Hà Nội kiểm soát cơ sở giết mổ lợn, bình ổn giá thị trường

08:25' - 12/06/2019
BNEWS Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng trong sử dụng sản phẩm từ lợn.
Thịt lợn được giết mổ, chuẩn bị cung ứng ra thị trường. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN

Đặc biệt, cuối năm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân tăng cao, trong khi dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp.

Do vậy, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường cũng như không để lợn bệnh tiêu thụ trên thị trường.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân trên địa bàn thành phố khoảng từ 900 đến 1.000 tấn/ngày. Thành phố có 259 cơ sở, điểm giết mổ lợn; trong đó, 47 cơ sở, điểm giết mổ được kiểm soát.

Số lượng lợn giết mổ được kiểm soát bình quân 6.500 - 7.000 con/ngày, chiếm khoảng 60% tổng số lợn giết mổ toàn thành phố; số còn lại là giết mổ nhỏ lẻ. Do đó, vấn đề kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật có vai trò rất quan trọng nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn bán ra thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, do địa bàn thành phố rộng, tiếp giáp với nhiều tỉnh, có nhiều tuyến giao thông trọng điểm cả về đường không, đường bộ, đường thủy nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm rất cao.

Hiện nay, Luật Thú y bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh cũng gây khó khăn trong kiểm soát khoảng 1.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư hiện nay...
Để khắc phục bất cập trong kiểm dịch, theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Sở tiếp tục chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã cử cán bộ trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch động vật liên ngành thành phố theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm ngăn chặn các loại động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vận chuyển vào thành phố Hà Nội.

Đối với cơ sở giết mổ lợn, khi giết mổ phải bảo đảm lợn khỏe mạnh, đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y; có nguồn gốc rõ ràng, có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Những ngày gần đây, giá lợn hơi trên thị trường diễn biến thất thường, khiến nhiều hộ chăn nuôi bán chạy dịch làm nguồn cung tăng đột biến, làm giá lợn hơi giảm. Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số chợ dân sinh như: Thành Công, Mùng 8-3, Nguyễn Công Trứ, Trại Găng, Phan Huy Chú, Kim Liên… sau thời gian giảm giá lợn hơi nay tăng nhẹ (tăng 2.000 đồng/kg) nhưng giá thịt tươi sống vẫn còn thấp so với trước thời điểm diễn ra dịch bệnh.

Nhiều hộ tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Nguyễn Công Trứ cho biết, mặc dù giá bán giảm nhưng sức mua không tăng, nguyên nhân khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, người tiêu dùng chuyển sang ăn các thực phẩm khác nên lượng thịt bán ra giảm sút.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá đột biến các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là thịt lợn, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng Chương trình bình ổn giá 2019 trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

Theo đó, lượng hàng bình ổn giá chiếm 35% nhu cầu thị trường trong 1 tháng; các tháng cận tết, nhóm hàng hóa huy động tăng cường như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo chiếm khoảng 35% nhu cầu thị trường.
Cụ thể, ngành công thương thực hiện bình ổn giá 11 nhóm hàng gồm: lương thực 32.500 tấn/tháng; trứng gia cầm 43 triệu quả/tháng; đường 1.080 tấn/tháng; thực phẩm chế biến 1.800 tấn/tháng; dầu ăn 2.100 nghìn lít/tháng; rau củ quả 36.100 tấn/tháng; thịt lợn 6.500 tấn/tháng; thủy hải sản 1.800 tấn/tháng; thịt gà 2.100 tấn/tháng; gia vị 540 tấn/tháng, sữa trẻ em 6,9 triệu lít/tháng.

Lượng hàng thực hiện bình ổn thị trường năm 2019 dựa trên kết quả thực hiện năm 2018, sự thay đổi trong tập quán, thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân và dựa trên kế hoạch sản xuất, kinh doanh tạo nguồn hàng của doanh nghiệp. Riêng nguồn thịt lợn cung cấp cho thị trường Hà Nội ngoài nguồn hàng tại chỗ sẽ được khai thác thêm ở các tỉnh, thành cả nước và nhập khẩu từ Indonesia, Pháp.
Thực hiện việc xã hội hóa nguồn vốn cho chương trình, trong kế hoạch bình ổn giá 2019, các doanh nghiệp tham gia chủ động sử dụng nguồn vốn tự có, hoặc được kết nối để vay vốn từ gói lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, qua đó đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa.

Mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", qua đó đẩy mạnh đưa hàng Việt bình ổn về các vùng ngoại thành, các khu công nghiệp.
Việc Sở Công Thương Hà Nội xây dựng, thực hiện Chương trình bình ổn giá sẽ góp phần đảm bảo cung cầu lương thực, thực phẩm tươi sống những tháng cuối năm, ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý mặt hàng thịt lợn./.
>>> Sớm có chính sách khuyến khích thu mua lợn sạch trong vùng có dịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục