Giảm gánh nặng khổng lồ về môi trường

13:58' - 17/06/2017
BNEWS Trên bước đường phát triển, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng phải đối mặt với vấn đề rác thải và những hệ lụy đi kèm liên quan tới sức khỏe con người, môi trường...

Nhằm mục đích nhấn mạnh những lợi ích mà việc sống hài hòa với thiên nhiên nhiên đem lại cho sức khỏe của con người cả về thể chất lẫn tâm hồn, Liên hợp quốc (LHQ) vừa đưa ra thông điệp nêu bật những lợi ích của cách sống hài hòa với thiên nhiên đối với an ninh lương thực, nguồn cung cấp nước, sự ổn định khí hậu và sức khỏe của con người.

Trong thông điệp qua video nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6, Tổng Thư ký LHQ António Guterres viện dẫn đất đai, đại dương, rừng và không khí để nhấn mạnh rằng tất cả mọi người đều phải tham gia "bảo vệ chính ngôi nhà của mình", trong đó có giảm sử dụng nhựa, lái xe ít hơn, hạn chế lãng phí thức ăn và "hướng dẫn cho nhau cách chăm sóc" môi trường.

Nguy cơ hiện hữu

Rác liên quan trực tiếp tới sự phát triển của con người, phát sinh từ các hộ gia đình, khu công cộng, khu thương mại, khu xây dựng, bệnh viện, khu xử lý chất thải…

Các chuyên gia cảnh báo nếu các nước không có giải pháp xử lý hiệu quả thì đến năm 2050, lượng rác thải nhựa sẽ lớn hơn lượng cá trên các đại dương khi số liệu thống kê cho thấy số lượng rác thải nhựa đổ vào các đại dương trên thế giới lên tới hàng triệu tấn mỗi năm. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lượng chất thải rắn trên thế giới sẽ vượt mức 11 triệu tấn/ngày vào năm 2100.

WB nhận định khối lượng rác thải ngày càng lớn của cư dân đô thị đang là một thách thức lớn không kém gì tình trạng biến đổi khí hậu, và chi phí xử lý rác thải sẽ là gánh nặng đối với các quốc gia nghèo, nhất là ở châu Phi. Trước đây, WB từng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng rác thải đang ngày càng nghiêm trọng và tạo gánh nặng khổng lồ về tài chính cũng như môi trường cho chính phủ các nước.

Khối lượng rác thải ngày càng lớn của cư dân đô thị đang là một thách thức lớn không kém gì tình trạng biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: AFP

Còn theo báo The Economist, các nước vẫn chưa nhận thức đầy đủ về mối nguy từ rác thải đối với sức khỏe con người và môi trường. Các chuyên gia WB ước tính đến năm 2025, tổng khối lượng rác cư dân thành thị thải ra sẽ tăng 70% so với năm 2010, trong khi chi phí xử lý rác thải rắn dự kiến lên tới 375 tỷ USD/năm.

Theo WB, những số liệu trên là hồi chuông cảnh tỉnh về một cuộc khủng hoảng rác thải trong tương lai, trong bối cảnh chất lượng cuộc sống đô thị đang ngày một được cải thiện và tình trạng bùng nổ dân số gia tăng. WB kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đưa ra các kế hoạch xử lý và tái chế rác thải nhằm hạn chế các khí thải gây hiệu ứng nhà kính dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường xử lý chất thải rắn, nhất là ở các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh và các quốc gia thu nhập thấp.

Trong bối cảnh trên, các tập đoàn hàng đầu thế giới là Coca-Cola và tập đoàn General Electric (GE) mới đây cam kết giảm lượng khí thải có cácbon ở các mức tương ứng 25% và 20% vào năm 2020. Trong khi đó, Apple sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo trong các hoạt động tại Mỹ. Tập đoàn kinh doanh về nông nghiệp Monsanto thì cho biết đã cam kết hỗ trợ người nông dân thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Thậm chí, các tập đoàn năng lượng lớn có thể chịu những thiệt hại lớn nhất nếu các quy định về môi trường bị thắt chặt hơn cũng đang tham gia xu hướng cắt giảm khí thải để thực hiện mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp mà Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris đề ra.

Lợi ích nhiều mặt

Đối mặt với cảnh báo về cuộc khủng hoảng rác thải toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng với những gánh nặng khổng lồ về môi trường cũng như tài chính cho các nước, các quốc gia trên thế giới đã có những biện pháp quản lý và xử lý rác thải phù hợp với điều kiện riêng.

Các nước trong thời gian qua đã nghiên cứu những giải pháp để khiến rác trở nên hữu ích. Tại các nước trong khu vực châu Á, do rác thải được phân loại từ đầu nguồn nên công nghệ xử lý rác thải cũng rất khác nhau.

Singapore là một quốc gia điển hình về thành công trong quản lý chất thải. Singapore đã dùng cách thiêu rác, nhờ đó giảm được lượng rác đổ vào các bãi chôn và cùng lúc có thể tạo ra điện năng để sử dụng.

Hiện tại, bốn nhà máy điện từ rác thải của Singapore đáp ứng một phần nhu cầu điện năng của cả nước. Cơ quan môi trường quốc gia Singapore cho biết nước này đang có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ năm biến rác thải thành điện, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.

Trong khi đó, Thụy Điển đã vươn lên dẫn đầu thế giới về tái chế, tái sử dụng rác thải với tỷ lệ cao và hiện được coi là quốc gia tiên phong trong việc biến đổi rác thành năng lượng .

Thụy Điển đang tăng cường nhập khẩu rác để sử dụng như nguồn nguyên liệu cung cấp điện và nhiệt sưởi ấm cho hàng trăm ngh ìn hộ gia đình tại nước này. Biện pháp tái chế rác hàng đầu tại Thụy Điển là đốt để sản xuất nhiệt điện và cấp nhiệt cho hệ thống sưởi ấm .

Và khi không còn đủ rác để xử lý nhằm mục đích sưởi ấm, Thụy Điển đã thương lượng để nhập khẩu rác từ các nước khác. Hàng năm, hơn 30 l ò đốt đặt trên lãnh thổ Thụy Điển xử lý tới hàng triệu tấn rác, chất thải, trong đó khoảng 20% nhập khẩu từ Na Uy, Vương quốc Anh hoặc Italy.

Còn tại Nhật Bản, vấn đề xử lý rác thải và đảm bảo an ninh rác được thực hiện rất hiệu quả nhờ thực hiện thành công hệ thống phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại. Hệ thống phân loại rác của Nhật Bản tương đối phức tạp và mỗi thành phố, thị trấn và quận đều có một hệ thống hoàn toàn khác nhau.

Các khu phố ở Tokyo có hệ thống phân loại rác riêng, theo đó tất cả rác có thể đốt cháy được yêu cầu đựng vào túi đỏ, rác không thể đốt cháy đựng trong túi màu xanh dương trong khi giấy, nhựa, chai, nhựa mềm, báo, bìa, thủy tinh và pin đựng ở túi màu trắng.

Nhật Bản tái chế một phần lượng rác thải hàng năm, nhất là các chai nhựa tổng hợp polyethylene terephthalate (PET). PET là vật liệu phổ biến để sản xuất chai đựng nước uống trong các máy bán hàng tự động và cửa hàng tạp hóa trên khắp Nhật Bản.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tăng cường sử dụng nhựa từ chai PET cũ để sản xuất mới. Chai PET chưa trải qua quá trình lọc có thể được chuyển thành sợi may quần áo, túi, thảm và áo mưa.

>>> Hạn chế sử dụng túi ni lông: Giảm 1, lợi 10

>>> Pháp giúp Mexico "biến rác thành điện"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục