Giao dịch tài trợ thương mại đầu tiên được thực hiện trên nền tảng blockchain

18:19' - 15/05/2018
BNEWS Ngân hàng HSBC và ngân hàng ING Bank vừa thực hiện thành công giao dịch tài trợ thương mại đầu tiên sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) cho tập đoàn Cargill.

Tuần trước, một chuyến hàng chở đậu nành đã được vận chuyển từ Argentina đến Malaysia thông qua Cargill (tập đoàn chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ về thực phẩm, nông nghiệp, tài chính và công nghiệp cho toàn thế giới) tại Geneva và Singapore.

Giao dịch được tài trợ thương mại thông qua Tín dụng thư, được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng công nghệ chuỗi khối Corda của công ty phần mềm cho doanh nghiệp R3, đánh dấu một bước phát triển mới trong cách thức mua bán hàng hóa.

Theo Vivek Ramachandran, Giám đốc Toàn cầu phụ trách Khối Phát triển và Sáng kiến, Khối Ngân hàng doanh nghiệp của HSBC: “Đây là một bước ngoặt cho các giao dịch thương mại. Hiện nay, bên mua hàng và các nhà cung cấp sử dụng Tín dụng thư và thông thường, chứng từ ghi trên giấy sẽ được gửi đi để làm cơ sở thực hiện các giao dịch. Với công nghệ chuỗi khối, sẽ không còn bước đối chiếu chứng từ bằng giấy nữa vì tất cả các bên được kết nối trên một hệ thống chung và thông tin được cập nhật liên tục và ngay lập tức. Đối với các doanh nghiệp, điều này có nghĩa rằng các giao dịch tài trợ thương mại sẽ được thực hiện đơn giản hơn, nhanh hơn, minh bạch hơn và an toàn hơn.”

Đây là một công nghệ lý tưởng cho các giao dịch thương mại, giúp hợp lý hóa quy trình đòi hỏi nhiều giấy tờ như trước đây vốn thường mất khoảng 5-10 ngày cho việc trao đổi chứng từ. Với công nghệ này, tất cả việc trao đổi thông tin chỉ diễn ra trong vòng 24 tiếng.

“Thành công của giao dịch này tạo một nền tảng vững chắc cho tương lai của hoạt động tài trợ thương mại. Năng suất hoạt động được cải thiện, an toàn hơn đáng kể khi hiện trạng hàng hóa và chứng từ được cập nhật ngay lập tức, và việc đối chiếu thanh toán tự động sẽ giúp đẩy mạnh dòng thương mại quốc tế và giữa các nước trong khu vực”, ông Ajay Sharma, Giám đốc khu vực Khối Dịch vụ Thanh khoản và Quản lý tiền tệ, Khu vực châu Á Thái Bình Dương, HSBC cho hay.

“Ở vị trí trung tâm của các hoạt động giao thương, HSBC đi đầu trong việc khai thác các công nghệ mới như công nghệ chuỗi khối nhằm giúp các hoạt động giao thương trở nên dễ dàng hơn, đơn giản hơn và nhanh hơn cho khách hàng của chúng tôi”, ông Sharma nói thêm.

Ivar Wiersma, Giám đốc Sáng kiến Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp của Ngân hàng ING, cho biết: “Thật thú vị khi chứng kiến giao dịch diễn ra thành công và mang lại nhiều lợi ích rõ ràng cho khách hàng về tốc độ xử lý cũng như sự đơn giản khi thực hiện. Thêm vào đó, giao dịch thành công thể hiện sức mạnh của sự hợp tác. Hợp tác với các bên liên quan trong các hệ thống sinh thái như các nhà điều hành chính sách, bến cảng, hải quan và các nhà cung cấp hậu cần như các hãng vận tải. Và đặc biệt là sự hợp tác giữa các ngân hàng với nhau.”

Giao dịch thành công thể hiện công nghệ chuỗi khối là một giải pháp khả thi có tính ứng dụng và thương mại cao giúp số hóa các giao dịch thương mại. Đến thời điểm này, các ngân hàng, bên mua và các nhà cung cấp đã và đang thử nghiệm với công nghệ chuỗi khối, kiểm chứng các ý tưởng và thực hiện các giao dịch thí điểm nội bộ.

Tuy nhiên, giao dịch Tín dụng thư này là một giao dịch thương mại thực giữa bên mua và bên bán và các đối tác ngân hàng của họ, được hoàn tất từ đầu đến cuối trên một nền tảng ứng dụng công nghệ số chia sẻ duy nhất.

Hơn nữa, nền tảng công nghệ chuỗi khối được sử dụng trong giao dịch được hỗ trợ bởi 12 ngân hàng, là các ngân hàng đang làm việc với R3 và các đối tác của họ để tiếp tục phát triển và phổ biến nền tảng công nghệ này ra thị trường một cách rộng rãi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục