Giá lợn hơi giảm mạnh, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt giá cao

11:14' - 15/01/2017
BNEWS Mặc dù giá lợn hơi xuất bán tại chuồng ở Đồng Nai đang giảm xuống mức kỷ lục, nhưng trên thị trường bán lẻ, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao.
Giá lợn hơi giảm mạnh, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt giá cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Thời gian gần đây, mặc dù giá lợn hơi xuất bán tại chuồng ở Đồng Nai đang giảm xuống mức kỷ lục trong 10 năm trở lại đây, người chăn nuôi khi bán phải chịu lỗ trên một triệu đồng/con lợn. Tuy nhiên, trên thị trường bán lẻ, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại một số khu chợ trên địa bàn thành phố Biên Hòa, Đồng Nai cho thấy, giá bán lẻ thịt lợn ở đây vẫn giữ ở mức ổn định, không có sự điều chỉnh dù thịt lợn hơi đang giảm xuống thấp kỷ lục.

Giá bán lẻ thịt lợn chủ yếu dao động trong khoảng 70.000 – 120.000 đồng/kg tùy từng loại thịt trong khi giá lợn hơi tại trại có ngày người chăn nuôi phải bán với mức giá 21.000 đồng/kg.

Bà Phan Thị Thanh Trúc (56 tuổi, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa) cho biết, bà vừa mua nửa kg thịt lợn nạc vai với giá 95.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá ngang bằng so với thời kỳ thịt lợn hơi đang ổn định 45.000 đồng/kg. Mặc dù đã nghe thông tin giá lợn hơi giảm mạnh, nhưng vẫn không thấy giá bán lẻ trên thị trường có sự thay đổi.

Bà Đinh Thị Toán, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Biên Hòa cho biết, thông tin giá lợn giảm mạnh đã nghe từ lâu, tuy nhiên tham khảo giá bán lẻ thịt lợn của các hộ kinh doanh khác trên thị trường vẫn giữ nguyên, thêm vào đó giá mua lợn tại các lò mổ cũng không có thay đổi nhiều. Vì vậy bà vẫn bán thịt lợn ra thị trường với mức giá như trước đây và không có sự điều chỉnh giá.

Ông Vy Hướng Mạnh, hộ chăn nuôi lợn ở xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, Đồng Nai băn khoăn, trong khi các hộ chăn nuôi đang phải bán lợn với giá thấp thê thảm, chịu lỗ hơn một triệu đồng/con lợn bán tại trại. Nhưng khi thịt lợn được bán ra ngoài thị trường lại vẫn giữ ở mức giá ổn định, có chăng chỉ giảm đi chút ít nhưng vẫn không đáng kể so với giá bán lợn của những người chăn nuôi.

Như vậy là không công bằng với các hộ chăn nuôi, không sòng phẳng với người tiêu dùng, chưa kể tình trạng này đã góp phần gây khó khăn cho việc tiêu thụ thịt lợn mà những người chăn nuôi phải lãnh chịu hậu quả, ông Mạnh phân trần.

Theo ông Phan Văn Dân, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính tổng hợp, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, sở dĩ hiện nay trên thị trường có tình trạng trên là do nguyên tắc của giá cả trên thị trường cần phải có độ trễ và thời gian để điều chỉnh từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ chứ nó không thể điều chỉnh xuống ngay lập tức được. Vì thế mới tồn tại thực trạng giá cả đầu mua và đầu bán có sự chênh lệch, mất cân đối như hiện nay.

Đồng Nai được xem là thủ phủ nuôi lợn của cả nước với tổng đàn lên đến 1,8 triệu con. Hàng ngày, có khoảng 6.000 con lợn từ các trại chăn nuôi của Đồng Nai xuất bán ra thị trường, trong đó 60% đưa về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ và 40% xuất bán đi Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Nay Trung Quốc ngừng thu mua đồng nghĩa với việc 40% số lợn sẽ được đổ dồn về thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, gây ra tình trạng cung vượt cầu.

Để cân đối cung cầu, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khuyến cáo người chăn nuôi trước mắt nên hạn chế việc tái đàn, và trong thời gian này tuyệt đối không được tăng đàn. Đối với những hộ chăn nuôi đang còn lợn nhỏ trong trại thì chỉ nên duy trì chứ chưa nên tái đàn nhằm cắt giảm nguồn cung thịt lợn ra thị trường trong thời gian tới.

Chờ cho thị trường ổn định, cân đối mức cung tương ứng với mức cầu thì người chăn nuôi hãy nghĩ đến chuyện tái đàn tránh tình trạng giá bán lợn giảm xuống mức kỷ lục như hiện tại gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục