Hà Nội sẽ rà soát lại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường

20:00' - 24/09/2018
BNEWS Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đánh giá mức ô nhiễm và xử lý vi phạm, yêu cầu thời hạn khắc phục ô nhiễm.

Ngày 24/9, tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2018, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố tập trung hơn nữa vào công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đi kèm các biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để nhằm xây dựng Thủ đô xanh, văn minh, phát triển bền vững.

Hiện tại, sông Cầu Bây đoạn qua quận Long Biên, Gia Gia Lâm có chiều dài 10km. Hai bên bờ sông có nhiều hộ dân sinh sống đã xả thải nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi...trực tiếp ra sông. Cùng với đó là nhiều nhà máy, doanh nghiệp của 2 địa phương trên cũng thực hiện xả thải chưa qua xử lý ra sông Cầu Bây... gây ô nhiễm nghiêm trọng sông Cầu Bây, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sinh hoạt của người dân quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh Mạnh Khánh - TTXVN


Báo cáo kết quả một năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Năm 2017, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của thành phố Hà Nội đã kiểm tra, thanh tra gần 2.600 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 751 cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước với tổng số tiền phạt là 18,4 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, kiểm tra, thanh tra tại 681 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 159 cơ sở với tổng số tiền phạt 5,1 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, tỷ lệ cấp nước sạch khu vực đô thị hiện đạt gần 100%, khu vực nông thôn đạt hơn 52%. Thành phố thường xuyên vận hành có hiệu quả các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn.

Đối với nước thải y tế, 45 phòng khám đa khoa khu vực và 34 bệnh viện tư nhân đều có hệ thống xử lý nước thải và đảm bảo đủ tiêu chuẩn về xử lý chất thải lỏng y tế theo quy định, hiện còn 2 bệnh viện thuộc thành phố chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng và 3 bệnh viện tư nhân có hệ thống xử lý chất thải lỏng đã xuống cấp.
Hà Nội cũng đang đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy đốt rác phát điện trọng điểm như: Nhà máy điện rác tại khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, 2 nhà máy xử lý chất thải rắn chuyển thành năng lượng khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Bên cạnh đó, thành phố đang lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ).
Cùng với đó, thành phố đã tập trung phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các nguồn phát sinh và kiểm soát các nguồn khí thải gây ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí; tăng cường quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường làng nghề và nông thôn; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân Thủ đô về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường; tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư và tăng cường xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường.


 Công nhân vệ sinh môi trường đô thị Gia Lâm thực hiện thu gom rác thải bên bờ sông Cầu Bây. Ảnh Mạnh Khánh - TTXVN

Thời gian tới, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, đối với chất thải rắn, sẽ triển khai đồng bộ và rà soát điều chỉnh cục bộ quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô. Trong đó, lựa chọn công nghệ tái chế, thu hồi là công nghệ chủ đạo, kết hợp với chôn lấp hợp vệ sinh tại chỗ hoặc trung chuyển đến các bãi chôn lấp, hướng tới mô hình xử lý rác thải 3R; tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các khu xử lý chất thải rắn.
Đối với xử lý ô nhiễm nước và cấp nước sạch, trước mắt thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh ưu tiên xử lý ô nhiễm các sông, hồ; tăng cường kiểm tra, xử lý và yêu cầu các cơ sở thực hiện đúng Luật Bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng xử lý nước thải tập trung tại các làng nghề; đầu tư triển khai việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại hai bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý thải tại ba bệnh viện đã xuống cấp.

Đồng thời, đến năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án cung cấp nước sạch, phấn đấu nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch năm 2019 đạt 80%, năm 2020 đạt 100%.
Để xử lý ô nhiễm không khí, thành phố sẽ tăng cường công tác thẩm định cấp phép đưa các giải pháp xử lý bụi và khí thải là một trong những yêu cầu bắt buộc các chủ đầu tư phải thực hiện; tiếp tục triển khai các nội dung của đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030” và tiếp tục triển khai đồng bộ chương trình trồng 1 triệu cây xanh cho thành phố.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đánh giá mức ô nhiễm và xử lý vi phạm, yêu cầu thời hạn khắc phục ô nhiễm.
Xác định xử lý chất thải y tế là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết: Việc xử

lý rác thải y tế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như: Hệ thống xử lý chất thải xuống cấp, công nghệ lạc hậu trong khi công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường chưa sâu, kinh phí xử lý chất thải y tế còn hạn chế...

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị thành phố tập trung đầu tư hệ thống xử lý chất thải đối với các cơ sở y tế công lập. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở trong việc xử lý để bảo đảm công tác thu gom hợp vệ sinh.
Là một quận đang phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, xử lý chất thải, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp là một nhiệm vụ quan trọng đối với Thanh Xuân. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu nhấn mạnh: Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, nhận thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân của quận đã được nâng lên.

UBND quận thường xuyên rà soát các cơ sở gây ô nhiễm và đã trình thành phố danh sách 9 cơ sở gây ô nhiễm để yêu cầu di chuyển. Hiện tỷ lệ rác thải sinh hoạt được vận chuyển trong ngày trên địa bàn quận Thanh Xuân đã đạt 98-100%. Đồng thời, quận cũng tăng cường vận động người dân không sử dụng than tổ ong và tiến hành trồng mới trên 2.500 cây xanh...
Khẳng định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ lớn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ghi nhận sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong việc tham gia bảo vệ môi trường với những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Bí thư Hoàng Trung Hải cũng chỉ ra những hạn chế như: một số địa phương còn để rác tồn lâu ngày, tiến độ thực hiện các dự án về môi trường còn chậm, kết quả xử lý ô nhiễm sông, hồ chưa có nhiều tiến bộ, vẫn còn 113 cơ sở gây ô nhiễm cần di dời…
Để khắc phục các tồn tại và đảm bảo môi trường sống tốt hơn, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, coi trọng hơn công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; phân công, phân nhiệm rõ ràng; thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò giám sát của HĐND các cấp trong lĩnh vực này để góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, bền vững./.

>>> Lò đốt rác “đắp chiếu”, người dân phải sống chung với ô nhiễm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục