Gian nan chống lậu giữa dòng sông chung

12:10' - 29/01/2020
BNEWS Dòng sông chung, một bên bờ là đất Việt, bên còn lại là Campuchia. Nhiều ghe hàng đậu san sát, chùm kín bạt bên phía đất bạn không khỏi làm chúng tôi tò mò.

Các cán bộ hải quan tuần tra trên dòng sông chung. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Vù vù...vù vù! Tiếng gió ào bên tai rồi liên tục táp thẳng vào mặt. Thoáng phút chốc tôi thấy tai mình như ù đi và không thể thở nổi. Mặt nước tĩnh lặng bị xé toang khiến tôi gần như "đứng tim", chỉ sau một cái gật đầu "biết bơi". 

 

Đó có lẽ là những khoảnh khắc không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo khi lần đầu tiên tôi được đi kiểm soát cùng các cán bộ Hải quan An Giang trên dòng sông chung Việt Nam - Campuchia.

Căng mình chống lậu

An Giang có đường biên giới dài gần 100 km, tiếp giáp với 2 tỉnh Kandal và Takeo của Campuchia, với địa hình đồng ruộng bằng phẳng cùng nhiều sông, kênh rạch, đường mòn, lối mở thông rất thuận tiện cho việc qua lại biên giới cả đường bộ lẫn đường sông. Nhưng mặt khác, đây lại là đặc điểm mà nhiều đối tượng lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vào Việt Nam tiêu thụ.

Trực tiếp lái chiếc bo bo, phương tiện đường thủy chính của hải quan đưa chúng tôi đi hôm đó là Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình Trần Quốc Việt. Không khó để nhận ra khuôn mặt tôi khi ấy biến sắc thế nào khi di chuyển với vận tốc hàng chục km/h giữa mênh mông sông nước, anh Việt giảm dần tốc độ và chúng tôi bắt đầu quan sát.

Dòng sông chung, một bên bờ là đất Việt, bên còn lại là Campuchia. Nhiều ghe hàng đậu san sát, chùm kín bạt bên phía đất bạn không khỏi làm chúng tôi tò mò. "Đường lậu đấy!" - Anh Việt ngay lập tức lên tiếng.

Lợi dụng dòng sông chung, nhiều đối tượng đã giở các thủ đoạn tinh vi để đưa đường lậu qua biên giới. Chúng mang các bao bì đường in nhãn mác Việt Nam sang Campuchia rồi san đường cát Thái Lan vào và may lại bao ngay tại chỗ. Để vận chuyển đường lậu, chúng sử dụng ghe hay xuồng máy công suất lớn chạy với tốc độ cao, mỗi lần đưa từ 5-30kg đường sang bờ bên này để tập kết lên kho và hợp thức hóa bằng các hóa đơn chứng từ hàng nội địa Việt Nam.

Anh Trần Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình trong một buổi làm việc. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

"Ban ngày đi tuần tra để nắm tình hình, chứ ban đêm mới là cao điểm. Các đối tượng buôn lậu thường nhằm lúc 1-2h sáng để vận chuyển hàng. Dù địa bàn hoạt động của Hải quan Khánh Bình chỉ có 2km thuộc địa phận 2 xã Khánh An và Khánh Bình (thị trấn Long Bình) nhưng đây là dòng sông chung nên việc kiểm soát và bắt giữ tương đối phức tạp", anh Việt nói.

Vào mùa nước lên, mực nước trên các cánh đồng biên giới An Giang lên cao từ 3-3,5m, dâng cao so với mùa khô khoảng từ 2,5-3m càng tạo điều kiện cho các đối tượng đầu nậu, đối tượng vận chuyển thuê dễ dàng vượt qua biên giới bất cứ nơi nào từ Campuchia sang Việt Nam và ngược lại,... để buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa.

Chạy bo bo liên tục 4-5 tiếng giữa đêm khuya, chốt chặn nhiều ngả đã là công việc thường ngày của các cán bộ hải quan nơi đây. Thậm chí, có những ngày công việc bắt đầu từ 7h tối và kéo dài đến tận sáng tinh mơ hôm sau.

Anh Việt kể: "Có không ít lần dù đi không tiếng động nhưng chỉ vừa bước chân xuống bo bo, từ bên bờ đối diện, các đối tượng đã rọi đèn vào cán bộ của ta và báo cáo cho các đối tượng vận chuyển tẩu tán hàng lậu và xóa sạch dấu vết nên việc bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí nếu có bắt được thì cũng chỉ thu được tang vật vì các đối tượng thường bỏ lại hàng lậu, chạy thoát thân, dẫn đến hàng bị bắt giữ thành vô chủ, không bắt được đối tượng vận chuyển, đối tượng chủ mưu".

Sẵn sàng san sẻ

Đi cùng chúng tôi hôm đó còn có anh Trần Việt Chung, một cán bộ vừa chuyển công tác từ Hà Nội vào An Giang vỏn vẹn 20 ngày. Tuy thời gian thực địa chưa được nhiều nhưng từ một "cán bộ bàn giấy" ra làm thực tế, anh Chung cũng có những cảm nhận riêng: "Công việc tại Chi cục tiếp xúc trực tiếp với nhiều doanh nghiệp, quá trình xử lý đòi hỏi nhiều kỹ năng, nghiệp vụ mới... do đó tôi phải nghiên cứu lại kỹ tất cả các tài liệu, quy định của ngành. Nhưng điều đó không làm khó tôi bởi anh em trong Chi cục rất đoàn kết và chân thành, luôn chia sẻ, hỗ trợ nhau trong mọi việc".

Là một người mới, anh Chung hiện được lãnh đạo Chi cục phân công hỗ trợ các đội nghiệp vụ và đã rất nhanh chóng bắt nhịp cùng đồng đội, xung phong trực giám sát liên tục nhiều ngày khi có lô hàng cần xử lý.

"Anh em trong chi cục vất vả lắm, vì thiếu người nên trực không kể ngày đêm. Theo quy định mỗi tuần có 2 ngày nghỉ nhưng thực tế thì cứ thay phiên nhau về, có khi 1 tháng chỉ về nhà 2-3 ngày chứ không có ngày thứ 7, chủ nhật. Vì vậy, tôi cũng tham gia cùng anh em, đỡ được nhau lúc nào hay lúc ý", anh Chung tâm sự.

Anh Trần Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình tác nghiệp, tuần tra trên sông. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Còn đối với anh Việt, đã hơn 34 năm phụ trách công tác chống lậu, chưa có năm nào anh được trọn vẹn những ngày nghỉ lễ, Tết cùng gia đình. Nhưng với anh, đó là trách nhiệm với công việc, là tình cảm, sự san sẻ cùng đồng nghiệp.

Mỗi tháng, anh về nhà chỉ vài bữa. Cuối tuần hay ngày lễ, nhất là Tết, anh thường trực trước hoặc trực thêm cho anh em ở xa về quê ăn Tết. "Nhà gần, cách chi cục chưa tới 20km nên mình cứ tới lui để hỗ trợ, giúp được anh em cái gì thì mình giúp chứ không cảm thấy thiệt thòi gì đâu", anh Việt cười xòa.

Cận Tết là thời điểm các đầu nậu chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tăng cao dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Cường độ làm việc vốn đã rất căng thẳng, nay càng trở nên khẩn trương hơn. Nhưng lực lượng mỏng lại kiêm nhiệm nhiều công việc nên những cán bộ hải quan luôn phải căng mình để hoàn thành nhiệm vụ. Có đi thực tế cùng các anh, chúng tôi mới có thể cảm nhận được "sức nóng" của công việc chống buôn lậu những ngày giáp Tết và cả "sức nóng" của tình cảm chân thành giữa những người đồng chí, đồng nghiệp, những người anh em nơi biên giới Tây Nam của Tổ quốc./.

>> Chống buôn lậu thuốc lá: Vướng do đâu?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục