Gỡ khó cho hiện đại hóa lưới điện nông thôn

16:59' - 27/02/2020
BNEWS Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, hiện nguồn vốn đầu tư cho công tác xây dựng nông thôn mới vẫn chủ yếu từ kinh phí của ngành điện, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa được nhiều.
Tất cả các xã, thị trấn tại Hà Nội đạt và cơ bản đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn mới. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN
Để đảm bảo nguồn cấp điện cho các xã nông thôn mới, các khu vực quy hoạch sản xuất chuyên canh tập trung, các cụm điểm công nghiệp làng nghề trên địa bàn, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới xây dựng tiêu chí cấp điện duy trì và nâng cao chất lượng các huyện nông thôn mới, tiêu chí cho các xã nông thôn mới tiên tiến, điển hình.
Đến nay, tất cả các xã, thị trấn tại Hà Nội đạt và cơ bản đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn mới. Tuy nhiên, để từng bước hoàn thiện lưới điện theo hướng hiện đại hóa, giảm tổn thất điện năng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện vùng nông thôn, miền núi và các khu sản xuất chuyên canh vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, hiện nguồn vốn đầu tư cho công tác xây dựng nông thôn mới vẫn chủ yếu từ kinh phí của ngành điện, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa được nhiều do quy định về giá bán điện, chưa tạo ra được sự khuyến khích đáng kể.
Cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn chưa thật sự ổn định; chính sách dành cho Tổng Công ty điện lực thành phố Hà Nội vay vốn ưu đãi để đầu tư hạ tầng điện tại khu vực nông thôn còn khắt khe. Vì vậy, công tác huy động vốn từ các thành phần kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc cải tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng hạ tầng kỹ thuật lưới điện nông thôn.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, khu vực ngoại thành Hà Nội rộng, số đơn vị hành chính cấp xã ở nông thôn lớn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và nhiều nơi đã xuống cấp, đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Vì vậy, việc thực hiện dự án đầu tư lưới điện trung áp đồng bộ với lưới điện hạ áp dự án RE2 để cấp điện cho khu vực nông thôn là cần thiết, các khu vực chuyển đổi tập trung, dồn điền đổi thửa và khu vực chuyên canh cần tiếp tục được đầu tư để đảm bảo cấp điện an toàn đến nhân dân.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã đưa vào vận hành được 619 trạm biến áp, tổng công suất 645.078kVA, kinh phí đầu tư là 2.945,026 tỷ đồng; trong đó, Hà Nội đã triển khai dự án Đầu tư lưới điện trung áp đồng bộ với lưới điện hạ áp RE2 được vay ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội, với tổng mức đầu tư 208 tỷ đồng.
Hà Nội cũng đã hoàn thành nghiệm thu 221/221 dự án Đầu tư lưới điện trung áp đồng bộ với lưới điện hạ áp RE2 (TBA). Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã xử lý 81 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, vượt 20% so với kế hoạch. Đối với công tác thu hồi dự án RE2, Sở đã phối hợp với Sở Tài chính thu nợ lũy kế được 181.092 triệu đồng; trả nợ ngân hàng Thế giới số tiền 116.175 triệu đồng.
Đối với công tác xây dựng nông thôn mới, sau 10 năm thực hiện Chương trình số 02 – Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, thành phố Hà Nội đã có 100% số xã, thị trấn đạt và cơ bản đạt Tiêu chí số 4 về điện nông thôn mới; 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bao gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai.
Trong năm 2019, Hà Nội cũng đã bàn giao lưới điện hạ thế do 2 đơn vị quản lý là Công ty TNHH Minh Trung kinh doanh điện tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ và Hợp tác xã nông nghiệp xã Phúc Hòa kinh doanh điện tại xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ sang Công ty điện lực địa phương quản lý, bán điện trực tiếp.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với UBND quận, huyện, xã, phường tổ chức 58 lượt kiểm tra cấp mới giấy phép hoặc duy trì điều kiện hoạt động điện lực; thanh kiểm tra theo kế hoạch 7 đơn vị. Kết quả kiểm tra cho thấy, các hợp tác xã, tổ chức kinh doanh điện cơ bản đang hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Giá bán điện thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, thủ tục lắp đặt công tơ cho nhân dân thuận lợi dễ dàng, quá trình quản lý vận hành an toàn và được nhân dân ủng hộ, hoạt động kinh doanh bán lẻ điện có hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, có những địa phương tổn thất điện năng dưới 5% như: Hợp tác xã Vĩnh Hưng, Hợp tác xã Triều Khúc, Hợp tác xã Dương Liễu; Hợp tác xã Thị trấn Tây Đằng, Hợp tác xã Liên Hà…. Hầu hết các đơn vị kinh doanh có lãi, trả nợ vốn vay dự án RE2 đúng hạn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững ở địa phương.
Hà Nội cũng đặt mục tiêu năm 2020 sản lượng điện thương phẩm đạt khoảng 21.548 triệu kWh; tốc độ tăng trưởng điện 9,3%; chỉ số thời gian mất điện bình quân lưới điện trung áp dưới 200 phút; hoàn thành triển khai các nội dung chương trình quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2008 – 2020.
Trong năm 2020, Hà Nội sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện của thành phố.
Hà Nội phấn đấu hoàn thành đầu tư đóng điện 35 trạm biến áp và 50 đường dây; cải tạo 12 trạm biến áp và 9 đường dây công trình điện 110kV theo tiến độ Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội năm 2020 đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục giám sát, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiếp tục xử lý các vụ vi phạm bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp còn tồn tại giảm còn 30%.
Để giải quyết những khó khăn bất cập trong việc cải tạo lưới điện nông thôn, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo Ban Chỉ đạo phát triển điện lực thành phố Hà Nội theo dõi, bám sát tình hình tiến độ các công trình trọng điểm để chủ động giải quyết những tồn tại có thể xử lý ngay.
Đồng thời, bổ sung nguồn kinh phí đầu tư cải tạo đáp ứng tiêu chí số 4 cho các huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất tại các vùng chuyên canh, vật nuôi; xây dựng kế hoạch bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục