Gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản Tp. Hồ Chí Minh

17:37' - 22/02/2020
BNEWS Doanh nghiệp kiến nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản ở 4 vấn đề quan trọng là xác định quy trình thực hiện dự án nhà ở hợp lý.

Thủ tục nhiêu khê, hồ sơ đưa qua đưa lại nhiều sở ngành mà chưa rõ kết quả giải quyết cuối cùng, doanh nghiệp muốn đóng tiền sử dụng đất cũng không được, khiến nhiều dự án nhà ở chôn vốn hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản còn khách hàng phải mua sản phẩm với giá đắt đỏ.

Thực tế này đòi hỏi chính quyền thành phố phải vào cuộc và có những tháo gỡ, hỗ trợ quyết liệt. Đây là nội dung chính của hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/2.
* Rút gọn quy trình
Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản ở 4 vấn đề quan trọng là xác định quy trình thực hiện dự án nhà ở hợp lý (giảm từ 5 bước xuống còn 4 bước), giải quyết nhanh thủ tục nộp tiền sử dụng đất, xem xét giải quyết các dự án đang bị dừng triển khai và giải quyết rào cản "chỉ tiêu quy mô dân số" các quận, huyện.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Thời gian qua việc chậm xác định giá đất đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể hoàn thành đóng tiền sử dụng đất để hoàn thiện thủ tục pháp lý khiến dự án bị chôn vốn, đội chi phí đầu tư, quản lý… Cuối cùng chủ đầu tư tính vào giá bán sản phẩm và người mua nhà phải gánh chịu.
Ngoài ra đại diện HoREA cũng gửi tới lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho 19 doanh nghiệp bất động sản lớn trên địa bàn xung quanh vấn đề chủ trương sử dụng quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư triển khai dự án cải rạo rạch Xuyên Tâm, giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh quy hoạch kiến trúc, chuyển đổi dự án, cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất đối với phần diện tích tầng hầm ngoài ranh khối đế xây dựng toà nhà chung cư, rút ngắn quy trình thực hiện dự án nhà ở xã hội…
Theo ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, Thành phố thống nhất nội dung quy trình thực hiện dự án nhà ở đối với chủ đầu tư chưa đảm bảo quyền sử đụng đất ở hợp pháp gồm lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư (bước 1), lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo (bước 2), lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (bước 3), lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất (bước 4), lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng dất ở (bước 5) và công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng (bước 6).
Đối với chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp thì trải qua 5 bước gồm chấp thuận chủ trương đầu tư (bước 1), công nhận chủ đầu tư (bước 2), trình duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 (bước 3), chấp thuận đầu tư (bước 4) và thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng, xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch (bước 5).

Đáng chú ý, thành phố đã chủ trương thực hiện song song việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch với thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cấp giấp phép xây dựng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã báo cáo, xin ý kiến các Bộ, ngành hoặc Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện bằng cách hiểu và vận dụng quy định quyền sử đụng đất ở hợp pháp khi thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở, xử lý phần đất công do nhà nước trực tiếp quản lý trong các dự án nhà ở (đất xen cài giữa các thửa đất, đất mương, rạch…), thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục quyết định chấp thuận đầu tư, chuyển tiếp đối với dự án chưa có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, xử lý đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá, sáp nhập dự án…
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản thành phố hoan nghênh nhiều giải pháp tháo gỡ của lãnh đạo thành phố, việc thống nhất các bước giải quyết thủ tục cũng như các nội dung kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo giải quyết.
Tương tự, theo đại diện Tập đoàn Nam Long, với quy trình thực hiện 5 bước, thành phố đã tạo bước đột phá tháo gỡ khó khăn, giải quyết cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn thành phố tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết của thành phố.
Còn dưới góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Nova (thuộc Tập đoàn Novaland) cho hay, trong thời gian gần đây lãnh đạo các cấp thành phố đã dần tháo gỡ các vướng mắc như cấp giấy phép xây dựng, giao đất, duyệt tiền sử đụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số dự án mà tập đoàn này đang phát triển như dự án chung cư Cô Giang (quận 1), dự án tại số 151-155 Bến Vân Đồn (quận 4), dự án khu cao ốc phường Thảo Điền (quận 2), dự án tại số 1W Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), dự án chung cư cao tầng tại số 67 Mai Chí Thọ (quận 2) và 7 dự án tại quận Phú Nhuận…
Đại diện Tập đoàn Novaland mong muốn lãnh đạo thành phố, các bộ ngành, Chính phủ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, sớm đưa ra các hướng dẫn, chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện tại, cho phép Tập đoàn Novaland được nhanh chóng tiếp tục triển khai dự án nhằm giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở và đầu tư của người dân; qua đó nâng cao đời sống an sinh xã hội, góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
* Vào cuộc quyết liệt
Trình bày những vướng mắc cụ thể, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành cho biết, gần 1 năm qua công ty triển khai dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh), trải qua nhiều cuộc họp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến trúc nhưng vẫn không thống nhất được việc điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch giữa tầng cao, mật độ dân số và hệ số sử đụng đất khiến doanh nghiệp vẫn chưa có quyết định chủ trương đầu tư.

Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Sau phản ánh này của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã phê bình Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm giải quyết khiến doanh nghiệp mất gần 1 năm chờ đợi, dự án chưa triển khai đồng thời chỉ đạo lãnh đạo 2 sở này khẩn trương giải quyết, trả lời cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Đồi, Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc và Xây dựng S.S.G 2, thành phố càng thu tiền sử dụng đất của doanh nghiệp càng nhanh càng tốt cho doanh nghiệp và cho ngân sách thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua cũng cho thấy, có một số doanh nghiệp "bán lúa non" sản phẩm khi chưa xác định được tiền sử dụng đất dẫn tới lỗ nặng, cầu cứu cơ quan chức năng.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đồi cho rằng, UBND thành phố nên giao Sở Tư pháp chịu trách nhiệm rà soát, tham mưu cho UBND thành phố giải quyết các vướng mắc và độ vênh giữa các luật liên quan đến nhà ở, bất động sản thay vì giao cho từng sở chuyên ngành. Nếu có những vấn đề vượt thẩm quyền của thành phố, UBND thành phố khẩn trương kiến nghị, xin ý kiến của các bộ, Thủ tướng Chính phủ.
Về vấn đề quy hoạch, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, "rào cản" chỉ tiêu quy mô dân số sẽ ảnh hưởng đến các dự án chỉnh trang phát triển đô thị như di dời nhà trên, ven kênh rạch, cải tạo chung cư cũ. Lý do là nhiều dự án nhà ở mới quy mô lớn được điều chỉnh quy hoạch, lấp đầy chỉ tiêu dân số nên những dự án chỉnh trang đô thị về sau không còn chỉ tiêu hoặc chỉ tiêu dân số thấp, không được cấp phép thêm độ cao tầng nên doanh nghiệp không có điều kiện làm căn hộ kinh doanh thu hồi vốn khi bỏ vốn tham gia chương trình chỉnh trang đô thị của thành phố.  
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh cho rằng thời gian tới, thành phố sẽ xác định lại khu vực mũi nhọn, trọng tâm để lập và điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quy mô dân số chứ không làm dàn trải ở các quận huyện như hiện nay; trong đó, tập trung tăng dân số ở những khu vực có hạ tầng tốt, có điều kiện phát triển kinh tế và thuận lợi về mặt tự nhiên đồng thời giảm chỉ tiêu dân số ở những khu vực kém phát triển.
Thực tế vừa qua ở nhiều khu vực, chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch dân số dẫn tới vượt khung nên sắp tới Sở Quy hoạch và Kiến trúc sẽ rà soát, điều chỉnh, báo cáo UBND thành phố.
Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thông tin thêm, định hướng chung của thành phố là phát triển đô thị hiện đại có hình thái "nén" nhưng không phải nén theo kiểu "dàn hàng ngang, đưa lên cao" mà theo vừa phát triển lên cao vừa chú trọng ở tầng hầm. Ở mỗi khu đô thị sẽ dành nhiều diện tích phục vụ tiện ích công cộng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, bất động sản là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố. Hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 415.000 doanh nghiệp, gồm gần 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong 9.000 doanh nghiệp lớn thì có hơn 30% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, trong năm 2019 chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư (giảm 24% so với năm 2018), 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư (giảm 64 dự án), 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn (giảm 30 dự án).
Nguyên nhân là do các quy định pháp luật, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, rà soát thủ tục pháp lý, sự đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước hoặc việc giải quyết chưa liên thông, đồng bộ gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu ngân sách.
Trước các kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nêu rõ, trong 10 ngày tiếp nhận phản ánh, thắc mắc của doanh nghiệp, các sở ngành phải có trả lời hoặc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Các sở ngành phải cùng chia sẻ với doanh nghiệp, thấy sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của thành phố, không để sự trì trệ trong thực thi pháp luật, chính sách, không thể đứng ngoài guồng máy và dòng chảy đang tiến lên phía trước. Cán bộ khi giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp được hay không được phải trả lời, không thể "ngâm" hồ sơ trong khi nhiều doanh nghiệp chịu lãi suất ngân hàng và các chi phí khác đã đổ vào dự án.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm, đối với những nội dung đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền của thành phố, UBND thành phố sẽ đăng ký lịch làm việc với Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành cùng thành phố tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố.
Đối với những vướng mắc thuộc quy trình thủ tục của thành phố, đề nghị các sở, ngành quan tâm phối hợp giải quyết, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện dự án cho doanh nghiệp. UBND thành phố sẽ thành lập Tổ công tác họp hàng tuần và đến ngày 30/4 phải giải quyết xong các vướng mắc của 19 doanh nghiệp được nêu trong bản kiến nghị của HoREA.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị HoREA có tư vấn pháp luật để doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh tình trạng mua cổ phần doanh nghiệp làm dự án để không phải nộp thuế.
"Thành phố sẽ thảo luận thống nhất và thông báo cho doanh nghiệp biết cơ quan làm đầu mối tiếp nhận các thông tin phản ảnh các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Định kỳ 3 tháng lãnh đạo thành phố sẽ cùng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản. Mặt khác thành phố cũng đeo bám các bộ ngành Trung ương để giải quyết các vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền của thành phố.
Với những kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản trong hội nghị này nếu thuộc phạm vi trách nhiệm của sở, ngành thành phố mà không giải quyết được sẽ bị phê bình. Đồng thời, trong quá trình giải quyết hồ sơ, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các sở ngành báo cáo UBND thành phố xem xét", Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thêm./.
Xem thêm:

>>Vinhomes Ocean Park: “Điểm nóng” thị trường bất động sản 2020

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục