du lịch, có đầy đủ hợp đồng và danh sách hành khách nên việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Nhiều trường hợp còn ngụy trang, giả danh thành xe phục vụ đám tang, đám cưới, không có hợp đồng vận tải và danh sách hành khách theo quy định. Qua nắm tình hình, nhiều nhà xe còn được cấp 2 phù hiệu cho một xe (một phù hiệu xe chạy tuyến cố định, một phù hiệu chạy xe hợp đồng) để đối phó với các lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. 

"Các doanh nghiệp vận tải, lái xe khách thường thông tin, móc nối với các lái xe ôm, cò mồi... theo dõi, tìm hiểu vị trí, tuyến tuần tra kiểm soát của cảnh sát giao thông để báo cho các xe khách khác thay đổi lộ trình, trốn tránh sự phát hiện, kiểm tra của lực lượng chức năng.

Thậm chí có những lái xe còn có hành vi, thủ đoạn như thuê xe ôm chở khách đến vị trí tập kết riêng gần khu vực các bến xe, qua các vị trí cảnh sát giao thông làm việc để trốn tránh, phát tờ rơi hoặc giấy ghi số điện thoại cho hành khách để liên lạc, hẹn địa điểm đón, đưa...", Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt Công an thành phố Hà Nội, trong quý I/2018, Cảnh sát Giao thông đã kiểm tra, xử lý 2.321 trường hợp xe khách vi phạm, tạm giữ 6 phương tiện cùng 2.278 bộ giấy tờ.

Các hành vi vi phạm chủ yếu của những trường hợp này là: 1.628 trường hợp dừng đỗ sai quy định; 347 trường hợp không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy; 49 trường hợp chở quá số người quy định; 68 trường hợp đón, trả khách không đúng nơi quy định; 80 trường hợp không chấp hành đèn tín hiệu giao thông.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục