Hà Nội sẽ có thêm 30 cụm công nghiệp mới vào cuối năm 2019

20:27' - 18/07/2019
BNEWS Hà Nội đang chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện đại, tiên tiến, với mục tiêu đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 30 cụm công nghiệp mới.

Nửa đầu năm nay, ngành công nghiệp Hà Nội có mức tăng trưởng thấp hơn so cùng kỳ, nguyên nhân là do năng lực sản xuất tăng thêm ngành công nghiệp chưa có đột biến, trong khi đó một số nhà máy lại di dời khỏi thành phố.

Để thúc đẩy tăng trưởng khu vực này, Hà Nội đã và đang chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện đại, tiên tiến, với mục tiêu đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 30 cụm công nghiệp mới.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, ước 6 tháng đầu năm 2019, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp thành phố tăng 7,71% so với cùng kỳ năm 2018, đóng góp 1,51 điểm phần trăm vào mức tăng 7,21 của GRDP toàn thành phố.

Mặc dù tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay thấp hơn mức tăng cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,97%) nhưng sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi mạnh trong quý II (quý I tăng 6,94%; quý II tăng 8,41%).
Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế Hà Nội cũng đang tập trung vào mở rộng thêm các cụm công nghiệp và đã có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động trên diện tích 1.337 ha với khoảng 3.100 cơ sở sản xuất đang hoạt động.

Trong số này có 3 cụm công nghiệp tập trung gồm: Cụm công nghiệp Chương Mỹ rộng 50 ha; cụm công nghiệp Sơn Tây rộng 70 ha; cụm công nghiệp Phúc Thọ rộng 55 ha.

Ðây là điều kiện cơ bản để phát triển làng nghề, kinh tế nông thôn và kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của Hà Nội.
Các khu công nghiệp đã thu hút đầu tư được 6 dự án đầu tư mới (vốn đăng ký 1,9 triệu USD và 65 tỷ đồng); 10 dự án mở rộng (vốn đăng ký 44,9 triệu USD và 240 tỷ đồng). Tổng mức thu hút đầu tư đạt 60 triệu USD quy đổi, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2019, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng đã tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động, hướng dẫn các thủ tục thanh lý dự án và giải thể doanh nghiệp theo quy định với tổng số 6 dự án dừng hoạt động, 5 dự án giảm vốn, tổng số vốn đăng ký 45 triệu USD quy đổi.
Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp mới còn chậm, kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa ổn định, tính cạnh tranh và năng suất lao động còn thấp, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, công nghệ, thị trường.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nguyên nhân khiến công nghiệp ước 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ là do, trong bối cảnh năng lực sản xuất tăng thêm ngành công nghiệp chưa có đột biến nhưng một số nhà máy thực hiện di dời khỏi thành phố hoặc cắt giảm sản lượng.
Cụ thể là Công ty TNHH General Motors Việt Nam chuyển toàn bộ dây chuyền lắp ráp xe ô tô cho tập đoàn Vinfast tại Hải Phòng (khoảng 1% giá trị ngành công nghiệp); Yamaha Motor có chính sách giảm dần sản lượng (khoảng 4% giá trị ngành công nghiệp); Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà và Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Châu chuyển dần nhà máy về Hưng Yên,…
Mặc dù, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn để thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh nhưng tiến độ triển khai vẫn chưa được như mong muốn.

Do biến động của thị trường, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong đầu tư mở rộng quy mô sản xuất hoặc đầu tư xây dựng mới....
Để tháo gỡ khó khăn cũng như thúc đẩy phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện đại, tiên tiến, Hà Nội đã thành lập thêm 3 cụm công nghiệp trên địa bàn, nâng tổng số cụm công nghiệp được thành lập từ năm 2018 đến nay lên 8 cụm công nghiệp.

Hiện UBND thành phố Hà Nội đã thông qua 11 cụm công nghiệp, nếu theo nhịp độ này, đến cuối năm Hà Nội có thể có 30 cụm công nghiệp mới.
Ngoài ra, Hà Nội còn là địa phương duy nhất đặt ra chính sách phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đến nay, Hà Nội đạt được 61 sản phẩm, những sản phẩm này đều có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
Để công nghiệp Thủ đô phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh, Hà Nội đã và đang chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp, chế xuất công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến; nâng chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh: Thành phố đã có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, ví dụ khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội được áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất công nghệ cao như: được thuê đất 70 năm, các ngân hàng hỗ trợ về vốn vay…
Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, xu hướng đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Hà Nội là đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững.

Do đó, các doanh nghiệp sẽ tăng vốn đầu tư vào một đơn vị diện tích đất bằng việc tăng mật độ sử dụng đất, đầu tư thiết bị, công nghệ cao, đầu tư dây chuyền đồng bộ; sử dụng công nghệ thông tin trong điều hành sản xuất… qua đó tăng hiệu quả sử dụng đất.
Để thu hút được nguồn vốn đầu tư, các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh.

Các doanh nghiệp phải nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong các lĩnh vực công nghệ cao vào sản xuất tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng được thị trường chấp nhận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục