Hàng Việt làm gì để nâng cao sức cạnh tranh?

21:27' - 18/10/2018
BNEWS Bí quyết để làm nên thương hiệu là cả chặng đường dài xây dựng giá trị cốt lõi với chiến lược kinh doanh “vì người tiêu dùng”.

Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Những năm gần đây, người tiêu dùng trong nước đã quen dần với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trên thực tế, nhiều sản phẩm Việt có chất lượng cũng đã chiếm lĩnh được lòng tin người dùng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để không còn là khuyến khích, ưu tiên mà phải là sự yêu thích dùng hàng Việt, tự hào khi dùng hàng Việt thì sự nỗ lực nâng tầm hàng hóa của chính doanh nghiệp là rất quan trọng.

Rõ ràng về nguồn gốc

Một trong những tiêu chí được người tiêu dùng quan tâm đầu tiên trong bối cảnh hàng hóa, như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm... tràn lan trên thị trường hiện nay chính là sự rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Ở lĩnh vực may mặc, trong bối cảnh gần đây, làn sóng hàng ngoại với tiêu chí “hàng hiệu, giá bình dân” đổ vào thị trường thời trang Việt Nam rất nhiều, với những cái tên đình đám như: H&M (Thụy Điển), Zara (Tây Ban Nha), Uniqlo (Nhật Bản)… Tuy nhiên, người tiêu dùng đặt câu hỏi, với giá rẻ, liệu có được sở hữu “hàng hiệu” hay sẽ phải ngậm ngùi với hàng giả, hàng nhái.

Để vượt lên các thương hiệu này, chiếm lĩnh được, các thương hiệu thời trang Việt Nam lại càng phải nỗ lực nâng cao chất lượng và rõ ràng về nguồn gốc nguyên phụ liệu để người Việt Nam luôn tin yêu chọn hàng Việt.

Ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần M2 Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Đường, Tổng giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam cho rằng, có đối thủ mạnh, có áp lực đè nặng, chúng ta mới nỗ lực tốt lên, đưa ra những giải pháp mới cho thị trường.

Trong 18 năm phát triển M2, theo ông Nguyễn Hải Đường, giá trị cốt lõi đó chính là uy tín về chất lượng, giá bán tốt, sản phẩm đa dạng, dịch vụ toàn diện và dẫn đầu xu hướng thời trang. Gần như 100% hàng hóa của M2 do hơn 200 nhà cung cấp trong nước sản xuất, hàng trăm nghìn sản phẩm các loại. Để người dân yêu thích sử dụng hàng sản phẩm thời trang trong nước, chúng tôi luôn đặt yếu tố chất lượng, nguồn gốc rõ ràng lên hàng đầu.

“Để nâng cao chất lượng sản phẩm, M2 thường xuyên xem xét lại năng lực của các nhà cung cấp, chọn là bạn đồng hành với nhà cung cấp, phải có nguồn hàng dồi dào, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm chất lượng. Tôi luôn muốn nâng tầm các thương hiệu Việt Nam và luôn muốn người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam. Tôi luôn tự hỏi, tại sao chúng ta cứ mãi đi gia công cho các nước phát triển, trong khi trình độ, tay nghề của chúng ta chẳng hề thua kém ai”, ông Nguyễn Hải Đường nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ở lĩnh vực thực phẩm, bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nông sản thực phẩm Việt Nam cho hay, làm thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ sẽ rất khó đến được với người tiêu dùng bởi giá thường cao hơn sản phẩm bán ngoài chợ. “Nhưng với chất lượng sạch tuyệt đối, nguồn gốc truy xuất rõ ràng, tôi tin rằng, dần dần, người tiêu dùng sẽ yêu, thích các sản phẩm sạch, chất lượng do chính doanh nghiệp Việt, người nông dân Việt mình làm ra”.

Hướng đến người tiêu dùng

Có thể thấy, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trong lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng.

Công ty M2 hay Xuất nhập khẩu nông sản trên chỉ là hai trong số nhiều doanh nghiệp, thương hiệu Việt đang dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm. Bí quyết để làm nên thương hiệu, không đơn thuần ở việc đặt một cái tên, đưa ra một sản phẩm tốt mà là cả chặng đường dài xây dựng giá trị cốt lõi với chiến lược kinh doanh “vì người tiêu dùng”.

Thương hiệu thời trang của M2 được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Theo ông Nguyễn Hải Đường, từ những thời điểm đầu tiên, M2 đi theo hướng bán hàng đa chủng loại, mẫu mã, để phục vụ số đông người tieu dùng, từ sản phẩm cao cấp, đến bình dân, phục vụ đối tượng cán bộ, nhân viên, công nhân, học sinh sinh viên với chất lượng và giá cả hợp lý.

Năm 2001, từ một cửa hàng nhỏ tại 55C Lý Thường Kiệt (Hà Nội) có diện tích khoảng 25m2, tới nay M2 đã sở hữu 15 trung tâm thời trang tại Hà Nội và các trung tâm tại: TP Vinh (tỉnh Nghệ An), Thanh Hóa, Moscow (Liên bang Nga). Điều đặc biệt, mạng lưới cửa hàng của M2 đều được đặt ở các vị trí trung tâm, với quy mô rất lớn, diện tích mặt sàn hơn 1.000m2 nhằm tiếp cận, phục vụ nhu cầu của khách hàng nhanh chóng và tiện lợi nhất, ông Đường cho biết thêm.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, cuộc vận động giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa sản phẩm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Nhận thấy cốt lõi để thu hút người tiêu dùng sử dụng hàng Việt là chất lượng doanh nghiệp phải sản phẩm tốt, hướng về người tiêu dùng, Hiệp hội đã chủ động đưa doanh nghiệp tham gia các kỳ hội chợ, các cuộc bình chọn, chương trình khuyến mãi... Qua đó, lấy ý kiến người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ của các thành viên. Hiệp hội cũng mời người tiêu dùng tham quan nhà máy, xí nghiệp của các doanh nghiệp có sản phẩm được bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao để người tiêu dùng nắm bắt quy trình sản xuất sản phẩm, thêm niềm tin với hàng Việt.

Bộ Công Thương cho biết, Bộ này sẽ có sự đổi mới để thúc đẩy cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo đó, ngoài việc tuyên truyền, Bộ sẽ tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hỗ trợ doanh nghiệp để cải thiện chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, Bộ tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng để nắm bắt thị hiếu, nâng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam; kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với hệ thống phân phối để hỗ trợ phát triển thị trường, hướng đến người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục