Giới chuyên gia theo dõi sát sao tình hình kinh tế Trung Quốc

21:53' - 12/01/2019
BNEWS Giới phân tích ước tính rằng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 6,6% trong năm 2018, mức thấp nhất kể từ năm 1990, và được dự đoán sẽ "hạ nhiệt" hơn nữa trong những tháng tới.
Đồng tiền giấy mệnh giá 100 NDT tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN

Mười năm sau khi Trung Quốc giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu khi tiến hành một gói kích thích khổng lồ, giới chuyên gia đang hướng về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu “giảm tốc” hoặc có diễn biến tệ hơn vào năm 2019.

Sự bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc đã đóng góp tới 1/3 vào tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây. Vì vậy, những dấu hiệu gần đây cho thấy nền kinh tế châu Á này đang mất đà rất đáng lo ngại khi sự khởi sắc của kinh tế Mỹ - vốn được thúc đẩy bởi chính sách cắt giảm thuế hồi năm 2017 của Tổng thống Donald Trump - dường như đã “đạt đỉnh”, trong khi kinh tế châu Âu đang đình trệ.

Giới phân tích ước tính rằng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 6,6% trong năm 2018, mức thấp nhất kể từ năm 1990, và được dự đoán sẽ "hạ nhiệt" hơn nữa trong những tháng tới trước khi một loạt các biện pháp hỗ trợ bắt đầu có hiệu lực.

Ông Joachim Fels, Giám đốc điều hành (CEO) và cố vấn kinh tế toàn cầu tại công ty quản lý đầu tư khổng lồ Pacific Investment Management Company, cho biết ông lo lắng nhất về tình hình Trung Quốc trong báo cáo khảo sát triển vọng kinh tế thế giới năm 2019.

Tuy nhiên, ông Fels cho biết các mô hình suy thoái kinh tế của ông cho năm 2019 chỉ “nhấp nháy” cảnh báo màu cam - không phải màu đỏ - một phần vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tạm dừng lộ trình tăng lãi suất sau một hoặc hai lần tăng nữa.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hồi tháng 11/2018 đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống 6,3% vào năm 2019 và 6,0% năm 2020. Nhưng từ thời điểm đó đến nay, những tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn.

Nhà kinh tế cấp cao của OECD, bà Margit Molnar, nói rằng mức dự báo trên có thể được hạ xuống một lần nữa. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra hoạt động đi vay “nhộn nhịp” của các chính quyền cấp địa phương ở Trung Quốc phát đi những dấu hiệu cho thấy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nhiều khả năng sẽ tăng lên. Theo bà Molnar, điều này sẽ giúp bù đắp phần nào những tác động từ niềm tin đang yếu đi của người tiêu dùng Trung Quốc.

Trung Quốc được dự báo sẽ tiến hành thêm nhiều biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế của họ, mặc dù các quan chức khẳng định rằng họ không lên kế hoạch đưa ra các gói kích thích có mức độ tương đương gói 600 tỷ USD được tung ra vào năm 2008.

Song trong những ngày đầu năm 2019, Trung Quốc đã tăng chi tiêu cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng với khoản đầu tư 34 tỷ USD vào và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) đã nới lỏng các quy định để khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn.

Theo một số nguồn thạo tin, Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống thấp hơn, từ 6 - 6,5% trong năm 2019 so với mức quanh khoảng 6,5% vào năm 2018.

Diễn biến này là do nhu cầu trong nước suy yếu và những tranh chấp thương mại giữa Bắc Kinh và Washinton kéo theo nhiều ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh và niềm tin người tiêu dùng tại quốc gia châu Á này.

>>> Trung Quốc dự kiến hạ mục tiêu tăng trưởng năm 2019

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục