Giới chuyên gia tiếp tục cảnh báo về nguy cơ từ tiền điện tử

11:08' - 13/03/2018
BNEWS Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cảnh báo việc ngân hàng trung ương các nước tạo ra các đồng tiền ảo như bitcoin, có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn hứng chịu các cuộc tấn công mạng.
Giới chuyên gia tiếp tục cảnh báo về nguy cơ từ tiền điện tử. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) của Thụy Sĩ cảnh báo việc ngân hàng trung ương các nước tạo ra các đồng tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là tiền điện tử hay tiền ảo), như đồng bitcoin, có thể là cuộc cách mạng trong hệ thống tài chính toàn cầu, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn hứng chịu các cuộc tấn công mạng.

Trong một báo cáo công bố ngày 12/3, BIS cho biết: "Tác động tiềm ẩn, như gian lận, có thể sẽ lớn hơn vì sự dễ dàng trong các giao dịch chuyển tiền điện tử đối với những khoản tiền lớn". Báo cáo kêu gọi cần áp dụng "các biện pháp mạnh nhằm giảm nhẹ nguy cơ" trước khi các chủ ngân hàng tính đến việc chính thức phát hành tiền điện tử.

Chủ tịch Ủy ban Thanh toán và hạ tầng cơ sở thị trường (CPMI), thuộc BIS, ông Benoit Coeure (Bơ-noa Cơ) thừa nhận: "Các đồng tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành có thể giúp thanh toán các giao dịch chứng khoán và ngoại hối hiệu quả hơn trong tương lai". Tuy nhiên, ông Coeure cho rằng "cần thêm các nghiên cứu và thực nghiệm để khai thác được các lợi ích này".

Báo cáo của BIS cho rằng các đồng tiền điện tử có thể thay đổi cách thức phát hành tiền tệ, củng cố các hệ thống thanh toán, và là một biện pháp đáng tin cậy để tiến hành các giao dịch nếu việc sử dụng tiền mặt giảm.

Nhưng BIS cảnh báo hiện tại, loại tiền này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn và quá mong manh nếu được coi là một phương thức thanh toán chung hoặc tiết kiệm. Ông Coeure cho rằng báo cáo của BIS sẽ là điểm khởi đầu cho các cuộc tranh luận và nghiên cứu sâu hơn nhằm giúp các nước đưa ra lựa chọn tùy theo hoàn cảnh của riêng mình.

Báo cáo trên được công bố trước thềm hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại Buenos Aires (Argentina) vào ngày 19-20/3 tới, dự kiến tiền ảo sẽ là một trong các chủ đề chính được đưa ra thảo luận.

Theo một nghiên cứu được BIS công bố, tại nhiều nước trên thế giới, việc sử dụng tiền mặt tiếp tục tăng cùng với việc sử dụng tài khoản ngân hàng trong các giao dịch cũng tăng mạnh. Tháng trước, giới chức Mỹ cũng đã lên tiếng về việc cần có các cơ quan mới giải quyết vấn đề tiền điện tử.

Trong một diễn biến liên quan, sàn giao dịch tiền điện tử Coincheck ở Nhật Bản ngày 13/3 cho biết đã trả lại hơn 440 triệu USD cho khách hàng sau vụ đánh cắp tiền điện tử trên sàn giao dịch này.

Công ty Coincheck cho biết đã sử dụng quỹ riêng của mình để bồi hoàn khoảng 46,6 tỷ yen (tương đương 440 triệu USD) cho tổng cộng 260.000 khách hàng đã bị đánh cắp đồng NEM - một trong các đồng tiền ảo hàng đầu thế giới.

Vụ việc trên xảy ra hồi cuối tháng 1 vừa qua. Số tiền thất thoát lên tới 547 triệu USD, lớn hơn nhiều so với 480 triệu USD bằng đồng bitcoin bị đánh cắp hồi năm 2014 tại một sàn chứng khoán khác của Nhật Bản mang tên MtGox.

Sau vụ việc cách đây 4 năm, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành các quy định mới, yêu cầu các sàn giao dịch tiền điện tử phải được cấp phép của chính phủ. Giới chức giám sát tài chính đánh giá vụ việc mới nhất là hậu quả của việc Coincheck đã không có các biện pháp an ninh đầy đủ để ngăn chặn tin tặc và dịch vụ chăm sóc khách hàng không đạt yêu cầu.

Kể từ tháng 4/2017, Nhật Bản đã công nhận bitcoin như một đồng tiền hợp pháp. Theo thống kê từ trang mạng theo dõi tiền ảo jpbitcoin.com, Nhật Bản là một trong những thị trường tiền ảo lớn nhất thế giới, với khoảng 30% giao dịch bitcoin toàn cầu trong tháng 12/2017 là chuyển từ đồng yen.

Ước tính có khoảng 10.000 doanh nghiệp tại Nhật Bản chấp nhận bitcoin. Hồi tháng 11/2017, bitFlyer, sàn giao dịch bitcoin lớn nhất Nhật Bản, thông báo cán mốc 1 triệu người tham gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục