Gia tăng doanh nghiệp châu Âu buộc phải chuyển giao công nghệ ở Trung Quốc

11:29' - 21/05/2019
BNEWS 20% số doanh nghiệp châu Âu bị buộc phải chuyển giao công nghệ để có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc, tăng so với mức 10% của hai năm trước.

Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc ngày 20/5 cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp châu Âu bị buộc phải chuyển giao công nghệ tại Trung Quốc đang gia tăng và nhận định triển vọng môi trường pháp lý của Trung Quốc không mấy sáng sủa.
Kết quả cuộc khảo sát thường niên của cơ quan trên cho thấy, 20% số thành viên bị buộc phải chuyển giao công nghệ để có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc, tăng so với mức 10% của hai năm trước. Gần 1/4 số doanh nghiệp này nói rằng đây là thực tế đang diễn ra, trong khi 39% cho biết đã phải chuyển giao công nghệ chưa đầy hai năm trước.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, Charlotte Roule, cho rằng tình trạng buộc chuyển giao công nghệ không chỉ diễn ra dai dẳng mà với tỷ lệ gấp đôi hai năm trước. Theo bà, có thể có một số nguyên nhân, nhưng đó là điều không thể chấp nhận ở một thị trường như Trung Quốc.

Bà cho biết, trong một số ngành vượt trội, tỷ lệ các doanh nghiệp phải chuyển giao công nghệ cao hơn, như 30% trong ngành hóa dầu, 28% trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị y tế và 27% trong ngành dược phẩm.
Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cũng cho biết các thành viên đánh giá thiếu tích cực về triển vọng môi trường pháp lý của Trung Quốc, với 72% nói rằng các trở ngại sẽ gia tăng hoặc không thay đổi trong 5 năm tới.
Các đối tác thương mại của Trung Quốc lâu nay lên tiếng về việc các doanh nghiệp của họ thường bị buộc phải chuyển giao công nghệ tiên tiến để đổi lại được tiếp cận nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Yêu cầu của Mỹ đối với Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề này là trung tâm trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nước.
EU đang ngày càng nản lòng trước tốc độ mở cửa chậm của Trung Quốc, thậm chí sau nhiều năm cho phép nước này tiếp cận gần như không giới hạn đối với các thị trường EU về thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, các quan chức châu Âu nói rằng họ không ủng hộ việc sử dụng thuế như một giải pháp.

>>> Doanh nghiệp châu Âu chịu tác động thế nào từ căng thẳng Mỹ-Trung?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục