Giải ngân vốn quý đầu năm còn chậm

16:57' - 05/04/2019
BNEWS Theo Bộ Tài chính, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn quý I đạt thấp khoảng 11% dự toán (cùng kỳ 2018 đạt 8,8% dự toán).
Quang cảnh buổi họp về tình hình thực nhiệm vụ tài chính – ngân sách quý I/2019. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Kinh tế 3 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp và có dấu hiệu giảm tốc. Ở trong nước, bức tranh kinh tế Việt Nam quý 1/2019 vẫn mang màu sáng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn thách thức như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công chậm… tác động không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ thu, chi ngân sách.
Ngân sách thặng dư
Tại buổi họp báo về tình hình thực nhiệm vụ tài chính – ngân sách quý I/2019, diễn ra ngày 5/4, Bộ Tài chính cho biết tổng thu ngân sách nhà nước quý I/2019 đạt 381 nghìn tỷ đồng, bằng 27% dự toán, cao hơn cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ đạt 23% dự toán).
Trong số đó, thu nội địa đạt 315,4 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% dự toán, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2018. Không kể các khoản thu từ tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, thu hồi vốn ngân sách nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế và chênh lệch thu, chi của ngân sách nhà nước thì số thu nội địa còn lại ước đạt 240 nghìn tỷ đồng, bằng 25,4% dự toán (cùng kỳ đạt 23,7%).
Theo Bộ Tài chính, ước tính cả nước có 49/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 24%); trong đó có 39 địa phương thu đạt trên 26% dự toán; 54/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 8 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Về tổng chi ngân sách nhà nước quý I/2019 đạt hơn 315 nghìn tỷ đồng, bằng 19,3% dự toán. Bộ Tài chính cho biết, các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được đảm bảo chặt chẽ, theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội. Do nhu cầu chi quý I thấp, nên cân đối ngân sách nhà nước về tổng thể có thặng dư (thu lớn hơn chi).
Các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước và tính bền vững của ngân sách nhà nước đã đạt được kết quả khá tích cực; những khoản thu thiếu ổn định trong 3 tháng đầu năm 2019 đều giảm như thu từ dầu thô đạt 12,28 nghìn tỷ đồng, bằng 27,5% dự toán năm, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2018.
PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, cơ cấu thu ngân sách nhà nước những năm gần đây đã vững chắc hơn. Tổng thu nội địa trong tổng thu ngân sách đã tăng nhanh và đạt gần 82% vào năm 2018.
Tuy nhiên, trên thực tế cơ cấu thu ngân sách nhà nước của nhiều địa phương cho thấy không thực sự bền vững, khi thu từ khu vực sản xuất kinh doanh không đạt dự toán, chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đất đai (nguồn thu không bền vững).
Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, để khắc phục tình trạng này nên ưu tiên các mục tiêu tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển làm nền tảng tăng thu từ sản xuất, kinh doanh; thu đúng, thu đủ các nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Đồng thời, ngành tài chính đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thu theo hướng phát triển cơ sở thu mới, điều chỉnh mức thu… với lộ trình phù hợp theo trình độ phát triển và hội nhập kinh tế của nền kinh tế, theo định hướng Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết 25/2016/QH 14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Về lâu dài, để thu ngân sách nhà nước một cách bền vững, PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng cần thiết phải tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát huy tốt các lợi thế so sánh của Việt Nam; thúc đẩy các doanh nghiệp trong nền kinh tế tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu để đảm bảo tính hiệu quả của sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kết quả của tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tác động tích cực tới cơ cấu thu ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cũng thừa nhận nền tài chính quốc gia vẫn còn những thách thức tồn tại lớn như: tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá vẫn diễn ra khá nghiêm trọng đòi hỏi ngành tài chính cần siết chặt hơn nữa trong thời gian tới để đảm bảo nguồn thu ổn định và công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp để thu ngân sách bền vững hơn như: ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách miễn, giảm thuế. Hiện Bộ Tài chính đang đề xuất miễn, giảm thuế cho một số đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa; hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
PGS.TS Lê Xuân Trường nhận định những giải pháp như miễn, giảm thuế sẽ có tác động trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích lũy, tái đầu tư, đẩy mạnh phát triển, từ đó quay trở lại đóng góp cho ngân sách. Đồng thời, ngành tài chính cần mở rộng cơ sở thuế đối với những sắc thuế quan trọng, điều chỉnh thuế suất, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, hướng tới cân đối thu - chi và có thặng dư ngân sách.
Thúc đẩy giải ngân vốn
Theo Bộ Tài chính, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn quý I đạt thấp khoảng 11% dự toán (cùng kỳ 2018 đạt 8,8% dự toán). Có 4 bộ, ngành và 21 địa phương có số giải ngân đạt hơn 20%, có 27 bộ, ngành và 1 địa phương gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%), như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở việc giải ngân chậm, đặc biệt là ở một số bộ, ngành và yêu cầu các bộ, ngành cần có giải pháp quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này.
Cho biết về việc chậm giải ngân nguồn vốn trong nước, theo Bộ Tài chính, nguyên nhân do những tháng đầu năm, kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước mới được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao; các bộ, ngành trung ương và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án; các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư hoặc lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán theo quy định.
Đối với nguồn vốn nước ngoài, do kế hoạch năm 2019 mới được giao, sau đó các bộ, ngành, địa phương mới triển khai phân bổ chi tiết cho từng dự án nên kế hoạch vốn năm 2019 chỉ thực sự được giải ngân từ tháng 3/2019. Đa số các dự án vẫn tiếp tục giải ngân theo kế hoạch vốn 2018, đang hoàn thiện hồ sơ để được kiểm soát chi, rút vốn theo kế hoạch 2019...
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đã diễn ra nhiều năm nay và vẫn còn tâm lý “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Thời gian gần đây, với sự sát sao của Chính phủ, tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã được cải thiện, nhưng vẫn cần sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương ngay từ những ngày đầu năm để tránh tình trạng “có tiền mà không tiêu được”.
Để đảm bảo tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ để hoàn thành việc giao kế hoạch vốn trong tháng 3/2019 đối với số vốn còn lại chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2019 là hơn 52 nghìn tỷ đồng. Đối với số vốn còn lại, đề nghị thu hồi về ngân sách nhà nước.
Đối với nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2019 đã được giao; trong đó, phân bổ vốn đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo thanh toán tối thiểu 50% tổng số nợ xây dựng cơ bản còn lại giai đoạn 2016 - 2020, thu hồi vốn ứng trước và bố trí kế hoạch vốn để thực hiện Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định. Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi về ngân sách nhà nước số vốn 15,23 tỷ đồng thuộc kế hoạch năm 2019 của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị do bố trí thừa, không có nhu cầu sử dụng./.

>>> Phó Thủ tướng đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục