Giải pháp nào phát triển ngành chế biến nông, thủy sản?

12:53' - 20/09/2019
BNEWS Thực tế ngành chế biến nông, thủy sản cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là tình trạng lạc hậu của trang thiết bị chuyên dùng, vì chủ yếu là thiết bị cũ hoặc đạt cấp độ trung bình.

Đề xuất giải pháp phát triển ngành chế biến nông, thủy sản. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Thực trạng, tiềm năng, giải pháp chính sách và một số kiến nghị cần thiết để duy trì, phát triển ngành chế biến nông, thủy sản là chủ đề được thảo luận tại hội thảo “ Chính sách nâng cao chất lượng hàng nông, thủy sản và thực phẩm chế biến” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng ngày 20/9, tại Hà Nội. 

Theo bà Lê Thị Bích Thu, chuyên gia của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tốc độ tăng trưởng giá trị ngành công nghiệp chế biến nông sản thời gian qua tăng từ 5-7%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 8-10%/năm và đạt mức kỷ lục là hơn 40 tỷ USD trong năm 2018.

Hiện, cả nước có 7.500 cơ sở chế biến hàng nông sản xuất khẩu cùng hàng vạn cơ sở nhỏ lẻ, quy mô gia đình, hợp tác xã. Hoạt động chế biến nông, thủy sản nói chung đang sử dụng khoảng 1,6 triệu lao động, với thu nhập ổn định. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, bảo đảm an sinh, đời sống xã hội.

Song, thực tế cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là tình trạng lạc hậu của trang thiết bị chuyên dùng, vì chủ yếu là thiết bị cũ hoặc chỉ đạt cấp độ trung bình của khu vực. Tỷ lệ và tần suất được nâng cấp về công nghệ cũng chỉ bằng 30-50% so với yêu yầu hoặc so với mức độ của các nước khác.

Trong khi đó, hoạt động chế biến thủy sản tuy có bước tăng trưởng mạnh, có thị trường tiêu thụ rộng lớn nhưng cũng đối diện một số thách thức, bất lợi gồm: chất lượng không đồng đều, chưa bảo đảm yêu cầu an toàn thực phẩm và tiêu chí vệ sinh theo yêu cầu của nhà nhập khẩu...

Ngoài ra, tình trạng manh mún, thiếu vốn, hạn chế về trình độ quản trị doanh nghiệp và tính liên kết lỏng lẻo vẫn là những yếu tố bất cập, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành này. Nhìn chung, giá trị gia tăng của ngành chế biến còn thấp, chậm được cải thiện. Ngoài ra, Việt Nam còn là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất về biến đổi khí hậu, gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng bền vững nói chung...

Tuy nhiên, cũng có nhiều cơ hội và thuận lợi cần tập trung vận dụng như: quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng mang lại điều kiện cho phát triển thị trường, gia tăng xuất khẩu. Điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tốt, phù hợp cho phát triển nhiều loại cây, quả nhiệt đới. Tiềm năng và dư địa cho việc tiếp nhận, ứng dụng khoa học-công nghệ cho canh tác và chế biến còn nhiều; thị trường tiêu thụ rất đa dạng và có nhu cầu liên tục...

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng CIEM cho rằng, thực tế cho thấy nếu không tăng tốc mạnh mẽ tỷ lệ hàng đã qua chế biến, phục vụ xuất khẩu thì đó sẽ là thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp và nhà nông. Vấn đề đặt ra là tìm hiểu kỹ, phát hiện nguyên nhân làm ảnh hưởng đến toàn ngành, là ở chính sách hay quá trình triển khai thực hiện chính sách để tìm cách tháo gỡ...

“ Đây là bài toán chuyên sâu, cần sự vào cuộc, phân tích của các chuyên gia cũng như với từng đơn vị quản lý hoặc nghiên cứu. Trong đó, cần bám sát yêu cầu tổng kết việc thực hiện kế hoạch về tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp của Thủ tướng trong 5 năm vừa qua, đánh giá tình hình và có giải pháp thỏa đáng.”, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra một số ý kiến thiết thực như: tăng cường năng lực nghiên cứu và dự báo thị trường; đẩy mạnh tiếp thị và đa dạng hóa thị trường; phát triển và bảo vệ vùng nguyên liệu; khai thác hợp lý và có hiệu quả; tập trung đầu tư cho thiết bị/dây chuyền sản xuất tại các cơ sở chế biến mới theo hướng hiện đại; tăng cường mối liên kết giữa khai thác và chế biến... Ngoài ra, các ngành chức năng cần có nghiên cứu sâu, định hướng cụ thể, lâu dài đối với những mặt hàng có thế mạnh như lúa gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, thủy sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục