Giám sát lượng phát thải khí thải nhà kính trong lĩnh vực đường sắt đô thị

17:37' - 05/11/2019
BNEWS Khi số lượng người tham gia giao thông chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang hệ thống đường sắt đô thị, không khí và chất lượng sống đô thị sẽ được cải thiện.
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dự kiến khai thác 13 đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Ngày 5/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các bên liên quan về kết quả đánh giá giữa kỳ của “Khảo sát thu thập dữ liệu để phát triển Hệ thống đo lường, báo cáo và kiểm chứng (MRV) trong ngành Đường sắt đô thị ở Việt Nam”.

Chương trình được thực hiện với sự phối hợp của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 2/2019 đến tháng 9/2020. Đối tượng khảo sát là tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2 tại Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị số 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là các tuyến đường sắt đô thị sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Theo JICA, khảo sát được thiết kế nhằm ước tính lượng phát thải khí nhà kính có thể giảm được tại ba tuyến đường sắt đô thị, từ đó cung cấp cơ sở khoa học để thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông có mức phát thải thấp bao gồm đường sắt đô thị ở các khu vực đô thị như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Mai Tuấn Anh, Trưởng Phòng Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, cuộc khảo sát sẽ cung cấp dữ liệu tin cậy và phương pháp luận khoa học để Thành phố Hồ Chí Minh có thể giám sát hoạt động của các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai.

Dữ liệu kiểm kê khí nhà kính năm 2013 của Thành phố Hồ Chí Minh do JICA hỗ trợ Thành phố xây dựng cho thấy, lượng phát thải của Thành phố chiếm tới 16% tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia, trong khi dân số của Thành phố chỉ chiếm 9% tổng dân số toàn quốc.

Trong đó, chỉ riêng lĩnh vực giao thông vận tải có lượng phát thải chiếm 45% tổng lượng phát thải của Thành phố.

Kết quả phỏng vấn các hộ dân tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do khảo sát này tiến hành, phần lớn những người được hỏi (81% đang sống dọc theo Tuyến số 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh và 66% đang sống dọc theo Tuyến số 1 ở Hà Nội) cho biết, họ sẵn sàng sử dụng hệ thống giao thông đường sắt đô thị trong tương lai.

Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Đại diện của Văn phòng JICA Việt Nam nhận định: Khi số lượng người tham gia giao thông chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang hệ thống đường sắt đô thị, không khí và chất lượng sống đô thị sẽ được cải thiện.

Chúng tôi hy vọng rằng, cuộc khảo sát sẽ nâng cao nhận thức của người dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về vai trò của các dự án đường sắt đô thị không chỉ trong việc cải thiện giao thông nội đô mà còn góp phần vào các nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Theo Giáo sư Atsushi Fukuda (Đại học Nihon), một chuyên gia nổi tiếng về phát triển và đánh giá tác động môi trường của hệ thống đường sắt đô thị, đồng thời là cố vấn của cuộc khảo sát, các tuyến đường sắt đô thị sẽ trở thành một phần quan trọng trong mạng lưới giao thông công cộng nhằm cải thiện giao thông đô thị, kết nối các siêu đô thị như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với các khu vực lân cận.

Đường sắt đô thị được coi là giải pháp phương tiện giao thông phát thải thấp với lượng khí thải CO2 thấp hơn so với xe máy hoặc ô tô.

Trong tương lai khi các hệ thống đường sắt đô thị được phát triển để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách đang tăng lên nhanh chóng, các khu vực đô thị như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính mà chính phủ đã cam kết trong Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) được trình lên Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu năm 2015.

Phát triển hệ thống đường sắt đô thị không chỉ là lựa chọn tiềm năng để giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà còn là một giải pháp hiệu quả cho vấn đề tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các nước châu Á khi ùn tắc giao thông ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân và mức độ ô nhiễm không khí ngày càng tăng với tốc độ đáng báo động như hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục