Gia tăng "chảy máu chất xám" trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Canada

06:30' - 17/05/2018
BNEWS Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy những sinh viên ưu tú nhất tốt nghiệp chuyên ngành tin học, công nghệ thông tin của Canada đang rời bỏ đất nước với số lượng đáng báo động.
Gia tăng "chảy máu chất xám" trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Canada. Ảnh: Reuters

Nghiên cứu trên được công ty công nghệ Delvinia Interactive Inc - có trụ sở tại thành phố Toronto, bang Ontario (Canada) - thực hiện và tài trợ một phần.

Công ty này đã tiến hành khảo sát đối với 3.162 sinh viên tốt nghiệp từ năm 2015-2016 trong 22 chuyên ngành thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) tại 3 trường đại học hàng đầu của Canada là Đại học Waterloo, Đại học British Columbia và Đại học Toronto dựa trên hồ sơ LinkedIn và thông qua các phỏng vấn có lựa chọn.

Theo báo cáo nghiên cứu, Zachary Spicer - một cộng sự cấp cao của Phòng thí nghiệm chính sách đổi mới toàn cầu thuộc Viện nghiên cứu Munk của Đại học Toronto - phát hiện 1/4 sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học gần đây của 3 trường đại học trên đang làm việc ngoài đất nước Canada

Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là những sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư tin học và khoa học máy tính (khoảng 30%), ngành khoa học kỹ thuật (27%) và kỹ sư phần mềm.

Mặt khác, 2/3 số sinh viên làm việc ở Mỹ và gần 44% số sinh viên được tuyển dụng đã tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư phần mềm. Các tập đoàn công nghệ, phần mềm lớn như Microsoft, Google, Facebook và Amazon được cho là các nhà tuyển dụng hàng đầu số lao động này.

Ngoài ra, một cuộc khảo sát riêng biệt năm 2017 do các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành lập trình viên của trường Đại học Waterloo tiến hành cũng cho thấy 60% sinh viên tốt nghiệp ngành này đã tìm đến Mỹ làm việc. 

Phát biểu với báo giới, Joey Loi - một trong những người chỉ đạo cuộc khảo sát năm 2017 và cũng là người đã chuyển đến San Francisco (Mỹ) để làm việc cho hãng Dropbox - nói: “Những sinh viên tốt nghiệp các ngành trên dễ dàng tìm được một công việc ở bang CaliforniaNew York với mức lương cao".

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra các nguyên nhân của tình trạng “chảy máu chất xám” trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Canada. Nguyên nhân chính là vấn đề tiền lương.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, các công nhân công nghệ làm việc cho các công ty phần mềm ở San Francisco, thung lũng Silicon và Seattle có thể kiếm trung bình gần gấp đôi mức 73.000 USD/năm so với các đồng nghiệp của họ làm việc ở thành phố Toronto. Vì vậy, các sinh viên Canada mới tốt nghiệp đang muốn tìm đến các công ty ở Mỹ để nhận được mức lương cao hơn. 

Nguyên nhân khác là do thiếu các công ty công nghệ “quy mô lớn” và nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Canada. Điều đó cảnh báo sự tụt hậu trong lĩnh vực này so với các nước phát triển khác. 

Cuộc khảo sát cho thấy các sinh viên thường tìm kiếm những "gã khổng lồ", danh tiếng đã được thế giới khẳng định trên lĩnh vực công nghệ thông tin để đặt niềm tin, công việc của mình nhằm nhận được sự giúp đỡ và có môi trường làm việc tốt hơn, thực hiện những dự án trên phạm vi rộng hơn so với ở trong nước. 

Ngoài ra, việc không ai quan tâm, tìm hiểu những lý do thực sự tại sao các sinh viên ưu tú trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Canada rời bỏ đất nước khi họ tốt nghiệp cũng được cho là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” trên. 

Adam Froman - Giám đốc điều hành (CEO) công ty Delvinia - cho biết ông quyết định tài trợ cho nghiên cứu này sau khi nghe các CEO của một số công ty công nghệ cao thuộc Canada trình bày về việc không ai quan tâm đến lý do tại sao các sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ sư tin học của Canada “không cân nhắc làm việc tại các công ty trong nước mà chỉ muốn đến California hay thung lũng Silicon…, mặc dù tất cả những sinh viên này đều có rất nhiều cơ hội việc làm ở Canada”.

Có thể thấy cái giá phải trả cho tình trạng “chảy máu chất xám” này là chính quyền các bang đã chi hàng tỷ đôla Canada (CAD) để trợ cấp giáo dục đại học, trong khi những sinh viên ưu tú nhất sau khi tốt nghiệp lại đi làm việc cho các công ty nước ngoài và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của những nước đó. 

Vì thế, dựa trên các nghiên cứu về tình trạng "chảy máu chất xám" trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Canada, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị cho chính phủ để khắc phục tình trạng này. Ông Froman kêu gọi các công ty của Canada, chính quyền các tỉnh bang và các trường đại học cùng hợp tác để phát triển một chiến lược gọi là “giữ chân tài năng quốc gia”. 

Đồng thời, ông cũng đưa ra khuyến nghị kêu gọi các công ty công nghệ Canada tăng mức lương cho người lao động và cần mở rộng chiến lược phát triển của công ty, thu hút nhân tài, trở thành các nhà tuyển dụng tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở các trường đại học của Canada.

Trong khi đó, ông Spicer kiến nghị các nhà hoạch định chính sách Canada nên xem xét tình trạng “chảy máu chất xám” như một sự cảnh báo. Ông cũng cho biết nghiên cứu trên là nỗ lực học thuật đầu tiên để vạch ra tình trạng “chảy máu chất xám” trong lĩnh vực công nghệ ở Canada

Ông nói: “Khi chúng tôi thấy một số lĩnh vực có tới 65% số sinh viên tốt nghiệp rời bỏ Canada tới Mỹ, tôi nghĩ có những lo ngại rằng các công ty trong nước của chúng tôi sẽ không thể tiếp cận, thu hút được một số tài năng đó”.

Đồng quan điểm với ông Spicer, Sheldon Levy -  cựu Thứ trưởng Bộ Phát triển Kỹ năng và Giáo dục tiên tiến của tỉnh Ontario và là cựu Hiệu trưởng Đại học Ryerson - cho biết “nếu 2/3 số người tốt nhất của chúng tôi rời đi vì họ không thấy những cơ hội tương đương để phát triển sự nghiệp ở Canada… thì chúng tôi đang có một số vấn đề”.

Ngoài ra, nghiên cứu trên còn kêu gọi Chính phủ Canada giúp đỡ sinh viên hoàn trả khoản vay học tập của họ và giúp các công ty nhỏ hơn của Canada chi trả tiền lương thực tập, đồng thời yêu cầu các trường đại học ưu tiên sắp xếp việc làm cho các nhà tuyển dụng của Canada mà họ có chương trình thực tập trả lương cho sinh viên.

Thực tế, Canada đang rất thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vì vậy, việc “chảy máu chất xám” trong lĩnh vực này sẽ trở thành vấn đề nóng, được Chính phủ Canada rất quan tâm hiện nay. 

Với những kết quả của cuộc nghiên cứu trên, nhiều khả năng trong thời gian tới, Chính phủ Canada sẽ có những giải pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng này nhằm giữ lại những tài năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin của họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục