Gia tăng kỳ vọng về quan hệ liên Triều

06:30' - 13/02/2019
BNEWS Khi Mỹ và Triều Tiên ấn định ngày và địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh thứ hai, xuất hiện nhiều kỳ vọng rằng quan hệ giao lưu liên Triều có thể phát triển hơn sau thời gian tạm lắng kéo dài.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: THX/TTXVN

Mặc dù mọi thứ vẫn phụ thuộc vào kết quả hội nghị thượng đỉnh sắp tới, song ngày càng có nhiều dự đoán rằng nó có thể mở đường cho chuyến thăm như đã hứa hẹn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Seoul trong tương lai gần, chuyến thăm sẽ dẫn tới sự hòa giải sâu sắc hơn và thúc đẩy hợp tác liên Triều.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trong thông điệp liên bang rằng ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 27-28/2 tại Việt Nam. Ông Trump và ông Kim đã gặp nhau tại Singapore vào tháng 6/2018 và Triều Tiên nhất trí phi hạt nhân hóa để đổi lấy sự đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.
Tiến độ đã chậm lại do Bình Nhưỡng tìm kiếm sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt sau khi có một số động thái như phá dỡ một bãi thử hạt nhân và tên lửa tầm xa trong khi Washington yêu cầu Triều Tiên có các hành động phi hạt nhân hóa cụ thể hơn. 
Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai có thể sẽ tập trung vào các nội dung chi tiết mà Bình Nhưỡng có thể thực hiện và các hành động tương ứng mà Washington có thể đáp lại trong quá trình phi hạt nhân hóa lâu dài. Tổng thống Trump tuyên bố: "Vẫn còn nhiều việc phải làm, song mối quan hệ của tôi với Kim Jong-un là tốt đẹp".
Các cuộc trao đổi “thoải mái” giữa hai miền Triều Tiên đã bị cản trở do những mối lo ngại về tiến trình phi hạt nhân hóa chậm hơn dự kiến và lập trường kiên quyết của Mỹ trong việc duy trì các lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ tham vọng hạt nhân và tên lửa.
Thận trọng trước việc có thể vi phạm các lệnh trừng phạt đan xen đối với Bình Nhưỡng, Seoul miễn cưỡng tiến hành hợp tác liên Triều cho dù các nhà lãnh đạo hai miền đã cam kết tăng cường hợp tác trong ba hội nghị thượng đỉnh năm ngoái.
Dự án kết nối đường sắt và đường bộ qua biên giới có thể là ví dụ điển hình khi nó đã ở trong tình trạng bế tắc, chỉ có một lễ khởi công mang tính biểu tượng được tổ chức vào cuối năm ngoái và không có hạng mục thực tế nào được triển khai. 
Không có bước tiến nào được thực hiện trong việc nối lại hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong và tour du lịch tới núi Kumgang – hai chương trình hợp tác liên Triều lớn đã bị đình chỉ trong nhiều năm. 
Trong hội nghị thượng đỉnh tháng Chín năm ngoái, các nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên đã cam kết "nối lại" hai chương trình này. Trong bài phát biểu vào ngày đầu Năm Mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã yêu cầu nối lại hai chương trình này mà "không có điều kiện tiên quyết" nào. 
Những yêu cầu của các doanh nhân Hàn Quốc ở Kaesong, nơi họ từng vận hành các nhà máy, đã liên tục bị từ chối do Seoul lo ngại rằng sự chấp thuận của họ có thể được xem là dấu hiệu thể hiện Seoul có thể thúc đẩy việc nối lại hai chương trình bất chấp các lệnh trừng phạt vẫn đang được thực thi. 
Hoạt động của khu công nghiệp Kaesong đã dừng lại vào tháng 2/2016 sau khi Triều Tiên thực hiện các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Chương trình du lịch tới núi Kumgang đã bị đình chỉ vào năm 2008 sau khi một du khách Hàn Quốc bị một người bảo vệ Triều Tiên sát hại. 
Những lo lắng liên quan đến lệnh trừng phạt đã tràn sang cả những gì dường như là sự trợ giúp thuần túy cho người dân Triều Tiên nghèo khó. Việc Hàn Quốc cung cấp thuốc kháng vi-rút cúm cho Triều Tiên đã không được thực hiện trong nhiều tháng và kế hoạch hỗ trợ nhân đạo trị giá 8 triệu USD cho nước láng giềng phía Bắc đã bị trì hoãn hơn một năm.
Kim Yong-hyun, Giáo sư trường Đại học Dongguk ở Seoul, bày tỏ hy vọng rằng hai dự án hợp tác liên Triều lớn bị đình chỉ này có thể được Washington coi là ngoại lệ. Có thể không có nhiều sự nới lỏng các lệnh trừng phạt như những gì Triều Tiên yêu cầu, song có khả năng Washington miễn trừ trừng phạt đối với khu công nghiệp chung Kaesong và chương trình du lịch núi Kumgang. 
Hội nghị thượng đỉnh thứ hai thành công giữa hai nhà lãnh đạo Trump - Kim có thể mở đường cho chuyến đi của ông Kim Jong-un đến Seoul. Ông Kim đã hứa đến thăm Seoul vào một ngày không xa để đáp lại chuyến đi của Tổng thống Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng hồi tháng Chín năm ngoái.
Có nhiều người suy đoán ông Kim Jong-un đến thăm thủ đô của Hàn Quốc trước cuối năm 2018, nhưng chuyến đi đã không diễn ra. Thay vào đó, ông Kim Jong-un đã gửi thư tay vào cuối tháng 12 cho Tổng thống Moon Jae-in, trong đó ông bày tỏ sự thất vọng vì đã không thực hiện chuyến đi tới Seoul như đã hứa vào cuối năm ngoái, song nhấn mạnh sự quyết tâm thực hiện lời hứa đồng thời theo dõi chặt chẽ các sự việc liên quan.
Về phần mình, ông Moon Jae-in cho rằng chuyến thăm của ông Kim Jong-un đến Seoul sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ liên Triều và đây sẽ là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Hàn Quốc.
Tuy nhiên, một số người vẫn thận trọng, chống lại việc vẽ một bức tranh màu hồng. Họ cho rằng các lệnh trừng phạt khó có thể được dỡ bỏ sớm vì Washington vẫn kiên quyết chống lại điều này và không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng thực hiện các bước phi hạt nhân hóa chủ động hơn. 
Woo Jung- yeop, một nhà nghiên cứu tại Viện Sejong, một tổ chức tư vấn tư nhân, nhận định: "Điều quan trọng ở đây là liệu Mỹ có thể hiện sự linh hoạt trong các lệnh trừng phạt hay không. Có vẻ như Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận tuyên bố kết thúc chiến tranh nhưng vẫn nghi ngờ liệu Triều Tiên có thực hiện các bước đi thỏa mãn những gì Mỹ muốn hay không". 
Theo ông Woo, nếu Mỹ không thể hiện sự linh hoạt trong các lệnh trừng phạt, thì đây sẽ là điềm xấu cho quan hệ liên Triều và cuối cùng khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khó quyết định tới thăm Hàn Quốc, một "quân bài quý giá" mà ông Kim muốn sử dụng vào thời điểm tốt hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục